LTS: Việc giáo viên đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ bằng văn bản.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, không giáo viên nào lại dám đánh giá thủ trưởng của mình ở mức khá hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Thầy giáo Tùng Sơn phản ánh những bất cập trong việc đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và đề xuất nên thay đổi quy trình đánh giá để đảm bảo sự chính xác, khách quan.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo các thông tư số 29/2009, 17/2011, 14/2011 về chuẩn Hiệu trưởng các cấp học và công văn số 630 ngày16/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối mỗi năm học, các nhà trường phải tổ chức cho giáo viên, nhân viên đánh giá Hiệu trưởng cùng Phó Hiệu trưởng.
Thực tế cho thấy, cứ đặt bút xuống ghi vào phiếu đánh giá, các giáo viên toàn cho điểm tối đa.
Phiếu giáo viên đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng: Chỉ có tối đa! (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Không ai đánh giá dưới mức… xuất sắc!
Từ khi các Thông tư về chuẩn Hiệu trưởng ra đời, giáo viên được quyền đánh giá thủ trưởng đơn vị là Hiệu trưởng.
Sau năm 2012, các thầy cô lại tiếp tục được đánh giá cấp phó của đơn vị theo tinh thần công văn số 630/ BGD-ĐT.
Phiếu đánh giá Hiệu trưởng có 4 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí, phiếu đánh giá Hiệu phó gồm 4 tiêu chuẩn và 16 tiêu chí.
Khi các phiếu phát ra, dù là người đánh giá không cần kí tên, nhưng các thầy cô đều cho điểm tối đa và xếp loại xuất sắc cho các thủ trưởng và phó thủ trưởng của mình.
Vì sao có lá phiếu trong tay mà người ta lại chấm điểm thiếu vô tư như vậy, dưới đây tác giả xin được giải thích.
Không thể xếp tiêu chí nào dưới tốt!
Lướt một lượt các tiêu chí trên lá phiếu, các thầy cô cũng muốn xếp mức khá cho một tiêu chí cho khách quan và đỡ mang tiếng là nịnh hót. Nhưng khó quá.
Phẩm chất chính trị ư? Không được, tiêu chí này phải tốt. Đạo đức nghề nghiệp, lề lối tác phong ư? Cũng không thể dưới tốt được…
Thực hiện dân chủ trong nhà trường ư? Thiếu dân chủ ở chỗ nào mà cho điểm khá? Quản lí học sinh ư? Càng không thể khá được…
Xem đi xét lại, thôi thì cứ xếp tốt hết. Vậy là các giáo viên, nhân viên cứ ghi toàn 10 điểm cho mỗi tiêu chí và xếp loại xuất sắc cho các lãnh đạo của mình.
Muốn xếp khá phải có minh chứng!
Sau khi giáo viên và nhân viên đánh giá xong, phiếu đánh giá được tập trung lại chỗ lãnh đạo để còn tổng hợp.
Giả sử Hiệu trưởng có yếu kém thật thì cũng chẳng ai chấm điểm dưới mức tốt vì họ sợ sẽ bị phỏng vấn.
Dù là phỏng vấn ngoài cuộc họp nhưng hầu như ai cũng hãi. Giả sử, cô A. chấm tiêu chí “phối hợp giữa nhà trường với địa phương” 8 điểm.
Nếu Hiệu trưởng hỏi thì cô A. không bao giờ dám nói những hạn chế trong công tác phối hợp với địa phương trong giáo dục của nhà trường.
Ở đời là vậy, các lãnh đạo trường học ít ai muốn nghe yếu kém của mình, họ chỉ thích nghe nói về ưu điểm mà thôi.
Không có minh chứng và đúng hơn là không dám nêu những minh chứng về sự yếu kém của Hiệu trưởng, vậy thì cứ chấm 10 điểm cho mỗi tiêu chí là xong.
Lo sợ bị săm soi về công việc!
Nếu đánh giá lãnh đạo ở mức khá, giáo viên sợ nhất vấn đề trù úm.
Trong công tác và cuộc sống, ai mà không có lúc khuyết điểm.
Công tác giáo dục với bao nhiêu học sinh, thế nào chả có lúc thiếu sót.
Được lòng Hiệu trưởng thì không sao, nếu để mếch lòng Hiệu trưởng thì rất khó “giữ mình” trong những tình huống này.
Ai cũng vậy, trong hoạt động chuyên môn buồn nhất và khó chịu nhất là bị lãnh đạo để ý, thù vặt, sai một tí là “bêu gương” trước cuộc họp…
Vậy nên, chỉ có lá phiếu cuối năm học, cứ xuất sắc và xuất sắc hết cho các lãnh đạo vui lòng.
Còn vì quyền lợi trong công việc!
Trong một nhà trường không phải ai cũng có công việc và quyền lợi, thu nhập giống nhau. Cũng là giáo viên với nhau, nhưng có anh có thời khóa biểu rất đẹp, buổi nào ra buổi ấy.
Và đương nhiên, có anh lại có thời khóa biểu oái oăm, nhiều buổi chỉ có mỗi tiết cũng phải vượt hàng chục cây số đến trường.
Trong những công việc khác cũng thế.
Những cô đã giỏi đã khéo lại được phân công chủ nhiệm lớp toàn học sinh ở khu vực khá giả, còn những cô đã non tay nghề lại được phân công dạy lớp học sinh vùng khó khăn, cha mẹ toàn thuyền chài…
Đời cứ tréo ngoe là vậy nên ai cũng khiếp lãnh đạo ghét mình. Vậy thì cuối năm đánh giá Hiệu trưởng, Hiệu phó, cứ xuất sắc và… xuất sắc là xong.
Nên thay đổi quy trình đánh giá
Hiệu trưởng tại vị mấy chục năm làm sao tạo sự đột phá cho ngành giáo dục? |
Giáo viên và nhân viên trong nhà trường đánh giá Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng xuất sắc hết là vì họ sợ.
Sự lo sợ ở đây có nguyên do ở chỗ chính Hiệu trưởng lại là người tổ chức và giám sát quy trình đánh giá xếp loại Hiệu trưởng.
Các thông tư 29, 14, 17 về đánh giá Hiệu trưởng các cấp học đều hướng dẫn quy trình đánh giá Hiệu trưởng theo các bước là Hiệu trưởng tự đánh giá, giáo viên và nhân viên đánh giá rồi tổng hợp lại lấy kết quả chung.
Tất cả các bước đó đều do Hiệu trưởng chỉ đạo. Như vậy thì giáo viên sao dám xếp loại Hiệu trưởng, Hiệu phó ở mức khá đây.
Muốn công việc này diễn ra thực sự khách quan, việc đánh giá Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phải do các bộ phận ngoài nhà trường tổ chức thực hiện.
Các thầy cô giáo phải được đánh giá Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng như bỏ phiếu kín.
Bộ phận kiểm phiếu mang phiếu đi để tổng hợp lại rồi thông báo kết quả về nhà trường. Chỉ có làm vậy thì các thầy cô mới đánh giá lãnh đạo khách quan được.
Lời kết
Theo đề xuất của Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục ban hành các thông tư nói trên để giáo viên được đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và cũng là để phát huy tính dân chủ trong trường học.
Song thực tế hiện nay, chính công việc này lại phản ánh sự mất dân chủ trong các nhà trường.
Mong Cục Nhà giáo nghiên cứu lại cách đánh giá Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng để Hiệu trưởng không thể vừa đá bóng vừa làm trọng tài như hiện nay.