Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo. |
Bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để chống lại bệnh lao, nhưng bệnh này vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người chết mỗi năm.
Theo ước tính, năm 2017, Việt Nam có thêm 124.000 người mắc lao và có 12.000 người chết do lao.
Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần một (năm 2007), lần hai (năm 2017) và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm.
Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh nhân Lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Thách thức lớn nhất của chương trình chống lao hiện nay được xác định là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030.
Bên cạnh đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
Mặc dù mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh hiện nay phần lớn do Bệnh viện chuyên khoa Lao/Bệnh phổi chịu trách nhiệm (đã có 48 bệnh viện chuyên khoa Lao/Bệnh phổi), tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa đang trong quá trình sát nhập theo mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Sự thay đổi này đang gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao tại 15 tỉnh, khó đảm bảo cho công tác chống lao trên địa bàn tỉnh.
Với chức năng quản lý, điều phối, triển khai công tác phòng chống bệnh lao và bệnh phổi trên đại bàn thành phố là đầu mối thực hiện nhiệm vụ khám phát hiện, điều trị, dự phòng bệnh lao và các bệnh phổi, đơn vị phòng chống lao tuyến tỉnh sẽ áp dụng một trong các mô hình:
Bệnh viện Phổi tỉnh; Trung tâm lao và bệnh phổi có giường bệnh viện thuộc bệnh viện Liên chuyên khoa của tỉnh; Trung tâm lao và bệnh phổi có giường bệnh thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh; Khoa Lao hoặc Khoa Lao – HIV trong Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh kết hợp với khoa Lao và bệnh phổi bệnh viện Đa khoa để triển khai công tác phòng chống lao, trong đó công tác điều phối, quản lý, triển khai chương trình Chống lao sẽ do Khoa Lao/ Khoa Lao - HIV của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thực hiện. Công tác chẩn đoán, điều trị bệnh lao sẽ do Khoa Lao của bệnh viện Đa khoa thực hiện.
Sau khi thống nhất được một số mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh của 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, các tỉnh sẽ đề xuất mô hình phù hợp. Bộ Y tế sẽ có công văn gửi Ủy ban nhân dân và Sở Y tế của 15 tỉnh để thông báo kết quả và hướng dẫn kiện toàn đơn vị chống lao tuyến tỉnh làm cơ sở cho các tỉnh triển khai kiện toàn đơn vị chống lao tuyến tỉnh.