7 kỹ thuật thở Pranayama giúp mang lại làn da tươi sáng, rạng rỡ

02/07/2020 06:20
Vương Thủy (Theo Boldsky)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những người tập Yoga đều thực hành Pranayama để có cơ thể khỏe mạnh, làm dịu tâm trí và cải thiện làn da.

Pranayama là gì?

Trong Yoga, Pranayama là kỹ thuật tập trung vào hơi thở. Đã từ rất lâu rồi, những người tập Yoga đều thực hành Pranayama để đạt được sức khỏe tốt và làm dịu tâm trí. Không chỉ thế, nó cũng giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện làn da.

Pranayama là phương pháp thực hành yoga đòi hỏi việc kiểm soát hơi thở để lan tỏa năng lượng trong cơ thể bạn.

Đây là biện pháp tác động đến hệ hô hấp, cải thiện lưu thông máu và có khả năng thanh lọc để làn da sáng đẹp.

Kapalabhati

Kapalabhati là một phương thức để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Từ Kapalabhati gồm hai từ “Kapala” có nghĩa là trán và từ “Bhati” có nghĩa là toả sáng.

Nó đòi hỏi kỹ thuật thở gồm hít vào một cách bị động và thở mạnh chủ động.

Việc thực hành động tác yoga này làm phổi khoẻ mạnh hơn, loại bỏ những vật cản, cải thiện tuần hoàn máu và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.

Việc luyện tập Kapalabhati thường xuyên giúp làm sạch da và làm da tươi sáng tự nhiên.

Hướng dẫn Kapalabhati:

- Ngồi bắt chéo chân, tay để lên đầu gối.

- Để bắt đầu, hãy hít thở sâu bằng cách hít vào mũi và thở ra bằng miệng. Điều này giúp khởi động cơ thể bạn.

- Hít vào cho đến khi cảm thấy dạ dày của bạn lấp đầy (3/4 bụng đầy không khí).

Thở mạnh qua mũi, đồng thời nâng phần rốn của bạn lên trên.

- Một lần nữa hít một hơi thật sâu đầy bụng.

- Lặp lại quá trình này 10 lần và thở bình thường.

- Lặp lại cả chu trình 10 lần.

Những trường hợp không nên thực hiện Kapalabhati:

Đó là những người đang mang thai, người mắc bệnh tim, huyết áp cao, bệnh dạ dày hoặc có vấn đề về bụng.

Bhastrika

Bhastrika Pranayama còn được gọi là hơi thở của lửa. Nó tạo sức ép lên hai bên phổi và giúp đẩy hết không khí trong phổi bạn.

Bhastrika giúp tạo năng lượng cho cơ thể và giữ tâm trí của bạn bình tâm.

Đây là một kỹ thuật thở sâu giúp tăng cường sinh lực.

Việc này sẽ làm tăng nồng độ oxy trong máu và giúp da bạn sáng hơn.

Không giống như Kapalabhati, thực hành Bhastrika, bạn phải chủ động dùng sức cả lúc hít vào và thở ra.

Lưu ý khi thực hiện Pranayama bạn luôn luôn bắt đầu bằng bài tập Bhastrika sau đó đến Kapalabhati.

Cách thực hiện Bhastrika Pranayama:

- Ngồi thằng bắt chéo chân.

- Thở sâu, giữ 5 giây và thả lỏng.

- Bắt đầu hít vào thật mạnh và thở mạnh ra bằng mũi. Hãy đảm bảo là hơi thở được đẩy ra từ cơ hoành.

- Giữ vai thẳng và giữ yên ngực, cổ, đầu trong khi tập Bhastrika.

- Lặp lại việc thở sâu trong khoảng 30-45 giây. Nghỉ ngơi một lát và tiếp tục thêm khoảng 2 lần.

Những ai không nên tập thở Bhastrika:

Phụ nữ mang thai, người bị tăng huyết áp, co giật, rối loạn hoảng sợ hoặc có vấn đề về tim.

Không nên thực hiện bài tập này vào buổi tối hoặc với tư thế nằm sấp. Nếu bị đau nửa đầu, bạn cũng không nên tập bài này.

Anulom Vilom

Đây là một kỹ thuật thở để kiểm soát năng lượng trong cơ thể. Anulom Vilom còn gọi là kỹ thuật thở luân phiên, giúp kích thích các cơ quan trong cơ thể, làm hệ hô hấp hoạt động trơn tru, tăng tuần hoàn máu.

Cơ thể sẽ được loại bỏ độc tố, các gốc tự do. Kỹ thuật này giúp mang đến sự yên bình trong tâm hồn bạn và đặc biệt cho bạn một làn da sáng khỏe mạnh.

Cách thực hiện Anulom Vilom:

- Ngồi thẳng, bắt chéo chân

- Chú ý thẳng lưng và để vai thả lỏng

- Hít mạnh, giữ một vài giây và thở ra

- Dùng ngón cái phải bịt lỗ mũi bên phải

- Hít vào một hơi thật sâu qua lỗ mũi trái

- Dùng ngón tay đeo nhẫn bịt lỗ mũi trái và thở ra qua mũi phải

- Sau đó, hít vào qua mũi phải rồi bịt lỗ mũi phải, thở ra qua mũi trái

- Tập trung vào hơi thở và cố gắng phối hợp cân bằng thời gian hít vào thở ra

- Lặp lại quá trình này trong vòng 5 phút.

Lưu ý: Khi tập luyện thường xuyên phương pháp này, hãy cố gắng tăng thời gian hít vào và thở ra. Hãy giữ cho hơi thở đều và chắc.

Nadi Shodan Pranayama

Nadi Shodan gồm hai từ “Nadi” nghĩa là một kênh năng lượng và “Shodan” nghĩa là làm sạch.

Kỹ thuật thở này sẽ giúp thanh lọc năng lượng gây cản trở đến các cơ quan hô hấp trong cơ thể và đảm bảo lưu thông máu tốt hơn.

Đây là một kỹ thuật thở đơn giản giúp mở các cơ quan và cung cấp oxy cho cơ thể, loại bỏ độc tố trong cơ thể, giúp da bạn sáng đẹp hơn.

Nadi Shodan cũng là kỹ thuật thở luân phiên giống như Aulom Vilom.

Sự khác nhau duy nhất là Aulom Vilom cần thở mạnh hơn, còn Nadi Shodan Pranayam cần hơi thở nhẹ và mỏng.

Cách thực hiện thở Nadi Shodan Pranayam:

- Ngồi thẳng và thư giãn

- Thở sâu và tập trung vào hơi thở

- Nâng tay phải lên, đặt ngón trỏ và ngón giữa vào phần giữa lông mày

- Bây giờ, dùng ngón cái phải bịt lỗ mũi phải

- Thở sâu nhẹ nhàng qua mũi trái

- Dùng ngón tay đeo nhẫn phải bịt mũi trái và thở qua mũi phải

- Thở sâu qua mũi phải, bịt mũi phải và thở qua mũi trái

- Lặp lại thao tác khoảng 20 lần

- Lặp lại chu trình 3 lần

Bhramari, Udgeeth và Pranav Pranayama

Đây là 3 kỹ thuật thở Pranayama được thực hiện cùng nhau theo trình tự.

Kỹ thuật Bahrami Pranayama còn gọi là kỹ thuật thở ong, có tác dụng giúp tâm trí bình tĩnh.

Nó giúp giảm căng thẳng, giảm triệu chứng tăng huyết áp, giảm huyết áp.

Tiếp theo là thở Ugeeth và Pranav Pranayam bổ trợ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh giúp bạn bình tâm và làm tươi sáng khuôn mặt.

Sự kết hợp 3 kỹ thuật thở này sẽ mang đến sự bình yên cho bạn.

Cách tập Bhramari, Udgeeth và Pranav Pranayama:

- Ngồi thẳng, bắt chéo chân và thư giãn

- Bịt tai bằng ngón cái

- Đặt ngón trỏ thẳng lên trán và 3 ngón tay còn lại đặt lên mắt

- Khép môi lại

- Hít sâu và vừa thở một hơi dài qua mũi vừa tạo thành tiếng “Aum” kéo dài. Tiếng “Aum” kéo dài từ mũi sẽ tạo ra âm thanh như tiếng của một con ong vì thế kỹ thuật này gọi là thở ong.

- Chuyển sang kiểu thở Udgeeth Pranayama, đặt tay trên đầu gối và duỗi thẳng người

- Hít sâu và thở ra từ từ

- Tập trung vào tâm trí và thở sâu

- Thở ra với tiếng "Aum" kéo dài

- Lặp lại kiểu thở Bhramari và Udgeeth Pranayam 5 lần

- Chuyển sang Pranav Pranayama

- Đặt tay lên đầu gối, tập trung vào giữa lông mày và quan sát trong im lặng

- Tập trung vào hơi và hít sâu vào, thở ra nhẹ nhàng.

Vương Thủy (Theo Boldsky)