Bước xâm lấn Biển Đông kiểu mới của Trung Quốc

16/02/2013 14:19
Kiệt Linh/VnMedia
Thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Để đạt được mục đích này, Trung Quốc đã đi bằng nhiều con đường, từ những bước đi hung hăng trên biển đến những động thái đầy khiêu khích trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao... Giờ đây, Trung Quốc còn tìm cách xâm lấn Biển Đông bằng một hình thức mới rất tinh vi mà ít ai ngờ tới.
Quả địa cầu in hình đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc
Quả địa cầu in hình đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc

Cả năm qua, người ta chứng kiến Trung Quốc liên tục đưa tàu thuyền cả dân sự lẫn quân sự ra các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông để quấy nhiễu tàu thuyền các nước khác, tiến hành một loạt các cuộc tập trận để phô trương sức mạnh nhằm đe dọa, thị uy các nước có tranh chấp với họ. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh còn liên tiếp “tung” ra các chiêu như thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý là nhiều vùng lãnh thổ đang còn nằm trong tranh chấp ở Biển Đông, đưa đường lưỡi bò phi pháp vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này hay công bố bản đồ mới bao gồm một loạt vùng lãnh hải, lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng....

Mới đây nhất, Trung Quốc khiến nhiều nước ngỡ ngàng khi thực hiện những bước đi “xâm lấn” Biển Đông kiểu mới, vô cùng tinh vi mà ít ai có thể ngờ tới.

Quả cầu đường lưỡi bò phi pháp

Trong khi người dân ở nhiều nước Châu Á đang háo hức chào đón tết cổ truyền Quý Tỵ với hy vọng vào một năm mới tốt đẹp hơn, yên bình hơn thì “sóng gió” Biển Đông lại bị Trung Quốc thổi bùng lên bằng hành động tranh chấp chủ quyền rất mới thông qua con đường văn hóa của nước này.

Cả đất nước Philippines mấy ngày nay xôn xao trước tin người ta phát hiện Trung Quốc đã ngầm tuồn vào nước họ những mô hình quả địa cầu có in đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn. Trung Quốc chính thức công bố bản đồ đường yêu sách 9 đoạn vào năm 2009. Theo đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đến 80% diện tích Biển Đông, xâm lấn vào nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải của một loạt nước khác trong khu vực. Đây là điều mà cộng đồng quốc tế phản đối rất quyết liệt. Cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận một vùng biển lớn nhất nhì thế giới thuộc về quyền tài phán của một nước.

Việc các hiệu sách ở Philippines vô tình bán những quả địa cầu có in hình "đường lưỡi bò" do Trung Quốc sản xuất được phát hiện lần đầu tiên nhờ thông tin từ mạng xã hội Facebook. Trung Quốc đã “tuồn” những quả địa cầu có in hình đường lưỡi bò phi pháp vào thị trường Philippines và bán với giá cực kỳ rẻ, thấp hơn từ 10 đến 20 lần so với giá những quả địa cầu do các nước khác sản xuất.

Ngay sau khi thông tin trên được tung ra, rất nhanh chóng, giới chức Philippines đã ra lệnh thu hồi những sản phẩm đã bán đồng thời yêu cầu các hiệu sách rút toàn bộ những quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất ra khỏi các kệ hàng của họ.

"Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận quả địa cầu dùng trong giáo dục có in hình đường 9 đoạn trên Biển Đông theo quan điểm của Trung Quốc, đang được bán lẻ tại địa phương. Philippines khẳng định đường 9 đoạn mà Trung Quốc đòi hỏi là vi phạm luật quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez hôm 13/2 đã cho biết như vậy.

Theo báo chí Philippines cho biết, nước này đã tìm ra một công ty sách lớn nhất Philippines vô tình tiếp tay cho Trung Quốc tuồn quả địa cầu lưỡi bò vào nước này. Quả địa cầu có in hình lưỡi bò phi pháp này được công ty National Book Store (NBS) bán trong hệ thống nhà sách của họ, nhưng ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Philippines, NBS đã lập tức dừng bán và thu hồi tất cả số quả địa cầu lưỡi bò

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách đưa đường lưỡi bò vô lý vào những “sản phẩm” được lưu hành rộng rãi ở nhiều nước. Năm ngoái, Trung Quốc đã từng in hình đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân nước họ. Tuy nhiên, động thái này đã ngay lập tức bị các nước phản đối dữ dội và bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Các nước như Philippines, Việt Nam và thậm chí là cả Mỹ, Ấn Độ đều tuyên bố không công nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Vi phạm chủ quyền Việt Nam bằng đèn lồng in chữ Tam S

Ngoài đưa quả cầu có in đường 9 đoạn vào thị trường Philippines, Trung Quốc còn tuồn vào Việt Nam những chiếc đèn lồng có in chữ “Tam Sa” – tên một “thành phố” mà nước này lập lên một cách phi pháp ở vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Nhiều người dân ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, đã vô tình mua phải loại đèn lồng do Trung Quốc sản xuất với giá từ 75.000 đến 150.000 đồng mỗi chiếc về nhà để treo trang trí trong dịp Tết mà không hề biết rằng, trên đó có chữ “Tam Sa” bằng tiếng Trung.

Ngoài thị xã Chí Linh, ở một số địa phương khác trong tỉnh cũng xuất hiện tình trạng vô tình mua phải những chiếc đèn lồng Trung Quốc có in chữ Tam Sa phi pháp nói trên.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc đèn lồng Trung Quốc có nội dung tuyên truyền chính trị sai lệch đang được lưu hành ở một số địa phương, các cơ quan chức năng đã khẩn trương thu hồi những chiếc đèn lồng này. Nhiều người dân sau khi biết được sự việc trên cũng đã nhanh chóng chủ động tự tháo dỡ, vứt bỏ những chiếc đèn lồng của Trung Quốc. Một số người còn nảy ra ý tưởng rất hay là dán hình sao vàng năm cánh đè lên chữ Trung Quốc in trên đèn lồng, tạo thành đèn lồng đỏ sao vàng.

Hồi giữa tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này. Đây là một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong năm 2012 của Trung Quốc.

Rõ ràng, việc tuồn quả cầu đường lưỡi bò vào thị trường Philippines hay đèn lồng có chữ Tam Sa vào Việt Nam là những bước đi mới hết sức tinh vi của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng. Nếu không cảnh giác, người dân ở các nước khác rất dễ vô tình trở thành công cụ tuyên truyền của Trung Quốc khi vô tư dùng những sản phẩm có những thông tin sai lệch của nước này.

 


Kiệt Linh/VnMedia