Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?
Theo thống kê, có đến 30% trẻ em châu Á mắc chứng bàn chân bẹt.
Đây là một dị tật phổ biến không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bàn chân mà còn gây ra các cơn đau nhức ở nhiều bộ phận trên cơ thể, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa xương khớp.
Chứng bàn chân bẹt khiến các xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối.
Bàn chân bẹt cũng khiến cơ thể bị lệch trục, gây ra ảnh hưởng lên tới lưng, cổ.
Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái (ngón cái bị đẩy về phía ngón sát bên), gai gót chân, viêm cân gan chân...
Trẻ có bàn chân bẹt có nghĩa là lòng bàn chân không có vòm hoặc vòm bàn chân thấp và gần như hoàn toàn bằng phẳng so với mặt đất.
Vòm bàn chân là phần giữa của bàn chân thường được nâng lên khỏi mặt đất khi bạn đứng, trong khi phần còn lại của bàn chân vẫn chạm đất.
Bàn chân bẹt có xu hướng áp sát vào bên trong hoặc bên ngoài |
Với trẻ dưới 2 tuổi, vòm bàn chân rất khó thấy do các mô mỡ và phần mềm làm đầy lòng bàn chân.
Tuy nhiên, từ 2 đến 3 tuổi, vòm bàn chân sẽ phát triển, hình thành. Khi này, cha mẹ có thể thấy rõ ràng.
Với một số trẻ không phát triển vòm bàn chân, có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất thì đây chính là một vấn đề khá lớn.
Nguyên nhân gây ra bàn chân bẹt
Hội chứng bàn chân bẹt có thể do yếu tố di truyền vì nhiều gia đình cả bố mẹ và con đều bị bàn chân bẹt.
Một số trẻ có gen xương khớp mềm ở bàn chân và thường phát triển thành chân bẹt.
Ngoài ra, thói quen đi chân đất, đi dép, xăng đan có đế lót bằng phẳng từ khi còn nhỏ cũng là một nguyên nhân có thể gây ra bàn chân bẹt.
Bên cạnh đó, khi bị gãy xương, mắc một số bệnh lý như thấp khớp, bệnh lý liên quan đến thần kinh, béo phì, đái tháo đường, cao tuổi và mang thai cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.
Nên kiểm tra cho trẻ trước 2 tuổi
Khi thấy trẻ có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất, bàn chân phẳng, giày đi mòn nhanh, trẻ có cảm giác tê cứng ở chân hoặc cảm thấy đau đớn, các bậc phụ huynh hãy đưa con đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị.
Bàn chân bẹt chỉ cần được điều trị nếu bạn có triệu chứng như đau, cứng khớp hoặc bất kỳ một triệu chứng nào ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật luôn được ưu tiên, song có một vài trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật.
Chia sẻ trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, bác sĩ Minh Ngọc đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa nếu phát hiện triệu chứng của tật (trẻ có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất).
Việc chữa trị bàn chân bẹt tốt nhất ở trẻ có độ tuổi từ 2 - 7 tuổi".
Nếu được phát hiện sớm, phương pháp trị liệu không mổ với đế giày chỉnh hình y khoa là giải pháp đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh tật bàn chân bẹt của trẻ.
Cách phòng chống ung thư ở trẻ em |
Phương pháp hỗ trợ đó là mang đế giày/ miếng lót giày hỗ trợ được thiết kế đặc biệt giúp tạo vòm và nâng đỡ bàn chân, hỗ trợ để xương khớp trở về đúng trục, từ đó có thể giảm thiểu hàng loạt rắc rối có thể nảy sinh.
Đế chỉnh hình có thể được lót dưới hầu hết các loại giày dép thông dụng (nhưng mang chung với giày thể thao vẫn là tốt nhất) và bệnh nhân được khuyến cáo nên sử dụng thường xuyên trong các hoạt động đi đứng hàng ngày, mỗi khi bàn chân phải chịu lực.
Đi đế giày này thường xuyên, cấu trúc bàn chân của trẻ 2 - 8 tuổi có thể trở về vị trí cân bằng mong muốn.
Từ sau giai đoạn này cho tới 12 tuổi, việc tạo vòm mang lại hiệu quả thấp hơn và thời gian mang đế chỉnh hình cũng kéo dài hơn.
Ở người trưởng thành, đế chỉnh hình có tác dụng ngăn ngừa đau khớp, thoái hóa khớp... nhưng không thể tạo vòm nữa và họ cần mang đế suốt đời.
Phẫu thuật chỉnh hình không cần thiết với trẻ dưới 8 tuổi và dị tật ít nghiêm trọng.
Một số trường hợp hiếm cần phải can thiệp phẫu thuật với trẻ trên 8 tuổi, khi trẻ bước vào giai đoạn phát triển chiều cao nhanh và hình thành gân gót chân (gân Achille) ngắn hơn bình thường.