Bộ trưởng phát tín hiệu và chuyện "quyền rơm, vạ đá"

25/08/2016 12:12
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Dù quyết tâm đến mấy, Bộ trưởng cũng khó đạt được kỳ vọng gửi gắm nếu không thực hiện một cuộc đổi mới công tác cán bộ ngay tại Bộ.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của TS. Dương Xuân Thành, Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ở bài viết này, TS.Dương Xuân Thành bày tỏ quan điểm cũng như mong mỏi của mình đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, soi chiếu dưới các quan điểm, tín hiệu mới được phát ra từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số động thái trong chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gần đây được dư luận đánh giá tích cực như xem xét lại Thông tư 30, mở lối cho việc áp dụng thí điểm VNEN tại các địa phương, cải tiến phương thức tuyển chọn kỳ thi Quốc gia 2016…

Được biết Bộ trưởng Nhạ đã nêu quyết tâm xóa bỏ cơ chế “chủ quản” với các cơ sở giáo dục Đại học sau khi truyền thông có một số góp ý.

Ngay sau khi nhậm chức, cơ sở giáo dục đầu tiên mà Bộ trưởng tới thăm, làm việc là một trường ngoài công lập.

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thực hiện một đổi mới ngay tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh minh họa từ tienphong.vn).
Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thực hiện một đổi mới ngay tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh minh họa từ tienphong.vn).

Những ngày qua, vấn đề “tự chủ Đại học” cũng được Bộ quan tâm khi các chuyên gia trong ngoài ngành góp nhiều ý kiến có chất lượng.

Có thể thấy việc lắng nghe ý kiến chuyên gia, phản biện của truyền thông là một nét mới mà trước đây chưa được chú ý đúng mức.

Bộ trưởng phát tín hiệu và chuyện "quyền rơm, vạ đá" ảnh 2

Duy ý chí, chúng ta sẽ mất nốt nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng

Người viết hoan nghênh và tin rằng, với tư duy đồi mới, với tác phong nói đi đôi với làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ góp phần quan trọng tạo nên làn gió mới trong hoạt động chỉ đạo điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với mong muốn giúp Bộ trưởng nhìn rõ thêm những tồn tại do lịch sử để lại, người viết xin không đề cập đến những lĩnh vực khác mà chỉ đề cập khía cạnh nhân sự.

Ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết nhận định: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Ngày 18/3/2016 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến: “việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam có vấn đề". [1]

Phó Thủ tướng chỉ rõ, chất lượng đào tạo chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.

Có nhiều yếu tố đóng góp vào chuyện một số lượng khá lớn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, vậy trách nhiệm của các cơ sở giáo dục Đại học, Bộ, Chính phủ là thế nào.

Ngày 29/7/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong báo cáo trình bày trước Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá: “Chất lượng giáo dục Đại học chuyển biến chậm”.

Khoảng thời gian từ khi Nghị quyết 29 ban hành đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến là hai năm rưỡi, còn khoảng cách thời gian giữa ý kiến của Phó Thủ tướng và Thủ tướng chỉ là 4 tháng.

Nêu lên để thấy hai vị đứng đầu Chính phủ bắt đầu sốt ruột, bắt đầu cảm thấy không hài lòng về chỉ đạo, điều hành giáo dục, đặc biệt là mảng giáo dục Đại học.

Vì sao giáo dục Đại học Việt Nam đã “có vấn đề” lại “chuyển biến chậm”?

Câu trả lời đã được ghi rõ trong Nghị quyết 29 với phần trích dẫn nêu trên, đó là:

Thứ nhất: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém”;

Thứ hai: “Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu”;

Thứ ba: “Một bộ phận (cán bộ quản lý) chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Lãnh đạo chính phủ không phải chỉ nêu hiện tượng mà còn chỉ rõ biện pháp khắc phục qua ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tiên”.

Bộ trưởng phát tín hiệu và chuyện "quyền rơm, vạ đá" ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và 5 thách thức cho Bộ trưởng Nhạ

(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, giảng viên ở Việt Nam làm việc gần như chẳng phải cố gắng gì, còn người học cứ nhênh nhang cũng sẽ có bằng.

Có thể thấy Đảng, Quốc hội, Chính phủ chọn khâu “đột phá” là công tác nhân sự bằng cách tìm cho Giáo dục vị tư lệnh ngành mới.

Đến lượt mình, nếu Tư lệnh ngành không “đột phá” bằng cách xây dựng một êkip mới, đủ tầm và tâm thì thật khó để Giáo dục có những chuyển biến đáp ứng mong mỏi toàn xã hội.

Vì sao Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cần xây dựng một êkip mới?

Câu hỏi này không hàm ý đánh giá uy tín, chất lượng đội ngũ công chức Bộ Giáo dục từ trước tới nay.

Lấy ý từ phát biểu của nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, rằng Giáo dục là một đoàn tàu, khi Nhà nước quyết định thay đầu máy nhưng vẫn giữ các toa tàu cũ, vẫn hệ thống đường ray một làn cũ, vẫn hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông cũ thì việc duy trì tốc độ “rùa bò” là đương nhiên.

Nếu bỏ qua mọi yếu tố, cứ cố cho rằng chỉ cần quyết tâm, chỉ bằng “ý chí chạy nhanh” ngay lập tức đoàn tàu giáo dục trở thành cao tốc thì cũng chẳng khác gì mấy chục năm trước, khi có ý kiến cho rằng chỉ cần “mo cơm, quả cà” chúng ta có thể xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn xã hội tư bản.

Kể từ khi Bộ trưởng Nhạ nhậm chức, không phải không có những văn bản “trên trời” hay băn bản “phòng lạnh” được ban hành, xin nêu một ví dụ:

Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 3/6/2016 quy định:

“Tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2016, muộn nhất vào ngày 25/8/2016.

Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2016”.

Vậy nếu các trường thực hiện đúng Quyết định này, cho học sinh tựu trường từ ngày 1/8/2016 thì thầy trò sẽ làm gì trong hơn một tháng (cho đến ngày khai giảng 5/9/2016)?

Phải chăng đây là cách hợp pháp hóa chuyện dạy thêm, học thêm tại các trường?

Một năm có 12 tháng, sai số cho phép khoảng một tháng, liệu đây có là thói quen ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ phận chức năng trong cơ quan Bộ?

Ví dụ thứ hai là quy định điểm sàn (15 điểm) cho kỳ tuyển sinh Cao đẳng, Đại học năm 2016.

Cả nước có gần 20 trường được xếp vào hàng trọng điểm quốc gia, không có lý gì các trường này cũng được phép tuyển sinh với điểm sàn 15?

Vinh dự phải đi kèm trách nhiệm, là trường trọng điểm đương nhiên nhận được sự quan tâm về vật chất, tinh thần, được ưu ái nhưng không thể vì thế mà cho phép các trường này cùng tham gia “vét” thí sinh như các trường khác.

Bộ trưởng phát tín hiệu và chuyện "quyền rơm, vạ đá" ảnh 4

Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại

Bài viết đăng trên Vietnamnet.vn ngày 22/1/2014 “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo chui”? đã nói rõ thực trạng hoạt động của một vài bộ phận thuộc cơ quan Bộ. [2]

Cùng với Y tế, Giáo dục là một trong hai bộ được cả xã hội quan tâm, theo dõi bởi Giáo dục liên quan đến tiền đồ và vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Người viết hoàn toàn thông cảm với vị thế của Bộ trưởng Giáo dục, có thể hơi quá nếu dùng câu nói dân gian “quyền rơm, vạ đá” nhưng thực tế đúng là như vậy.

Báo cáo số 96/BC-CP của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký về “Đề án đổi mới tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014” viết:

74% ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục do các Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý, 21 % do các Bộ ngành khác quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý 5%.

Không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách cho giáo dục do các địa phương và Bộ ngành khác quản lý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Theo luật, nhân sự lãnh đạo tất cả các trường ngoài công lập do chính quyền địa phương (nơi đặt trường) quản lý, hai Đại học Quốc gia do Chính phủ quản lý.

“Có thực mới vực được đạo”, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có “thực quyền” và “thực chi” vậy nên chuyện không vực được “đạo” không phải là trách nhiệm của riêng lãnh đạo ngành Giáo dục.

Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là cơ quan quản lý giáo dục không hề có lỗi.

Ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông có thể “trảm” các nhà thầu chậm tiến độ hay làm ăn thiếu nghiêm túc vì ông đã yêu cầu Quốc hội:

Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. [3]

Nhận trách nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục trong tình hình hiện nay là một sự dũng cảm cần được ghi nhận. 

Nếu không có một đội ngũ tham mưu tài năng, tâm huyết, sẽ còn nhiều văn bản “trên trời” và không có gì đảm bảo sau vài năm nữa, sẽ không diễn ra tình trạng “những tồn tại sẽ lại dành cho nhiệm kỳ sau giải quyết”!

Từng có chuyện một lãnh đạo cấp vụ đăng bài viết “Nghề đẳng cấp quốc tế, khái niệm mơ hồ, chỉ có ở Việt Nam”.

Cấp có thẩm quyền đã yêu cầu Ban biên tập gỡ bài xuống vì trong đó có những số liệu “nhạy cảm” cho thấy sự lãng phí (không loại trừ có cả tiêu cực, lợi ích nhóm) trong hoạch định chính sách giáo dục.

Song, có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫu có muốn cũng không làm được như ông Đinh La Thăng vì rất nhiều “nhà thầu” lĩnh vực giáo dục Đại học lại không phải là “quân” của Bộ Giáo dục.

Lãnh đạo các cục, vụ… không báo cáo, nếu Bộ trưởng không có một chuyên gia tổng hợp tin tức báo chí thì việc Bộ trường không biết hết những “chiêu trò” của cấp dưới là đương nhiên. 

Việc “làm mới” đội ngũ chuyên viên cơ quan Bộ là trong tầm tay Bộ trưởng, điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Rất nhiều bài báo chỉ đích danh những bất cập liên quan đến thanh tra, khảo thí, đặc biệt là khâu xét duyệt chỉ tiêu, mở ngành, kiểm định chất lượng giáo dục…

Bộ trưởng phát tín hiệu và chuyện "quyền rơm, vạ đá" ảnh 5

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?

Nếu không được Bộ cho phép hoặc làm ngơ thì hàng loạt cơ sở giáo dục Đại học hiện nay phải dừng tuyển sinh.

Vì sao các bộ phận chức năng Bộ không dám đề xuất để Bộ trưởng ký lệnh đình chỉ?

Nếu Bộ trưởng có thời gian, chỉ cần Bộ trưởng kiểm tra hai Đại học, một trường công lập thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cách cơ quan bộ khoảng 20 km, trường kia là Đại học Chu Văn An Hưng Yên.  

Có thể khẳng định ở hai trường này từ Ban Giám hiệu xuống đến các khoa, phòng, ban, số lượng lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn theo luật định (phải có học vị Tiến sĩ, …) chiếm đa số.

Tại Đại học Chu Văn An, danh sách giảng viên cơ hữu báo cáo bộ để xin đào tạo Thạc sĩ là một danh sách “ma” đã bị báo chi phanh phui. [4] Bộ phận nào dưới sự chỉ đạo của ai đã phê duyệt cho trường này tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ?

Người viết xin mạo muội nêu ý kiến, dù quyết tâm đến mấy, Bộ trưởng cũng khó đạt được kỳ vọng mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân gửi gắm nếu không thực hiện một cuộc đổi mới tại chính cơ quan Bộ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-dao-tao-ky-su-cu-nhan-co-van-de-490606.vov

[2] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/158767/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui.html

[3]http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tu-co-bi-thu-kim-ngoc-den-tu-lenh-dinh-la-thang-520418.bld

[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd

TS. Dương Xuân Thành