LTS: Hiện nay, trong ngành giáo dục tình trạng độc đoán, gia trưởng, quản lý thiếu minh bạch, sai quy chế chuyên môn của các vị hiệu trưởng vẫn đang ngày ngày diễn ra.
Nhằm chỉ ra thực trạng và nguyên nhân của vấn đề này, tác giả Duyên Hà đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Theo đó, tác giả cho rằng, công cuộc cải cách, đổi mới giáo dục sắp tới sẽ khó lòng thành công được như mong đợi của xã hội khi vẫn còn tồn tại những vị hiệu trưởng biến chất như vậy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Gánh nặng hồ sơ sổ sách, hội thi “bội thực”, phong trào áp lực, lạm thu tiền trường, nạn hoa hồng trong trường học… đều có nguyên xuất phát từ phía hiệu trưởng.
Trong khi nhiều hiệu trưởng luôn có tâm với nghề, với đồng nghiệp, học sinh thì có không hiếm các vị hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán.
Trong ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều những vị hiệu trưởng độc đoán, lộng quyền (Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn). |
Những quy định của Bộ, Sở, Phòng đưa xuống đều được họ phớt lờ hoặc “lách” luật. Nhiều người ví họ là ông “vua con” của một cõi quả không sai. Mà đã là vua thì giáo viên phải sợ.
Hiệu trưởng “tác oai tác quái”
Chính cơ chế đã tạo cho những vị hiệu trưởng quá nhiều quyền hành nên họ muốn tác oai tác quái thế nào cũng được.
Mới chỉ có hiệu trưởng của một trường thôi đã có quá nhiều sai phạm như: Thu tiền dạy thêm, học thêm sai mức quy định, thu tiền học bạ giá cao, dùng máy của nhà trường photo lấy tiền học sinh cao gấp hơn 2 lần so với bên ngoài, không dạy theo quy định (2 tiết/tuần) nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên…
Đó chỉ là bề nổi, còn nhiều hiệu trưởng sai phạm còn nặng nề hơn. Chuyện lùm xùm ở một trường trung học cơ sở, thanh tra lên xuống, thanh tra đi thanh tra lại, cuối cùng cơ quan chức năng ở Cà Mau cũng đã cho kết quả:
“Theo kết luận số 215 (14/9/2017) của Thanh tra Thành phố Cà Mau thể hiện: Từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2016 – 2017, Trường trung học cơ sở Phan Bội Châu do bà Tạ Thị Huế làm hiệu trưởng đã mắc phải nhiều sai phạm về vấn đề tài chính với số tiền sai phạm lên đến gần 900 triệu đồng”.
Hay sự việc tại Hà tĩnh phụ huynh trường Thụ Lộc kéo đến gặp Hiệu trưởng để đòi tiền. Hoặc ở Đồng Nai một hiệu trưởng mắc quá nhiều sai phạm.
Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục |
Dư luận cứ đổ lỗi cho phụ huynh về vấn đề tiếp tay cho nhà trường lạm thu. Xét về khách quan điều đó chưa công bằng. Thực chất của vấn đề lạm thu là do hiệu trưởng.
Hiệu trưởng “vẽ” ra hàng chục khoản bắt phụ huynh đóng góp. Và giáo viên là những người thực hiện chỉ đạo của hiệu trưởng.
Nếu không có giáo viên tuyên truyền, nhắc nhở thậm chí đòi tiền học sinh hàng ngày để đạt chỉ tiêu thu thì lạm thu tràn lan.
Thế nhưng, có tập thể giáo viên nào thấy lạm thu, thu quỹ hội sai mà dám đứng lên nhắc nhở, góp ý hiệu trưởng thực hiện đúng quy định, đúng pháp luật?
Như vậy, chính hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, không dân chủ đã dẫn đến hệ quả của lạm thu.
Đó là vấn tài chính còn chuyên môn cũng có quá nhiều vấn đề để nói về cái quyền sinh sát giáo viên của hiệu trưởng.
Theo quy định, hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần, nhưng không hiếm người chỉ dạy “trên giấy”.
Có nghĩa là có phân công chuyên môn, có tên trên thời khóa biểu còn học sinh thì không bao giờ thấy hiệu trưởng. Hiệu trưởng đẩy cho giáo viên nào là giáo viên ấy phải dạy. Một giáo viên tiểu học chua chát nói:
“Từ khi có 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông đến nay năm nào thầy cũng dạy “hộ” 35 tiết cho hiệu trưởng hoặc hiệu phó”.
Bức xúc của giáo viên là đúng vì với từng ấy năm nếu tính tiền tăng giờ thì con số ấy lên đến vài chục triệu đồng.
Cần mạnh tay nếu Hiệu trưởng không tôn trọng quyền của giáo viên |
Chuyện giáo viên để hiệu trưởng “chú ý”, lễ tết thiếu tình cảm, hay góp ý, đấu tranh… thì hệ quả là khó lường, bị trù dập, cô lập. Chắc chắc họ sẽ bị phân cho lớp “tệ” nhất là điều khó tránh khỏi.
Tôi đã mắt thấy tai nghe chuyện trường tiểu học của bạn bị nhà trường bắt đi dự giờ liên tục các buổi trong tuần. Có người góp ý thì hiệu trưởng phán: “Việc trường là trên hết”.
Bạn bảo, chưa nhằm nhò gì bằng việc thay đổi xoành xoạch lịch công tác, kế hoạch làm giáo viên bị động, đảo lộn hết công việc.
Và tôi đã nghe việc hiệu trưởng một trường trung học phổ thông “trù dập” giáo viên bằng cách xếp thời khóa biểu “nhảy cóc”. Cứ đầu buổi 1, 2 tiết và ngồi chơi đến cuối buổi dạy 1 tiết hay cứ 1tiết dạy vài tiết trống…
Chưa hết, hiệu trưởng có trường còn “vẽ” ra đủ loại hồ sơ sổ sách mà nhiều người nói vui là chỉ thiếu mỗi sổ quản lý các loại sổ.
Hội họp liên miên, thích họp lúc nào thì họp. Họp tranh thủ cả buổi trưa, có khi họp từ trưa đến tối vẫn chưa tha cho giáo viên.
Rồi các hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức làm mất nhiều thời gian cho giáo viên. Giáo viên đã phải lên tiết dạy còn phải đi dự giờ. Giáo viên các môn văn hóa phải dự cả Âm nhạc, tiếng Anh, Thể dục…
Lãng phí thời gian, hiệu quả chẳng được gì. Áp lực công việc cũng chính từ hiệu trưởng mà ra.
Đồng nghiệp kể, nghe xong tôi thấy hiệu trưởng trường bạn không khác một ông vua.
Bởi ở trường thì ít, ngồi cà phê, quán nhậu thì nhiều, vào trường là mặt đỏ bừng, miệng nồng nặc mùi bia rượu, có khi lên họp hội đồng cũng đã say. Ai tin lời khi hiệu trưởng không làm chủ được bản thân mình mà chỉ đạo công việc?
Vì sao hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lộng quyền, độc đoán của hiệu trưởng. Những liều thuốc chữa trị cho nó lại quá nhẹ, không đủ mạnh. Nó là nguồn cơn sinh ra những nghịch lý trong giáo dục làm nhức nhối xã hội, đau đầu các cấp quản lý giáo dục.
Nơi tôi làm việc, người ta cật lực thi nhau “chạy lên chức” |
Thứ nhất, là việc vẫn còn tồn tại chuyện chạy chức hiệu trưởng ở một số trường, ở các địa phương. Không có con số cụ thể, song phải khẳng định với nhau rằng tỉ lệ phần trăm sẽ khá cao.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà ngay cả môi trường sư phạm cũng vậy. Đã bán – mua thì người mua phải tính lời, tính lỗ. Bỏ ra hàng trăm triệu để có chiếc ghế thì chắc chắn nơi đó không bao lâu sẽ xảy ra tiêu cực.
Ở thời buổi này có mấy ai: “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng?”. Vậy thì khi những người này sai phạm cấp trên sẽ bao che, lấp liếm nếu không sẽ là mối nguy hiểm.
Đã lấy tiền chạy chức đồng nghĩa với việc phải có hợp đồng “bảo hiểm” hay nói nôm na là phải có bảo hành! Nghe một Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo phán:
“Trường nào có đơn thưa là nội bộ mất đoàn kết. Thưa chỉ để lên chức!”, nghe xong tôi cảm thấy buồn và thất vọng vô cùng.
Thực tế cho thấy: “Có những hiệu trưởng tài năng quản lý kém cỏi nhưng “được lòng” cấp trên, từ đó tạo ra một tập thể lãnh đạo rất “ăn ý” và “kết nối” thêm không ít giáo viên trong trường làm hậu thuẫn.
Thế là hiệu trưởng tự cho mình có “quyền hành” tuyệt đối trong tay và tận dụng thế mạnh đó để mạnh tay nhằm vào những giáo viên dám có ý kiến trái chiều với chỉ đạo của mình”. [1]
Thứ hai, cần phải nói thẳng thắn với nhau rằng, giáo viên sợ uy quyền của hiệu trưởng, còn rất hiếm những giáo viên trong nhà trường dám đứng lên phản biện, góp ý, phê bình thẳng thắn những sai phạm của hiệu trưởng.
Cũng có nhiều lí do giáo viên sợ đấu tranh bởi năng lực chuyên môn chưa vững hoặc im lặng để nhận lại vàng.
Vì sao giáo viên sợ Hiệu trưởng? |
Những người đứng ra đấu tranh thường là người có uy tín về chuyên môn, “cây đa cây đề” về mọi mặt.
Vì vậy: “Tiếng nói dân chủ trong trường học bị vi phạm sẽ là mảnh đất màu mỡ cho cái xấu có cơ hội nảy mầm.
Những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, điều hành của ban giám hiệu sẽ sinh sôi, tình trạng mất đoàn kết trong tập thể sẽ gia tăng…
Tất cả sẽ đục khoét dần niềm tin, nỗ lực phấn đấu và sáng tạo của giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học”. [2]
Thật buồn khi dân chủ trong nhà trường bị triệt tiêu: “Bởi mỗi lời nói của hiệu trưởng giống như “lời vàng thước ngọc”, phải chấp hành tuyệt đối, không ai được làm trái bất cứ điều gì.
Mỗi khi hiệu trưởng đã quyết việc gì thì cứ im lặng mà làm, cấm tất cả ý kiến tranh cãi hoặc phản biện”. [3]
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua năm học nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục.
Bao giờ vẫn còn tồn tại những hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, cố vị thì giáo dục không thể cất cánh và hội nhập được.
Và như thế, công cuộc cải cách, đổi mới giáo dục sắp tới sẽ khó thành công như mong đợi của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.tienphong.vn/giao-duc/so-quyen-uy-hieu-truong-giao-vien-khong-dam-phan-bien-1136604.tpo
[2] http://www.tienphong.vn/giao-duc/so-quyen-uy-hieu-truong-giao-vien-khong-dam-phan-bien-1136604.tpo
[3] http://tuoitre.vn/chuyen-ve-hieu-truong-1177464.htm