Nga được lợi gì khi theo Trung Quốc chống quốc tế hóa Biển Đông?

20/04/2016 07:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Nga cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tại Tòa Trọng tài Thường trực được khởi động bởi một doanh nhân người Ukraine.

South China Morning Post ngày 20/4 bình luận, Trung Quốc đang vận động Nga hỗ trợ chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Đại Công Báo.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Đại Công Báo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc hội đàm tại Moscow rằng, hai nước nên tham gia chung sức phản đối "quốc tế hóa các tranh chấp". Vương Nghị nói: "Cả Trung Quốc và Nga nên cùng nhau chống lại (cái gọi là) sự lạm dụng của cơ chế trọng tài bắt buộc".

Thông cáo báo chí sau cuộc họp Ngoại trưởng 3 bên Trung - Ấn - Nga cho biết, tất cả các tranh chấp liên quan ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua thương lượng và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Nga và Ấn Độ không có yêu sách gì ở Biển Đông.

Các nhà phân tích nhận xét, phát biểu của Vương Nghị cho thấy sự chuẩn bị đối phó với phán quyết của PCA dự kiến sẽ có trong tháng Năm hoặc tháng Sáu tới.

Quan chức Bộ Ngoại giao Anh phụ trách các vấn đề khu vực Đông Nam Á Hugo Swire cho biết, phán quyết của PCA có tính ràng buộc và phải được thực thi. Trong tháng này, Liên minh châu Âu kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA, các Ngoại trưởng của nhóm G-7 cũng ra tuyên bố chung bảy tỏ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông.

Nga được lợi gì khi theo Trung Quốc chống quốc tế hóa Biển Đông? ảnh 2

Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông

(GDVN) - Lợi ích của Nga trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như tâm lý chống Mỹ của Nga đã và đang "khúc xạ" vào Biển Đông.

Trong khi tuần trước ông Sergei Lavrov nói với báo chí, cần phải ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Các nhà quan sát tin rằng, những phát biểu của Vương Nghị cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngoại giao khổng lồ, nhiều quốc gia lên tiếng bảo vệ Philippines. Bắc Kinh hy vọng cũng sử dụng con đường ngoại giao để chống lại.

Li Xing, một Giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh nhận xét: "Trung Quốc gần như bị cô lập trong chuyện này. Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược, hai bên đang quan tâm và phối hợp vì lợi ích cốt lõi của nhau".

Nga cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tại Tòa Trọng tài Thường trực được khởi động bởi một doanh nhân người Ukraine về việc bị buộc dừng hoạt động một sân bay hàng không dân dụng ở Crimea sau khi Nga "thôn tính" bán đảo này. Moscow tuyên bố PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này.

Cuộc gặp Vương Nghị - Sergei Lavrov còn nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Ngoài hợp tác chính trị, đầu tư của Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của phương Tây và chi phí tốn kém cho các hoạt động quân sự của Nga ở Syria.

Trong khi đó doanh số bán vũ khí của Nga tăng cũng giúp tăng khả năng phòng thủ của Trung Quốc. Lý Lập Phàm, một chuyên gia về các vấn đề Nga từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải nhận xét, nó giống như một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Người viết cho rằng, bằng việc ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến bành trướng Biển Đông và chống lại luật pháp quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế, Nga đang làm mất uy tín của mình trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Phải cắn vào uy tín, danh dự và vị thế một nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đổi lấy các hợp đồng kinh tế từ Bắc Kinh đã cho thấy vị thế thực sự của Moscow trên vũ đài chính trị quốc tế bây giờ ra sao.

Hồng Thủy