Diện mạo ngôi trường khang trang, đội ngũ nhân sự chất lượng cao cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là thành quả của quá trình đầu tư bài bản, liên tục và đầy tâm huyết mà nhà trường đã kiên định theo đuổi ngay từ những ngày đầu thành lập.
Được biết, tiền thân của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là Trung tâm đào tạo Công nhân may trực thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn (thành lập ngày 05/6/1999). Sau quá trình nâng cấp, năm 2005, trung tâm phát triển thành trường cao đẳng. Và đến năm 2011, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chính thức được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định, lịch sử hành trình phát triển của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một chặng đường của những khát vọng, từ những khát vọng ban đầu mong muốn được góp sức vào sự nghiệp giáo dục nói chung của đất nước, cho đến những khát vọng kiến tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người. Và hôm nay là khát vọng đổi mới sáng tạo, cùng cả nước kiến tạo vì một Việt Nam thịnh vượng.

Tiên phong mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực
Qua 26 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong đó, các hoạt động học thuật và hỗ trợ người học ngày càng được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Đội ngũ nhân sự của nhà trường cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt là nhân sự có trình độ tiến sĩ, giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư. Chất lượng đào tạo của nhà trường được ghi nhận bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, và xếp hạng uy tín (ví dụ như QS Asia, THE Impact Rankings, URAP, Webometrics, QS Stars, UPM).
Tiến sĩ Trần Ái Cầm cho biết, nhà trường luôn kiên định với phương châm “Lấy chất lượng làm nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sự tâm huyết của hội đồng trường, sự chung tay, góp sức của tập thể đội ngũ sư phạm nhà trường, các hoạt động về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, người học và phục vụ cộng đồng, đảm bảo chất lượng, quốc tế hóa không ngừng được nâng cao về chiều sâu lẫn quy mô.
Cụ thể, đối với công tác quản trị, Trường đại học Nguyễn Tất Thành là trường đại học tiên phong, bước đầu đã triển khai thành công mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu trong và ngoài nước, đáp ứng Cách mạng Công nghiệp 4.0, đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Đối với công tác đào tạo, nhà trường có quy mô hơn 30.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang theo học; tính bình quân, tỷ lệ người học tốt nghiệp của tất cả chương trình đào tạo đạt trên 70%, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trong toàn trường đều từ 90% trở lên.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, hằng năm, nhà trường đều đảm bảo có hơn 150 nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được triển khai; hơn 600 công bố khoa học trên cơ sở dữ liệu WoS/ISI/Scopus; 100% đề tài, dự án khoa học công nghệ được triển khai nhằm phục vụ công tác đào tạo của trường, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và đổi mới sáng tạo.
Đối với công tác người học và phục vụ cộng đồng, nhà trường liên tục có sinh viên đạt thành tích cao tại các giải thưởng khoa học cấp quốc gia như Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (năm 2023 và 2024), Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka, cũng như đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp và Olympic Sinh học sinh viên toàn quốc.

Đối với công tác đảm bảo chất lượng, nhà trường vượt tỉ lệ các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (tỉ lệ 97%, chu kỳ 2). Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thuộc Top 301-400 trường đại học thế giới tại bảng xếp hạng The ImPact; Top 34% trường đại học tốt nhất Châu Á – QS Asia University Rankings; Top 35% trường đại học có giá trị tốt nhất thế giới năm 2024 dành cho sinh viên quốc tế; Top 10 trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng SCImago 2024; Top 4 trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng Webometrics; Top 4 trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng URAP.
Đối với công tác quốc tế hóa, số lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, số lượng các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học Việt Nam với các đối tác nước ngoài không ngừng gia tăng qua các năm. Hoạt động trao đổi quốc tế cũng có nhiều dấu ấn nổi bật, mỗi năm nhà trường đã đón tiếp hàng chục tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc.

Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhân lực và cơ sở vật chất luôn được xác định và hai trụ cột chiến lược được nhà trường ưu tiên đầu tư trong quá trình phát triển. Khi Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành, nhà trường đã tổ chức đánh giá hiện trạng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt là chuẩn về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
Trong đó, về đội ngũ nhân lực, tính đến hết năm 2024, nhà trường có hơn 1.900 nhân sự đang làm việc tại các đơn vị, trong đó có hơn 1.400 giảng viên toàn thời gian với hơn 32% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đồng thời, nhà trường cũng đang triển khai mạnh mẽ các chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại hóa. Các cơ sở đào tạo của nhà trường được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về không gian học tập, phòng thí nghiệm, thư điện tử, trung tâm tin học - ngoại ngữ, hệ thống thực hành chuyên ngành và khu ký túc xá cho sinh viên như: Cơ sở tại Khu Công nghệ cao được xem là trung tâm nghiên cứu - chuyển giao công nghệ chiến lược của nhà trường, nơi tích hợp đào tạo, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học; Cơ sở tại Quận 7 tập trung đào tạo chương trình chất lượng cao quốc tế với không gian hiện đại, hệ thống thiết bị giảng dạy tiên tiến, hướng tới tiêu chuẩn đào tạo toàn cầu.
Ngoài ra, hệ thống nhà hàng - khách sạn thực hành, xưởng ô tô - cơ khí - điện tử, phòng xử án giả định, ngân hàng mô phỏng,... đều được nhà trường đầu tư thiết kế phục vụ cho hoạt động đào tạo gắn liền với cơ hội nghề nghiệp thực tiễn.
Bên cạnh hạ tầng, nhà trường còn đầu tư mạnh vào chuyển đổi số trong giảng dạy và quản trị, với các nền tảng số hóa giáo trình, hệ thống LMS, phần mềm quản lý đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và trải nghiệm học tập cho sinh viên.

"Bằng việc đầu tư đồng bộ vào đội ngũ nhân sự và hệ thống cơ sở vật chất, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã và đang xây dựng một môi trường giáo dục đạt chuẩn, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục và kỳ vọng ngày càng cao của người học, xã hội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập", cô Cầm chia sẻ.
Giáo dục ngoài công lập góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội
Đánh giá về vai trò của giáo dục đại học ngoài công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, Tiến sĩ Trần Ái Cầm cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các trường đại học ngoài công lập đã tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao trình độ và kỹ năng lao động trong bối cảnh nhu cầu giáo dục ngày càng gia tăng. Không dừng lại ở việc chia sẻ gánh nặng với trường công lập, các trường ngoài công lập còn thể hiện tính chủ động trong đầu tư, đổi mới mô hình quản trị, tiếp cận nhanh với xu hướng giáo dục hiện đại và tăng cường kết nối với doanh nghiệp.
“Chính sự linh hoạt, năng động và khả năng tự chủ cao đã giúp các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập tạo nên nhiều điểm sáng trong bức tranh giáo dục đại học Việt Nam. Những đóng góp đó cần được ghi nhận và hỗ trợ kịp thời để tạo động lực cho khối trường ngoài công lập tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa”, cô Cầm chia sẻ.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một "điểm sáng" trong việc tích cực tham gia thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Theo cô Cầm, năm 2011, nhà trường được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ với sứ mệnh và khát vọng kiến tạo cơ hội học tập đại học cho mọi người dân, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế theo chiều sâu tri thức với công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế.
"Hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu trong hệ thống giáo dục quốc dân, không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội"
Là một trường đại học ngoài công lập, trong những năm qua, với định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển, nhà trường luôn quán triệt và không ngừng thực hiện hiệu quả các chủ trương xã hội hóa giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Nhà trường đã chủ động xây dựng mô hình đại học gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - xã hội để huy động các nguồn lực xã hội một cách toàn diện và bền vững, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, kiến tạo cơ hội học tập cho mọi người.
Điểm lại một số hoạt động nổi bật thúc đẩy xã hội hóa giáo dục của nhà trường, cô Cầm cho hay: Thứ nhất, nhà trường đã góp phần xây dựng xã hội học tập. Từ một cơ sở đào tạo năm đầu chỉ tuyển được 200 sinh viên, đến nay quy mô đào tạo của nhà trường đã đạt trên 30.000 sinh viên. Nhà trường tổ chức 54 chương trình đào tạo trình độ đại học, 11 chương trình trình độ thạc sĩ, 4 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại theo mô hình hợp tác - thực hành - ứng dụng, phát triển không gian học tập - thực hành - nghiên cứu - kinh doanh dịch vụ tích hợp. Đặc biệt, nhà trường đưa vào vận hành Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ tại Khu Công nghệ cao Thành phố Thủ Đức (đây là nơi tập trung nghiên cứu, giải mã công nghệ và thương mại hóa sản phẩm); chuỗi nhà hàng Golden Kings và hệ thống thực hành khách sạn - du lịch góp phần giúp người học gắn lý thuyết với thực tiễn, đồng thời tạo nguồn thu bền vững cho nhà trường từ hoạt động dịch vụ.
Thứ ba, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao thông qua các chính sách phúc lợi, đầu tư vào con người. Tính đến năm 2024, nhà trường đã hỗ trợ đào tạo sau đại học cho hàng trăm cán bộ giảng viên, với mức hỗ trợ 80 - 100% đối với đào tạo trình độ tiến sĩ và 50% đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, thể hiện rõ cam kết đầu tư lâu dài và trách nhiệm xã hội với đội ngũ nhân sự.
Thứ tư, kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp và cộng đồng. Nhà trường duy trì mạng lưới hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, đảm bảo tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90% mỗi năm. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của mô hình xã hội hóa gắn với nhu cầu thực tiễn.
Thứ năm, tự chủ tài chính một cách bền vững. Là cơ sở giáo dục ngoài công lập, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã vận hành mô hình tự chủ toàn diện nhiều năm qua. Nhờ đó, nhà trường đảm bảo được năng lực tài chính bền vững phục vụ đào tạo và mở rộng hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Cần một chính sách hỗ trợ và ghi nhận xứng đáng từ Nhà nước
Hiệu trưởng Trần Ái Cầm chia sẻ, không thể phủ nhận hệ thống giáo dục tư thục hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản. Ngoài áp lực cạnh tranh trực tiếp với trường công lập - vốn có nhiều lợi thế về ngân sách và truyền thống, trường tư thục còn đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thiếu cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế, và đôi khi chưa được nhìn nhận đầy đủ về mặt chính sách cũng như truyền thông. Do đó, để hệ thống giáo dục tư thục phát triển bền vững và phát huy đúng vai trò, rất cần một chính sách hỗ trợ và ghi nhận xứng đáng từ nhà nước.
Theo đó, cần có cơ chế công nhận thành tích và cống hiến của các cơ sở giáo dục tư thục thông qua hệ thống khen thưởng cấp ngành, cấp Nhà nước, không phân biệt công hay tư.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động chuyên môn, đầu tư, mở ngành, liên kết đào tạo…, trên cơ sở tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn chất lượng.
Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và tín dụng là vô cùng cần thiết. Do đó, có thể xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trường đạt chuẩn chất lượng, ưu tiên cho thuê hoặc giao đất tại vị trí thuận lợi với mức giá hợp lý, tương xứng với những đóng góp xã hội của các trường như đầu tư hạ tầng, tạo việc làm và nâng cao dân trí.
Tạo điều kiện và khuyến khích các trường tư thục tham gia vào các chương trình, đề án giáo dục cấp quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,...
Cần tạo môi trường chính sách bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập, đảm bảo các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận công bằng với các chương trình hỗ trợ, đề án quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Với những lưu ý trên, cô Cầm cho rằng chỉ khi đó, giáo dục ngoài công lập mới có thể đóng vai trò tích cực, đồng hành cùng hệ thống công lập trong việc nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nền giáo dục Việt Nam.


“Sự ghi nhận và hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không chỉ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục tư thục mà còn góp phần kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục Việt Nam đa dạng và năng động hơn, nơi các trường công lập và tư thục có thể song hành, bổ trợ lẫn nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới”, cô Cầm chia sẻ.