Với mong muốn phát triển giáo dục Việt Nam tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra 5 thách thức mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải đối diện.
Thách thức thứ nhất: Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển quy mô với đảm bảo chất lượng giáo dục
Một trong những thành tựu quan trọng của giáo dục Việt Nam thời gian qua là quy mô giáo dục không ngững phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Đối với một nước nghèo, còn bộn bề khó khăn như nước ta, thành tựu này thể hiện cố gắng rất lớn của Nhà nước và nhân dân, được quốc tế ghi nhận. Nhưng phát triển quy mô không tương xứng với điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ là một tai họa.
Hậu quả không chỉ là hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp mà đáng lo lắng hơn là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập, cạnh tranh quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục cần có kế hoạch phát triển quy mô giáo dục phù hợp với thực tế của mỗi giai đoạn, thực hiện kiểm định chất lượng thường xuyên, từng bước cải thiện điều kiện giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục theo phương châm “bằng cấp phải tương xứng với trình độ thực có”.
GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, có rất nhiều khó khăn đang chờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. ảnh: giaoduc.net.vn |
Thách thức thứ hai: Giải quyết mỗi quan hệ giữa giáo dục với thị trường lao động và xã hội nói chung
Mặc dù “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” từ lâu đã trở thành những nguyên lý giáo dục kinh điển của nước ta, nhưng trên thực tế, nhiều nội dung giáo dục từ phổ thông đến đại học còn xa với thực tế, phương pháp giáo dục ít coi trọng thực hành.
Vai trò phối hợp của cha mẹ học sinh với nhà trường mờ nhạt, trách nhiệm của cộng đồng với yêu cầu giáo dục lớp trẻ không cao; hầu hết các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề không gắn với đơn vị sử dụng lao động.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục cần tích cực đổi mới nội dung và phương thức giáo dục ở tất cả các cấp, các trình độ đào tạo; kiến nghị với Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động nói chung tham gia vào công tác đào tạo nhân lực.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng lưu tâm là nếu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ giới hạn tầm nhìn của mình trong phạm vi ngành thì không thể giải quyết được những khó khăn hiện tại, bởi vì cái gốc của vấn đề giáo dục nằm ở nền kinh tế, môi trường văn hóa và chính sách nhân lực.
Vì vậy, Bộ trưởng phải có những đề xuất với Đảng, Nhà nước để đổi mới mạnh mẽ, triệt để hơn nữa về kinh tế, tạo ra một thị trường lao động rộng rãi, sôi động hơn thu hút nguồn nhân lực, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.
Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải kiến nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt đổi mới chính sách nhân lực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp trồng người.
Còn nếu cứ để công thức “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, bét dem trí tuệ” phổ biến tràn lan trong công tác nhân sự, để môi trường văn hóa tiếp tục xuống cấp như hiện nay thì không học trò nào còn động lực phấn đấu, không trường nào dạy được trò ngoan nữa.
Thách thức thứ ba: Giải quyết mối quan hệ giữa các mặt tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường
Cho đến nay, giáo dục chưa phát huy được điểm mạnh của kinh tế thị trường là cạnh tranh chất lượng. Các trường đại học, cao đẳng công lập dù chất lượng đào tạo thế nào vẫn được ngân sách nhà nước cấp theo chỉ tiêu đào tạo.
Thậm chí, Luật Giáo dục đại học còn xếp sẵn ngôi thứ cho một số cơ sở giáo dục đại học để các cơ sở này được ưu tiên đầu tư, nhiều khả năng biến những cơ sở đào tạo danh giá ấy thành “cậu ấm con nhà giàu” mất động lực phấn đấu.
Báo nước ngoài nêu các thách thức cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Trong khi đó, các trường ngoài công lập phải tự mình bươn chải, vàng thau lẫn lộn; trường “làm ăn” nghiêm túc chưa chắc đã bằng những trường chạy được danh “quốc tế” hay mua được công trình, sáng chế của giảng viên các trường công lập, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu lớn để có thứ hạng cao về công bố quốc tế trưng ra với thiên hạ.
Giảng viên các trường công lập bất kể thành tích giảng dạy, nghiên cứu khoa học thế nào vẫn “lao động tiên tiến” và đều đặn 3 năm lên lương một lần, trừ trường hợp bị kỷ luật.
So với người lao động ở nước ngoài thì, giảng viên trường đại học, cao đẳng công lập nói riêng cũng như những người hưởng lương từ ngân sách ở Việt Nam nói chung tuy lương thấp nhưng làm việc lại tùy lương tâm, gần như chẳng phải cố gắng gì.
Người học ở Việt Nam cũng “sướng” vì học nhênh nhang mấy cũng sẽ có bằng. Người học, người dạy, người lao động nói chung thiếu động lực như vậy trách gì chẳng non kém và đất nước trách gì chẳng chậm phát triển.
Trong khi không phát huy được mặt tích cực của kinh tế thị trường, chúng ta lại để cho những hiện tượng tiêu cực như chạy việc, chạy điểm, chạy bằng, cưỡng bức học thêm… phát triển. Dĩ nhiên không riêng gì Giáo dục mắc phải các bệnh này. Nhưng đối với một ngành cao quý, có sứ mạng thiêng liêng dạy thế hệ trẻ làm người thì đó là những thói hư rất đáng xấu hổ.
Về mặt quản lý nhà nước, sự lạc nhịp với kinh tế thị trường còn thể hiện ở chỗ Nhà nước vẫn hành xử như thời chia đều từng bát tương quả cà cho dân mà không nhận rõ việc gì Nhà nước phải lo, việc gì là của xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn và lo những việc xã hội không lo được, chứ không phải là nghĩ thay, làm thay dân hay cạnh tranh với dân.
Nói riêng về giáo dục, Nhà nước chỉ cần ban hành chính sách, luật lệ và tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn, những ngành đất nước cần nhân lực mà ít ai đầu tư, ít người muốn học. Còn đối với những vùng phát triển, những ngành đào tạo hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, nhiều người theo học thì hãy để xã hội tự lo.
60% số người thất nghiệp tại TP.HCM là cử nhân, thạc sĩ. ảnh: Sài gòn giải phóng. |
Thách thức thứ tư: Giải quyết mối quan hệ giữa tập trung và phân cấp trong quản lý giáo dục
Từ bao năm nay, tư duy bao cấp, “cầm tay chỉ việc” đã biến các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Giáo dục, thành những bà bảo mẫu, lo thay, làm thay cho cơ sở. Bộ quanh năm lo tổ chức thi cử thay các sở, các trường. Trong khi đó, có việc quan trọng nhất là tiền cho giáo dục thì Bộ không nắm được các ngành, các tỉnh thành chi tiêu thế nào.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dứt khoát trả việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các sở, trả công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các trường, tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện kiểm tra, thanh tra, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương.
Thách thức thứ năm: Giải quyết bài toán chất lượng người thầy
Tục ngữ đã có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy cô có đức có tài mới dạy được trò nên người. Thiếu những thầy cô có đức có tài, ngành Giáo dục cũng không thể thực hiện thành công đổi mới. Chất lượng người thầy là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Để thu hút học sinh giỏi vào ngành, Nhà nước đã áp dụng chính sách miễn học phí cho toàn bộ sinh viên các trường sư phạm. Mươi năm về trước, chính sách miễn học phí đã thu hút được nhiều học sinh giỏi.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, rất hiếm người giỏi thi vào ngành sư phạm, bởi vì số tiền học phí được miễn trong 4 năm học chỉ đáng vài triệu đồng, trong khi ra trường, để chạy việc cũng phải chi hàng trăm triệu, thầy cô không có cách nào bù lại được.
Theo tôi, để tiếp tục thu hút được học sinh giỏi vào ngành Giáo dục, Nhà nước nên thay chính sách miễn học phí bằng chính sách đảm bảo việc làm cho giáo sinh khi ra trường. Hơn bất kỳ ngành nào khác, ngành Giáo dục hoàn toàn có thể tính toán được chỉ tiêu đào tạo hằng năm sát với thực tế, cho nên việc đào tạo theo nhu cầu nhân lực và bố trí việc làm cho giáo viên không khó.
Tôi rất mừng là vấn đề chất lượng người thầy đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập trong những phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Hy vọng là Bộ trưởng sẽ sớm đưa ra được quyết sách cho vấn đề quan trọng này.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!