Theo xác nhận của PGS.TS Lê Thanh Hòa, Viện Công nghệ sinh học, đúng là hiện nay bọ xít hút máu lại bắt đầu phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, trước đây các nhà khoa học của Viện và bản thân ông đã giải mã được bộ gen của ký sinh trùng trong bọ xít.
Kết quả ban đầu cho thấy, khi so sánh các bộ gen của ký sinh trùng thuộc bọ xít hút máu ở được lấy ở Cổ Nhuế (Hà Nội), Đà Nẵng, Lạng Sơn, Sài Gòn... với các bộ gen của loài ký sinh trùng trên thế giới ở Nam Mỹ và châu Phi thì đều khác từ 70 - 83%. Điều này có thể đi đến kết luận, bọ xít hút máu của Việt Nam không gây bệnh ngủ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu về bọ xít hút máu cũng khẳng định, khi sự việc bọ xít hút máu xuất hiện rầm rộ khiến dân chúng hoang mang, các cơ quan chức năng đã nhanh nhạy vào cuộc để nghiên cứu, xác định loài ký sinh trùng trong bọ xít. Nhưng sau khi biết kết quả không gây bệnh ngủ thì các chương trình nghiên cứu sâu đều bị tạm dừng.
Điều này khiến kết luận bọ xít hút máu không gây bệnh ngủ bị thiếu cơ sở khoa học. Bởi dù không gây bệnh ngủ nhưng khi đã mất công giải mã bộ gen thì cần phải nghiên cứu kỹ nhằm xác định được ký sinh trùng chưa đặt tên đó thuộc loài nào.
Khó có ai chắc chắn, có thể loài ký sinh trùng này không gây bệnh ngủ nhưng lại gây ra một căn bệnh hoặc mang các nguy cơ khác. Vì thế, trường hợp bọ xít xuất hiện trở lại gây ra nguy cơ gì thì khoa học của chúng ta sẽ bị động, từ đó ứng cứu người dân bị hạn chế, thiếu tính nhạy bén. Cũng ghi nhận của phóng viên tại Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật và Viện Sốt rét - Kký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, là hai đơn vị nuôi và nghiên cứu sinh thái của loài bọ xít này cho thấy, bọ xít mùa này sinh sản nhiều do đây là mùa sinh sản. Cùng với đó, do sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình vệ sinh, tiêu diệt chuột, muỗi, bọ xít cũng đã kháng thuốc, sinh ra các loài khó tiêu diệt hơn. "Đến nay người dân vẫn than vãn rằng bị bọ xít hút máu gây đau, xây xẩm mặt mày... Tuy nhiên, có chết hay bị sao hơn nữa thì đến nay vẫn chưa ai quan tâm. Vì đây là bệnh bị suy nhược lâu dài. Nếu muốn, phải phân tích thêm để có bằng chứng khoa học", PGS.TS Thanh Hòa nói.
Nguồn: Bee