EMagazine

Bức tranh trường chuyên ở Việt Nam: Đầu tư lớn, kỳ vọng cao, hiệu quả đến đâu?

Bức tranh trường chuyên ở Việt Nam: Đầu tư lớn, kỳ vọng cao, hiệu quả đến đâu?

18/05/2025 08:14
Doãn Nhàn

GDVN - Mỗi tỉnh, thành đều có ít nhất một trường chuyên, đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng hiệu quả thực sự của mô hình này ra sao, và có còn phù hợp trong bối cảnh mới?

Trường chuyên lâu nay được ví như “vườn ươm nhân tài” của giáo dục phổ thông - nơi quy tụ học sinh giỏi, đội ngũ giáo viên chất lượng và nhận nhiều đặc quyền về đầu tư.

Đi kèm với kỳ vọng là mức chi ngân sách không nhỏ, từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, hiệu quả thực tế của mô hình này vẫn còn gây tranh cãi, nhất là khi mục tiêu dài hạn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.

Đặt trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, câu hỏi “mỗi tỉnh có cần một trường chuyên?” ngày càng trở nên cấp thiết và cần được đánh giá lại một cách toàn diện.

Trường chuyên được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều đặc quyền

Không chỉ nhận ngân sách từ các chương trình của Trung ương như Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí gần 2.313 tỷ đồng, nhiều trường chuyên còn được đầu tư quy mô lớn từ ngân sách địa phương. Tại các tỉnh, hàng trăm tỷ đồng được chi để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cho các trường chuyên.

Trong đó, Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh được biết đến là một trong những ngôi trường có mức đầu tư “khủng”, với tổng vốn xây dựng gần 600 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tại Hà Nội, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam được xây dựng với tổng vốn hơn 379 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Phúc chi 473 tỷ đồng để xây dựng Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc; Tỉnh Ninh Bình đầu tư gần 450 tỷ đồng cho Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy; còn Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cũng được rót hơn 457 tỷ đồng từ ngân sách.

Nguồn Allcorrectgames.com, PCW, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (1485 x 400 px) (2000 x 400 px).png
Nhiều tỉnh chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cho các trường chuyên. Hình ảnh từ trái sang: Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Nguồn ảnh: từ các nhà trường)
Nguồn Allcorrectgames.com, PCW, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (1485 x 400 px) (2000 x 400 px) (1).png
Các trường được đầu hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. (Nguồn ảnh: từ các trường chuyên)

Không chỉ đầu tư “mạnh tay” cho cơ sở vật chất, nhiều tỉnh còn ban hành chính sách đãi ngộ đặc biệt cho giáo viên, học sinh trường chuyên.

Về chính sách hỗ trợ giáo viên, nhiều tỉnh áp dụng các khoản thưởng lớn để thu hút giáo viên có trình độ cao về giảng dạy tại các trường chuyên. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh chi với mức hỗ trợ giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ lên đến 1 tỷ đồng tiền nhà ở nếu về giảng dạy lâu dài, cùng các khoản thưởng tài chính tùy theo học hàm, học vị...(theo Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND).

Còn tại Hải Phòng, giáo viên từng có học sinh đạt giải quốc tế và cam kết gắn bó lâu dài với trường cũng sẽ được nhận một lần mức hỗ trợ 500 triệu đồng; giáo viên giảng dạy môn chuyên còn được cộng thêm 30% lương hàng tháng.

Tại Hòa Bình, theo Nghị quyết số 166/2022/NQ-HĐND, giáo viên tiến sĩ được hỗ trợ lên đến 300 triệu đồng nếu về công tác lâu dài (từ 10 năm trở lên).

Về chính sách học bổng và khen thưởng học sinh, học sinh tại các trường chuyên được nhận mức thưởng hấp dẫn cho thành tích đạt được trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tại Hải Phòng, học sinh đoạt giải được khen thưởng từ 20 đến 500 triệu đồng mỗi giải, trong khi giáo viên giảng dạy học sinh đạt giải cũng nhận phần thưởng tương xứng, với 50% tổng mức thưởng của học sinh.

Tỉnh Bắc Ninh cũng thưởng học sinh đạt giải từ 10 đến 500 triệu đồng cho thành tích xuất sắc tại các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế.

22 triệu đồngHSnăm.png
Ảnh: Doãn Nhàn

Khảo sát định mức ngân sách chi sự nghiệp giáo dục tại một số địa phương cũng cho thấy: học sinh trường trung học phổ thông chuyên đang được hưởng mức đầu tư cao hơn đáng kể so với học sinh trường trung học phổ thông bình thường.

Tại thành phố Hà Nội, mỗi học sinh trường chuyên định mức chi được cấp 22 triệu đồng mỗi năm, cao hơn 1,65 lần so với học sinh trường thường. Tại thành phố Đà Nẵng, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn được chi gần 7 triệu đồng mỗi năm, gần gấp ba lần so với học sinh trường phổ thông bình thường. Thành phố Cần Thơ cũng phân bổ ngân sách cao hơn cho các lớp chuyên, với mức hỗ trợ dao động từ 13% đến 32% so với lớp học phổ thông.

Screenshot 2025-05-11 230548.png
Định mức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục của thành phố Hà Nội. Ảnh chụp màn hình (theo Nghị quyết 11/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội)
Screenshot 2025-05-11 231413.png
Định mức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục của thành phố Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình (theo Nghị quyết 51/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Screenshot 2025-05-11 231320.png
Định mức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục của thành phố Cần Thơ. Ảnh chụp màn hình (theo Nghị quyết 11/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

Học sinh trường chuyên được ưu tiên học bổng, tuyển thẳng đại học

Theo Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, các trường này được ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; bố trí đầy đủ định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn. Ngoài ra, trường còn được cấp kinh phí chi thường xuyên theo quy định, bảo đảm cho các hoạt động giáo dục.

Trường chuyên cũng được ưu tiên xây dựng ký túc xá, nhà ăn cho học sinh nội trú, nhà công vụ cho giáo viên, các công trình thể thao như sân vận động, nhà đa năng, bể bơi, phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ dạy học, nghiên cứu và bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại trường chuyên được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ sở giáo dục đại học chủ quản có thể đề xuất, quyết định các chế độ đãi ngộ bổ sung, khen thưởng dành cho đội ngũ giáo viên, cán bộ có thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Giáo viên, cán bộ giảng dạy lớp chuyên cũng được tạo điều kiện tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn trong và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng dạy học và phát triển đội ngũ nhà giáo tinh hoa.

Học sinh trường chuyên đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật được xét cấp học bổng khuyến khích học tập và hưởng chính sách khen thưởng từ ngân sách địa phương hoặc đơn vị chủ quản.

Bên cạnh đó, học sinh trường chuyên còn được ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng vào các cơ sở giáo dục đại học trong nước, hoặc được cử đi đào tạo tại nước ngoài theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

20220715-TSP_2690.jpg
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đầu tư khủng nhưng hiệu quả chưa rõ ràng

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đề án đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên.

Mạng lưới trường chuyên từng bước được hoàn thiện, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng, đạt được mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.

Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua; việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài đã được một số trường chuyên thực hiện.

Ví dụ, giai đoạn 2006 - 2010 trong kỳ thi Olympic quốc tế trường chuyên giành được số huy chương và tỷ lệ trong số huy chương đoạt được là 23 huy chương vàng (chiếm 22,1%), 40 huy chương bạc (chiếm 38,5%), 41 huy chương đồng (chiếm 39,4%). Giai đoạn 2011 - 2018, trường chuyên có 56 huy chương vàng (chiếm 31,3%), 65 huy chương bạc (chiếm 36,3%), 58 huy chương đồng (chiếm 32,4%); tỷ lệ học sinh đoạt huy chương vàng tăng 9,2%. [1]

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra những hạn chế mang tính hệ thống. Một số địa phương chưa đạt được mục tiêu quy mô học sinh; nhiều trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia; trình độ ngoại ngữ của giáo viên và cán bộ quản lý còn chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế.

Ở nhiều nơi, trọng tâm vẫn là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, trong khi việc tăng cường năng lực thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và kỹ năng mềm cho học sinh chưa được chú trọng. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế; liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

Mô hình trường chuyên (1).png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Như vậy, báo cáo hiện vẫn chủ yếu tập trung vào thành tích tại các kỳ thi Olympic quốc tế, mà thiếu thông tin về lộ trình phát triển của học sinh sau khi rời trường chuyên, như tỷ lệ thành công trong học tập, nghề nghiệp, hay mức độ quay trở lại cống hiến cho địa phương. Báo cáo cũng chưa phản ánh rõ sự chênh lệch giữa các trường chuyên ở đô thị lớn với những trường tại địa phương còn khó khăn, nơi điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vai trò lan tỏa sáng kiến giáo dục từ trường chuyên ra hệ thống phổ thông, cũng như việc thí điểm các chương trình quốc tế tiên tiến, vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Như vậy, dù hệ thống trường chuyên đã khẳng định vai trò trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh có tố chất, nhưng thực tiễn cho thấy đã đến lúc cần đặt lại những câu hỏi căn bản về mục tiêu, cách tổ chức và tính bền vững của mô hình này. Đáng chú ý, có nơi dù mang danh trường chuyên nhưng lại chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện "chuyên", từ chất lượng đội ngũ đến chương trình và môi trường học tập.

Với mức đầu tư cao, mô hình này cần được đánh giá lại trên các tiêu chí hiệu quả, công bằng và mục tiêu phát triển lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập tỉnh đang đặt ra những thay đổi lớn về hệ thống giáo dục và phân bổ nguồn lực, câu hỏi “mỗi tỉnh có cần một trường chuyên?” ngày càng trở nên cấp thiết.

Tính đến nay, hệ thống trường chuyên đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố với hơn 80 trường, trong đó có 8 trường chuyên trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học và 74 trường chuyên thuộc các địa phương. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2019-2020, cả nước có 71.345 học sinh lớp chuyên, chiếm khoảng 2,7% tổng số học sinh trung học phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-bao-cao-ra-sao-ve-he-thong-truong-thpt-chuyen-gan-10-nam-qua-185969088.htm

Doãn Nhàn