Nơi tôi làm việc, người ta cật lực thi nhau “chạy lên chức”

02/10/2017 06:12
Thảo Ly
(GDVN) - Chỉ khi nào việc bổ nhiệm các bộ không phụ thuộc vào một vài cá nhân mà muốn lên sếp phải thật sự có tài năng đức độ thì những tiêu cực trong giáo dục mới giảm

LTS: Sau khi đọc bài viết "Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp?" của tác giả Duyên Hà đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Thảo Ly cũng đã có bài viết nhằm bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Ghi nhận và tôn trọng những đánh giá đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.

Đọc bài “Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp của bạn Duyên Hà đăng trên Báo Giáo dục Điện tử ngày 29/9, tôi cứ suy nghĩ mãi làm sao lại có chuyện như thế nhỉ? 

Bởi chẳng riêng địa phương mình mà nhiều nơi khác đồng nghiệp tôi cũng thường kể cho nhau nghe chuyện không ít giáo viên đức độ chẳng bằng ai, tài năng lại có hạn nhưng vẫn cứ ung dung lên lãnh đạo thiên hạ. 

Nhiều người cười ý nhị nói rằng “dù đức độ có thiếu đi một ít, tài năng kém nhiều người nhưng họ lại có hàng tá thế mạnh khác mà nhiều người chẳng có được.

Người có “ô, dù”, người lại “bạo về tiền”, người có tài “luồn cúi” và đi bằng “đầu gối”.

Nơi tôi làm việc, người ta cật lực thi nhau “chạy lên chức” ảnh 1

Không ít giáo viên khao khát được cất nhắc làm quản lý

Sau bài viết của bạn Duyên Hà, nhiều người tỏ ra không đồng tình, có người còn phán là “xa rời thực tế” để đủ thấy rằng chuyện như bạn kể có lẽ chỉ xảy ra ở địa phương của bạn mà không mang tính chất đại chúng. 

Nhưng khi biết bạn là người Đồng Nai thì tôi phần nào hiểu được vì sao nơi ấy giáo viên giỏi lại “sợ” lên làm sếp đến như thế?

Một số đồng nghiệp nơi đây kể rằng, thu nhập từ dạy thêm của không ít giáo viên ở Đồng Nai đang ở mức khủng. 

Một số vùng nơi đây, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Phần lớn phụ huynh là công nhân khu công nghiệp nên không thể đưa đón con đi học và về nhà buổi trưa đành phải gửi thầy cô buổi còn lại. 

Giáo viên vừa dạy học, vừa trở thành bảo mẫu cho các em ăn và ngủ trưa. Bởi thế, thu nhập của thầy cô một tháng không dưới 30 triệu đồng.

Một số giáo viên khác lại bật mí, ở một số vùng đời sống kinh tế ổn hơn họ chẳng cần làm bảo mẫu mà dạy theo ca trong tuần và dạy kèm luôn cả ngày thứ bảy, chủ nhật, thu nhập có giáo viên lên đến 40 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập khủng như thế thì ai dại gì muốn lên làm sếp?

Còn phần đông những địa phương khác thì sao? Nhiều người lên làm sếp chẳng phải vì tài năng, đức độ hơn người. 

Câu nói “nhất quen nhì thế” cũng chẳng sai. Đã có không ít giáo viên lên chức vì được người quen “gửi gắm” từ trên xuống, sếp dưới dù không muốn cũng chẳng dám trái lệnh, còn những người không có ai đỡ đầu nhưng lại “bạo vì tiền”.

Hiện nay, việc bổ nhiệm lên chức còn rất nhiều yếu tố tiêu cực (Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn).
Hiện nay, việc bổ nhiệm lên chức còn rất nhiều yếu tố tiêu cực (Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn).

Xưa nay người ta cũng chẳng biết việc chạy chức phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng một trường học là bao nhiêu, người đoán chừng này, người bảo tầm kia cho đến một lần xảy ra sự cố thì ai nấy mới bàng hoàng vỡ lẽ “hóa ra cái chức ấy cũng đáng giá vậy sao?”.

Chuyện kể rằng, phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở mang theo một phong bì đến nhà sếp lớn (người có quyền đề bạt) để tặng. 

Chẳng biết vị sếp này cất tiền thế nào để cho cậu con trai vốn là đứa con hư hỏng chôm được ngay chiếc phong bì ấy đi chơi. 

Trong lúc cao hứng, cậu ta hùng hổ tuyên bố với đám bạn “đây là số tiền thầy T biếu ông già tao để chạy chức nên tụi mày cứ vô tư mà xài đi”. Nhìn mấy xấp tiền toàn tờ 500 ngàn mới cứng tụi bạn tròn mắt ngạc nhiên hết cỡ.

Câu chuyện nhanh chóng lan rộng khắp vùng, lúc này mọi người mới vỡ lẽ, để chạy chức hiệu trưởng số tiền thế chân cũng không hề nhỏ.

Nơi tôi làm việc, người ta cật lực thi nhau “chạy lên chức” ảnh 3

Cô Tuyết, cô "chạy" hết bao nhiêu?

Còn giáo viên để lên được hàng sếp, số tiền phải bỏ ra lại chẳng hề nhỏ chút nào. Một đồng nghiệp cũng vốn là em út trong nhà nói rằng tiền để chạy chức phó hiệu trưởng cũng không nằm dưới con số hàng trăm. 

Tháng 8 vừa qua, công an huyện Diễn Châu đã phá chuyên án, bắt giữ Nguyễn Xuân Lương (trú xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu) để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu nghi phạm khai nhận lừa đảo nhận tiền của nhiều người và giáo viên ở Nghệ An để chạy lên làm phó hiệu trưởng, tổng cộng khoảng 1 tỉ đồng.[1]

Nhiều câu hỏi đặt ra, bỏ ra một khoản tiền như thế để chạy chức thì lấy gì để bù đắp lại? 

Nhưng theo tiết lộ của một số người “bỏ con săn sắt” sẽ “bắt con cá rô”. Thế nên không ít giáo viên mới lên làm hiệu phó hoặc hiệu phó lên làm hiệu trưởng chỉ dăm năm mà sắm luôn xe ô tô đi thật hoành tráng. 

Cứ lấy tiền lương hiệu trưởng gần về hưu cao nhất khoảng 10 triệu đồng/tháng thì đến bao nhiêu năm mới sắm được một cái xe?

Đó là chưa kể đến chuyện quà cáp lấy lòng của cấp dưới, tiền phần trăm khi nhà trường tổ chức dạy phụ đạo mà thực chất là dạy thêm thì người cầm trịch của một trường bổng lộc cũng chẳng để đâu cho hết.

Với suy nghĩ “bằng mọi cách phải bù được những chi phí đã bỏ ra chạy việc” và củng cố chỗ đứng vốn mong manh vì thiếu năng lực. Không ít giáo viên mới lên sếp đã thẳng tay vơ vét tiền của học sinh, của giáo viên gây nên nhiều chuyện bất bình trong ngành giáo.

Chỉ khi nào quyền bổ nhiệm các bộ không phụ thuộc vào một vài cá nhân mà muốn lên được sếp phải thật sự có tài năng đức độ thì khi đó những tiêu cực trong giáo dục mới giảm đi đáng kể.

Tài liệu tham khảo:

http://dantri.com.vn/phap-luat/chay-chuc-pho-hieu-truong-chiem-doat-tien-ti-20160822083843509.htm[1]

Thảo Ly