Theo lời ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT: “vấn đề kiểm soát công tác tổ chức thi đối với các trường thi riêng đã có ngay trong các đề án của các trường. Trong đề án đã có các mặt về thanh tra, kiểm tra. Nhưng về phía Bộ vẫn phải có thanh tra tuyển sinh, kết hợp với các thanh tra địa phương, cơ sở trực tiếp quản lí các trường đó”.
Bộ cũng đã từng đề cập: “những trường được phép tự chủ tuyển sinh dựa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu của đề án và được sự đồng tình của dư luận”. Công bố cho thấy Bộ chỉ dựa vào hai tiêu chuẩn là đề án của trường và dư luận xã hội mà chưa cho thấy các động thái thể hiện chức năng quản lý của Bộ đối với đề án của các trường?
Xung quanh chuyện tự chủ tuyển sinh, có hàng loạt vấn đề cần được bàn luận:
Mỗi đề án tuyển sinh đều đưa ra các công bố về nhân sự và cơ sở vật chất bên cạnh các ngành nghề đào tạo và phương pháp tuyển chọn. không thiếu “dữ liệu ma” được một số trường nhào nặn đưa vào đề án. Nổi cộm nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Khi có một đội ngũ giảng viên cơ hữu đông đảo, mạnh về chuyên môn, đương nhiên chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tăng lên kéo theo sự nhiều sự gia tăng khác.
Tự chủ đại học các trường phải thực sự tự chủ trong công tác tuyển sinh của mình. |
Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (cơ hữu) ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ thời gian làm việc tại cơ sở giáo dục của các chức danh giảng viên, phó giáo sư, giáo sư, giảng viên cao cấp là 1760 giờ một năm. Từ số giờ này ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh đã quy đổi cụ thể: giảng viên cơ hữu của trường phải làm việc 40 giờ một tuần, 44 tuần một năm.
Đọc một vài đề án người ta thấy ngay những số liệu rất “hoành tráng” của một số trường, đó là danh sách GVCH báo cáo về Bộ GD-ĐT. Nếu Bộ yêu cầu danh sách GVCH không phải chỉ đầy đủ họ tên, học hàm, học vị, mà còn cần số điện thoại liên hệ và số chứng minh thư thì sẽ thấy ngay không ít trường hợp một giảng viên là “cơ hữu” cho ba, bốn trường cùng một lúc. Vì sao lại đề xuất phải có số chứng minh thư? Bởi vì số chứng minh thư của công dân là duy nhất, tập hợp giảng viên cơ hữu toàn ngành trong một tệp dữ liệu kiểu Excel hoặc FoxPro, chỉ cần một thao tác tìm kiếm số chứng minh thư trong vài giây sẽ biết người đó được đăng ký cho bao nhiêu trường. Thao tác này không cần chuyên gia Công nghệ Thông tin mà chỉ cần người thành thạo phần mềm Excel là có thể làm được.
Điều mà dư luận bức xúc hiện nay không phải ở chỗ các trường đưa vào đề án tuyển sinh riêng các “số liệu ma” mà là tại sao Bộ GD&ĐT không chịu thẩm định, cố tình bỏ qua, dung túng cho việc làm sai trái này?
Một số trường mấy năm qua do không tuyển đủ sinh viên đã cho hàng loạt giảng viên nghỉ việc, chẳng hạn ĐH Lương Thế Vinh tháng 4/2013 đã cho nghỉ việc 45 người trong đó có 36 giảng viên, ĐH Chu Văn An sau khi cho hàng loạt giảng viên nghỉ việc, đến đầu năm 2014 số giáo viên cơ hữu “thật” của trường còn chưa đến 20 người, giảng viên là phó giáo sư thực sự chỉ có 01 người là trưởng khoa Cơ bản, còn vị trưởng khoa Kinh tế chỉ là trưởng khoa “chui” vì vị này đang là giảng viên cơ hữu của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Trong số 11 người mà trường này liệt kê là giảng viên khoa Công nghệ Thông tin có người chỉ là nhân viên phòng máy tính (mới tốt nghiệp cao đẳng liên thông), chín người không làm việc tại trường, thực chất khoa này chỉ còn 02 giảng viên. Tương tự như vậy khoa Kinh tế liệt kê có 35 giảng viên, thực sự đến cuối năm 2013 khoa này chỉ còn 5 người. 100% GS, PGS, TS có tên trong danh sách chỉ có một ít là giáo viên thỉnh giảng còn lại đều là giả mạo, thậm chí có người còn không biết tên mình bị Đại học Chu Văn An lợi dụng. Để kiểm chứng chỉ cần Bộ liên hệ với GS Đỗ Hoàng Toàn (ĐH Kinh tế quốc dân), GS Phạm Thị Mỹ Dung (ĐH Nông nghiệp Hà Nội), GVC Nguyễn Tô Thành (ĐH Bách Khoa Hà Nội) … là biết họ có liên hệ gì với Đại học Chu Văn An hay không.
Về vai trò của tổ chức Đảng cơ sở
Đại học Chu Văn An có một chi bộ với hàng chục đảng viên, nghe nói người được giao soạn thảo đề án tự chủ tuyển sinh của trường này cũng là một đảng viên. Vậy chi bộ trường Đại học Chu Văn An có biết cái “danh sách giảng viên” mà lãnh đạo trường này trình Bộ không? Câu trả lời chắc chắn là có biết vì nó được đăng trên trang Web của trường. Rõ ràng trong trường hợp này Chi bộ trở thành kẻ đồng lõa với sự lừa đảo mà ban lãnh đạo trường Đại học Chu Văn An đang thực hiện. Với một Chi bộ như vậy, nghị quyết TƯ về đổi mới giáo dục liệu có thành hiện thực? Liệu có nên để tồn tại một chi bộ chỉ đóng vai trò “sai vặt” của nhà đầu tư?
Có trường liệt kê có phòng tập đa năng, xưởng thực tập, ký túc xá nhưng thực tế không có lấy một mét vuông nào.
Ai cũng biết phải qua rất nhiều vòng sơ tuyển, trung tuyển, đại … tuyển mới có được vị trí làm việc tai cơ quan bộ. Vậy thì họ hẳn phải là những người “thông minh” hơn người khác, đối phó với tình huống “uyển chuyển” hơn người khác. Thế nhưng cách thức phê duyệt đề án “trên giấy” lại là minh chứng rõ nhất cho kiểu công chức cắp ô mà dư luận tốn nhiều giấy mực. Không thể không nêu câu hỏi: “tại sao các trường đánh lừa Bộ dễ thế?” và đương nhiên người ta lại phải xuy diễn: “tại sao Bộ lại dễ dàng bị lừa như vây?
Cần phải nói thẳng ra rằng những trường đưa ra một danh sách giảng viên hùng hậu nhưng là danh sách giả mạo như Đại học Chu Văn An đều đang lừa dối phụ huynh và thí sinh, lừa dối dư luận xã hội. Việc Bộ phê duyệt cho họ tự chủ tuyển sinh thực chất là đồng lõa với hành động lừa đảo.
Muốn để công luận không “hiểu nhầm” sự minh bạch của việc phê duyệt nên chăng ngay bây giờ Bộ cần tiến hành thẩm định lại số liệu trong đề án mà các trường công bố. Cũng xin nói thêm rằng không chỉ trường ngoài công lập mà cả các trường công lập cũng có kiểu “danh sách ma” này.