Kiến nghị quy hoạch lại toàn bộ hệ thống trường đại học sư phạm
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng năm học 2016-2017 vào ngày 5/8, đại diện các trường đại học sư phạm, GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra những thuận lợi và khó khăn của các trường sư phạm hiện nay trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục.
GS Nguyễn Văn Minh cho biết: “Hiện nay hệ thống các trường sư phạm đang gặp rắc rối bởi 2 hình mẫu: Chân dung của một Đại học hiện đại và hiện hữu của một Đại học đang có.
Vấn đề đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên đòi hỏi cấp thiết phải sớm có cơ sở vật chất và điều kiện thực hiện công tác đào tạo.
Đó là giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, hệ thống thông tin và thư viện mà thực tế những cơ sở vật chất trên ở các trường sư phạm còn hạn chế".
Hệ thống trường sư phạm đang đứng trước ngã ba đường(GDVN) - Nhận định của PGS. Nghiêm Đình Vỳ - Viện trưởng Viện phát triển Giáo dục và Văn hóa khi ông nói về tính cấp thiết cải tổ lại hệ thống trường sư phạm hiện nay. |
GS Nguyễn Văn Minh cho biết, hệ thống cơ sở vật chất của các trường đại học sư phạm hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
"Nếu chúng ta tham quan tất cả các trường đại học sư phạm trên toàn quốc sẽ thấy cơ sở vật chất của các trường còn rất khó khăn" - GS Minh nói.
GS Nguyễn Văn Minh minh chứng: "Ví như, đối với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trường lớn trong hệ thống sư phạm, trong 5 năm qua( 2011-2015), nhà trường đã được đầu tư mới 1 công trình và cải tạo sửa chữa 5 công trình phục vụ cho các nhiệm vụ cụ thể.
"Kiến trúc, chất lượng xây dựng và bố trí của các tòa nhà xây dựng trước những năm 1990 ngày càng trở nên xa lạ với yêu cầu của một giảng đường hay phòng thí nghiệm của đại học hiện đại".
Ngoài cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị từ phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin, ký túc xá cho sinh viên… đều đã cũ và lạc hậu không đáp ứng được công tác dạy học và nghiên cứu.
GS Minh cho rằng, thực trạng trên bắt nguồn từ 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, trong quan niệm còn tồn tại tư duy cũ kỹ, đào tạo thầy cô thì cần gì nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị; giảng viên sư phạm thì cần gì nghiên cứu.
Điều kiện cần và đủ cho hệ thống đại học “không Bộ chủ quản”(GDVN) - Chuyển dịch từ mô hình giáo dục đại học “bộ chủ quản” sang “không bộ chủ quản” là một quá trình cần thiết nhưng phức tạp, nhiều lực cản và lâu dài. |
Thứ hai, nguồn kinh phí đầu tư cho các trường sư phạm khá hạn chế trong tình hình khó khăn của đất nước.
Thứ ba, bản thân các Đại học sư phạm chưa xây dựng được một chiến lược tổng thể nên quy trình xây dựng, mua sắm trang thiết bị manh mún, chắp vá, có khi thừa, khi thiếu.
Từ những thực trạng trên, GS Nguyễn Văn Minh kiến nghị:
Đề nghị các ngành, Bộ sớm đầu tư kinh phí để nâng cấp thiết bị cơ sở vật chất cho các trường sư phạm, đầu tư có trọng tâm, có kế hoạch để sớm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục giai đoạn 2016 – 2020.
Cần quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm để đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng manh mún, thiếu chiến lược trong thời gian qua, một mặt đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, mặt khác như thế mới có thể đầu tư trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Bởi lẽ, "chúng ta có quá nhiều các trường đại học sư phạm nên rất khó đầu tư nên tấm nên món" - GS Minh khẳng định.
Cho phép thí điểm xã hội hóa trong đầu tư để tăng nguồn vốn cho các công trình xây dựng hạ tầng, kể cả công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng nghiên cứu, phòng học tiếng đủ tiêu chuẩn.
Các trường tự chủ muốn được tiếp cận vay chứ không phải là xin từ ngân sách
Cũng tại hội nghị, liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị Chính phủ kéo dài đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học sẽ kết thúc vào năm 2017 tới đây.
GS Trần Thọ Đạt cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 1 trong 14 trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ đầu năm 2015.
"Nhờ cơ chế tự chủ, nhà trường đã chủ động hơn trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Nhà trường cũng chủ động hơn trong việc xây dựng giáo trình hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo" - GS Đạt khẳng định.
Cần tạo sự đồng thuận của xã hội với mức thu học phí của các trường tự chủ (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, theo Nghị quyết 77 của Chính phủ ban hành năm 2014 về thí điểm cơ chế hoạt động của các trường Đại học công lập thì tới năm 2017 sẽ hết thời hạn thí điểm.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ kéo dài thời hạn thí điểm hoặc giao quyền tự chủ cao hơn cho các trường Đại học, cho phép các trường chính thức tự chủ" - GS Đạt bày tỏ.
GS Trần Thọ Đạt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách về lãi suất và thời hạn vay đầu tư phát triển cho các trường Đại học tự chủ.
Theo ông Đạt, khi thực hiện cơ chế tự chủ, chi thường xuyên của các trường đã bị cắt nên các trường rất mong Chính phủ hỗ trợ để các trường có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay ODA.
"Các trường Đại học mong muốn Chính phủ tạo cơ chế để được tiếp cận vay chứ không phải là xin từ ngân sách".
GS Trần Thọ Đạt cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư ngân sách cho các trường dưới dạng các dự án để nâng cao năng lực tài chính của các trường trọng điểm, thúc đẩy việc hình thành các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ thế giới.
Đối với Bộ GD&ĐT, GS Trần Thọ Đạt kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện các nội dung tự chủ.
Và Bộ GD&ĐT sớm hoàn thành và công bố rộng rãi xếp hạng các trường đại học trên cả nước từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội với mức thu học phí của các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.