LTS: Năm học mới bắt đầu, giáo viên lại quay cuồng với những hồ sơ sổ sách và các kỳ thi.
Phân tích những gánh nặng mà giáo viên phải chịu đựng, thầy giáo Bùi Nam đưa ra một số biện pháp nhằm tháo gỡ vấn đề trên để các thầy cô có thời gian nâng cao trình độ chuyên môn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học mới 2017 – 2018 đã chính thức bắt đầu, Đảng, Nhà nước đã có những quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục một cách kịp thời, cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà giáo được giáo viên và nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Trong thực tế giảng dạy và giáo dục, tôi nhận thấy thực tế kiến thức chuyên môn của một số giáo viên đứng lớp còn hạn chế.
Nguyên nhân một phần do một số giáo viên không chịu học hỏi, không theo kịp sự đổi mới, có trường hợp giáo viên được Ban giám hiệu phân công mấy chục năm có một khối lớp nên chỉ nghiên cứu ở khối lớp đã phân công, kiến thức dẫn đến mai một.
Còn nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo tôi do giáo viên không còn nhiều thời gian để thực hiện các vấn đề trên vì phải thực hiện quá nhiều hồ sơ sổ sách, các kỳ thi và các phong trào trong năm học.
Hình minh họa, nguồn: Báo Tuổi Trẻ. |
Tôi xin phân tích về các ý trên:
Hồ sơ sổ sách
Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy ngoài việc phải lên lớp hàng ngày, giáo viên còn phải chuẩn bị nhiều loại hồ sơ sổ sách khác nhau như:
Theo quy định của Thông tư 12/2011/BGDĐT quy định điều lệ trường phổ thông chỉ quy định giáo viên thực hiện 4 loại hồ sơ sổ sách như sau:
a. Giáo án (bài soạn), b. Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thăm lớp (thực chất đây là 3 loại sổ khác nhau), c. Sổ điểm cá nhân d. Sổ chủ nhiệm (nếu có công tác chủ nhiệm).
Theo quy định trên thì giáo viên nếu không có công tác chủ nhiệm thì thực hiện 5 hồ sơ: giáo án, kế hoạch bài giảng (kế hoạch bộ môn), sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn (sổ hội họp), sổ dự giờ.
Nếu có công tác chủ nhiệm thì giáo viên thực hiện thêm sổ chủ nhiệm (thực chất có nhiều sổ nhỏ như kế hoạch chủ nhiệm, giáo án chủ nhiệm, giáo án hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo án hướng nghiệp - lớp 9).
Tuy nhiên thực tế giáo viên còn phải thực hiện thêm nhiều loại khác nhau như: hồ sơ bồi dưỡng thường xuyên (nghiên cứu bài là các module, họp tổ triển khai, ra đề, làm bài, chấm bài, đánh giá,…) mỗi tháng một lần.
Một số đơn vị còn “đẻ” ra thêm một số loại sổ khác như kế hoạch cá nhân, sổ báo giảng, sổ tay văn học, sổ tiếp xúc phụ huynh,…
Các kỳ thi của ngành
Một số cuộc thi do giáo viên trực tiếp tham gia như: giáo viên giỏi các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi, thư viện, thiết bị giỏi (cấp trường – cấp huyện – cấp tỉnh).
Mỗi cấp thi 3 vòng là lý thuyết (chuyên môn, pháp luật), trực tiếp giảng dạy 2 tiết, báo cáo sáng kiến kinh nghiệm; thi kiến thức pháp luật; kể chuyện tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Một số cuộc thi do giáo viên hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi:
Các môn văn hóa (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý,…), máy tính cầm tay, hùng biện tiếng Anh, thí nghiệm thực hành (môn Vật lý, Hóa học, Sinh học);
Violympic các môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Anh văn), IOE (Anh văn trên mạng), Toán trên mạng, dự thi dự án khoa học kỹ thuật, tích hợp liên môn, giải quyết tình huống thực tiễn,…
Bên cạnh đó giáo viên và học sinh tham gia rất nhiều phong trào như tham gia văn nghệ, thể dục thể thao, rồi sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học, dự giờ, thao giảng, hội giảng,…
Việc giáo viên và học sinh trải qua quá nhiều hồ sơ sổ sách, các phong trào, các kỳ thi làm giáo viên và mất quá nhiều thời gian, không còn đủ thời gian tự học, tự nghiên cứu, giáo viên không còn thời gian để chăm lo giảng dạy và giáo dục cho học sinh.
Bằng thực tế kinh nghiệm giảng dạy và hiểu biết của cá nhân tôi mạnh dạn xin đưa ra một vài góp ý như sau:
1. Về hồ sơ sổ sách:
Giáo án và sổ điểm là quan trọng nhất vì giáo án là thể hiện sự chuẩn bị của giáo viên khi đến lớp.
Phải tránh tình trạng giáo viên sao chép giáo án của đồng nghiệp hoặc trên internet, khi dạy khác với nội dung giáo án đã soạn;
Giáo án đã thể hiện đầy đủ nội dung, kế hoạch bài dạy thông qua phân phối chương trình nên đề nghị bỏ sổ kế hoạch giảng dạy (kế hoạch bộ môn) bỏ các loại sổ do đơn vị phát sinh thêm.
Việc thực hiện tiết dạy đã nằm trong phân phối chương trình nên đề nghị bỏ sổ báo giảng.
Việc bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên nên được thay bằng việc mỗi giáo viên báo cáo trên tập thể sư phạm một quyển sách chuyên môn hay chuyên đề đã được chuẩn bị.
Việc này vừa kích thích tinh thần đọc sách chuyên môn, nghiệp vụ, vừa rèn luyện kỹ năng báo cáo, tác phong,….
2. Chỉ nên giữ lại 2 kỳ thi học sinh giỏi và giáo viên giỏi
Nhà trường hiện nay cần tập trung vào giáo dục kiến thức và đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm cho học sinh, nên bớt các kỳ thi vô bổ nhưng tốn nhiều thời gian và công sức.
Theo tôi giai đoạn chuyển giao chuẩn bị thực hiện chương trình mới này ngoài việc tập trung vào các vấn đề trên chỉ nên giữ lại 2 kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi.
Hai kỳ thi này góp phần tạo nguồn nhân tài, nhân lực cao tương lai và rèn kỹ năng sư phạm, kiến thức và kỹ năng cho thầy cô, bên cạnh đó tập trung giáo viên góp ý, tập huấn chương trình phổ thông mới.
3. Hạn chế các phong trào, cuộc thi ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian của giáo viên
Vì tham gia quá nhiều phong trào, kỳ thi nên trình độ, kiến thức của giáo viên không được bồi dưỡng, cập nhật nên kiến thức chuyên môn của một số giáo viên dần dần mai một, không theo kịp sự đổi mới.
Theo tôi cần hạn chế bớt các phong trào, cuộc thi ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian hoạt động chuyên môn của giáo viên.
Tôi đề nghị hoàn thiện phần mềm đánh giá kiến thức giáo viên bằng việc yêu cầu 100% giáo viên phải dự thi trực tuyến bài thi kiến thức chung và kiến thức chuyên môn (kiến thức nâng cao ở các bộ môn).
Cách làm này sẽ tạo điều kiện giáo viên ôn tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn tránh tình trạng giáo viên dạy khối lớp nào chỉ biết kiến thức lớp đó mà không học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề.
Nếu giáo viên thi đạt kết quả tốt thì xem như căn cứ để xếp thi đua giáo viên tại đơn vị, nếu giáo viên chưa đạt thì tập trung về Phòng, Sở Giáo dục để thi lại lần 2 nếu tiếp không đạt thì xếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc thi được tổ chức lần 1 ở đầu học kỳ II tại đơn vị công tác, lần 2 ở cuối năm học tại Phòng, Sở Giáo dục.
Có như thế mới tránh được nạn cào bằng, tạo tâm lý ỷ lại cho các giáo viên đã là viên chức, đồng thời các quy định của Luật Viên chức mới được thực hiện, đánh giá chất lượng giáo viên mới sát thực tế.