Cách bảo quản thực phẩm tươi ngon, an toàn ngày Tết

03/02/2021 06:19
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi loại thực phẩm đều được phân loại riêng biệt, sơ chế và đặt vào từng khu vực phù hợp để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và giữ được chất dinh dưỡng khi sử dụng.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, việc bảo quản nhiều loại thực phẩm trong nhà đã trở thành một việc cần thiết.

Làm thế nào để có thể bảo quản đúng cách, để thực phẩm giữ được chất dinh dưỡng và độ tươi ngon, an toàn là câu hỏi mà nhiều người nội trợ băn khoăn, tìm cách giải đáp.

Thời đại công nghệ phát triển, có không ít cách để chúng ta dự trữ, bảo quản lương thực qua mùa lễ Tết.

Tuy nhiên, không chỉ dựa vào các thiết bị như tủ lạnh, tủ trữ đông mà chúng ta cũng cần có sự sắp xếp thông minh, khoa học để thực phẩm luôn giữ được chất dinh dưỡng phục vụ mỗi bữa cơm gia đình. Cụ thể, chúng ta cần thực hiện những điều sau:

Vệ sinh tủ lạnh

Với chức năng cất trữ thực phẩm, tủ lạnh là môi trường của rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Muốn giữ cho thực phẩm, đồ ăn luôn tươi ngon, ta cần thường xuyên lau và dọn chiếc tủ lạnh của gia đình.

Trong quá trình vệ sinh tủ lạnh, hãy nhớ rút phích cắm tủ lạnh và để tủ xả hơi lạnh trong một thời gian để đảm bảo an toàn.

Tủ lạnh cần được vệ sinh sạch sẽ và sắp xếp hợp lý. (Ảnh minh họa trên VTV)

Tủ lạnh cần được vệ sinh sạch sẽ và sắp xếp hợp lý. (Ảnh minh họa trên VTV)

Phân loại thực phẩm trước khi để vào tủ lạnh

Sau khi mua thực phẩm về, bạn hãy thực hiện phân loại thực phẩm trước khi để vào tủ lạnh. Các loại thực phẩm cần được chia ra làm 3 loại: thực phẩm sống, thực phẩm chín và thực phẩm đóng hộp. Sau đó, 3 loại thực phẩm này cần được sắp xếp thành từng ngăn riêng biệt trong tủ lạnh.

Mỗi loại thực phẩm sẽ có những đặc tính khác nhau và cần nhiệt độ bảo quản khác nhau.

Để đông lạnh vào bảo quản thịt, cá tươi sống người dùng nên để loại thực phẩm này ở ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng -18 độ C, ở mức nhiệt này vi khuẩn không thể nào phát triển được.

Các loại thực phẩm như nước giải khát, bánh kẹo và thức ăn chín cần được để ở ngăn mát với nhiệt độ khoảng 0 độ C.

Với thực phẩm là rau củ hoặc trái cây, mức nhiệt độ phù hợp để bảo quản là từ 0 - 4 độ C.

Hướng dẫn phân loại, sắp xếp thực phẩm theo từng ngăn tủ lạnh.

Hướng dẫn phân loại, sắp xếp thực phẩm theo từng ngăn tủ lạnh.

Bảo quản thực phẩm sống

Đối với thực phẩm sống từ thực vật như: rau, củ, trái cây… nên cất tại ngăn dưới tủ lạnh, không nên để rau và trái cây ngay bên dưới ngăn đá vì dễ bị dập. Lưu ý, sơ chế sạch sẽ và để thật ráo nước các loại thực vật, sau đó chia chúng ra từng hộp riêng.

Nếu bạn cất vào hộp kín hãy lót bằng một lớp giấy mỏng để tránh hơi nước đọng lại ở đáy hộp tránh thực phẩm bị nhanh hỏng.

Đối với súp lơ, cà rốt, hành tây, hành lá, chanh, gừng… nếu được bọc nilon (nilon bọc thức ăn) sẽ giữ rau củ tươi rất lâu.

Các loại thịt tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày.

Đối với thực phẩm sống từ động vật như: thịt cá, lợn, bò, gà, hải sản… nên sơ chế thật sạch và để ráo nước, sau đó chia thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Phải bọc thật kỹ thực phẩm và giữ trong ngăn đá tủ lạnh, để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

Bảo quản thực phẩm chín

Ngày Tết, việc cất giữ những thực phẩm chín như bánh chưng, giò chả, gà luộc... là điều đa phần các gia đình Việt Nam đều phải thực hiện. Vậy làm thế nào để bảo quản trong tủ lạnh mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon của món ăn?

Với thời tiết nồm ẩm mùa xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mốc và ôi thiu đồ ăn.

Các thực phẩm chín cần được để nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh, sau đó bọc kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

Nếu như thức ăn còn nóng mã đã cho vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, sẽ có tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn.

Bạn nên dùng những hộp đựng thực phẩm làm bằng chất liệu an toàn để lưu trữ thực phẩm và trước khi ăn nên nấu sôi lại để bảo đảm vệ sinh.

Món kho như thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, mướp đắng dồn thịt… bạn chỉ nên nấu đủ ăn cho 2 – 3 bữa và không nên hầm đi hầm lại nhiều lần.

Bảo quản bánh chưng, bánh Tét: khi nấu chín vớt bánh chưng ra thì bạn nên rửa lại bằng nước sạch rồi ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn.

Với món chiên, quay thì bạn đặt vào hộp lớn đổ ngập dầu rồi đặt vào ngăn mát. Khi cần ăn thì lấy đủ phần ăn hâm lại và ăn.

Bảo quản giò chả, nem chua nếu không có tủ lạnh thì rất dễ bị thiu, hỏng. Bạn nên lột hết lớp vỏ bên ngoài tránh để đổ mồ hôi. Bảo quản trong rổ có lỗ nhỏ nhưng tránh nơi có gió. Giò chả và nem chua nên ăn trong khoảng 2 ngày, nếu bạn chưa ăn kịp nên luộc lại.

Không được để thức ăn đã nấu chín chung với thực phẩm tươi sống để tránh vi khuẩn lây nhiễm chéo. Luôn nhớ hâm nóng thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn. Tránh để đồ hộp đã mở nắp trong tủ lạnh vì sẽ làm cho thức ăn chứa trong hộp bị nhiễm vị kim loại.

Bảo quản đồ khô, thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp

Với các loại thực phẩm khô như măng, nấm, mộc nhĩ, các loại hạt, đậu… bạn nên chia riêng từng loại, bảo quản trong hộp đựng thức ăn, để nơi khô ráo, thoáng mát. Khi sử dụng, tránh để những loại thực phẩm này dính nước vì nơi ẩm ướt sẽ làm chúng bị mốc hoặc lên men.

Với sản phẩm sữa, ta không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Hãy bọc kín sữa và để ngăn cánh tủ lạnh, tách biệt với các ngăn khác.

Đặc biệt, với pho mát, nên bọc thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín đựng thực phẩm vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên của chúng.

Dùng giấy bạc bọc thực phẩm

Giấy bạc có tác dụng ngăn hơi lạnh trực tiếp vào thực phẩm gây héo úa rau củ hay mất chất dinh dưỡng từ thịt, cá.

Dùng giấy bạc để làm mát bảo quản thức ăn trong tủ lạnh sẽ ngăn không cho không khí vào, đồ ăn không mất nước, không cho ôxy hóa thâm nhập giữ nguyên mùi vị.

Bạn nên gói thực phẩm kỹ bằng giấy bạc rồi cho vào ngăn đá hoặc dùng hộp nhựa, hộp thủy tinh, túi đựng chuyên dụng.

Không nên dùng hộp xốp hoặc túi nilon bình thường bởi chúng có chứa những thành phần hóa học gây hại cho sức khỏe con người.

Theo dõi hạn sử dụng của đồ ăn

Những người nội trợ thông thái cần quan tâm đến hạn sử dụng của đồ ăn. Việc dán nhãn thực phẩm để quản lý thời hạn sử dụng đồ ăn là rất cần thiết để tránh lãng phí thực phẩm khi để thực phẩm quá hạn.

Đối với những thực phẩm đã được cất trữ quá lâu, chúng ta vẫn nên vứt bỏ. Điều này vừa đảm bảo cho tủ lạnh nhà bạn hoạt động tối ưu, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Mỗi loại thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, vì thế cần dán nhãn hạn sử dụng lên từng loại thực phẩm Tết để tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm trong những ngày đầu năm mới.

Một lưu ý nữa là chúng ta cũng không nên để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất trung gian gây hại cho sức khỏe người dùng.

Quá trình cấp đông và rã đông làm mất khoảng 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất dinh dưỡng gần như mất hết.

Một số thực phẩm như: rau, củ, quả, thịt, cá và những món ăn chế biến sẵn như dăm bông, thịt hun khói, patê, xúc xích để bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh có thể sinh ra hàm lượng Nitrite khi kết hợp với acid amine trong thực phẩm sẽ tạo ra Nitroamine, là chất gây hại đối với sức khỏe.

Thu Giang