Chứng tự kỷ - chứng bệnh về rối loạn chức năng não bộ - xuất hiện từ khi có loài người, nhưng mãi đến gần đây mới được y học “điểm mặt chỉ tên”. Bác sĩ Glenn doman – chuyên gia về trẻ chậm phát triển – sau hơn nửa thế kỷ làm việc với trẻ chậm phát triển các dạng đã đưa ra nhận xét ngậm ngùi: “Sống chung với bệnh nhân tự kỷ là cuộc chiến ác liệt hơn bất kỳ cuộc chiến nào”.
Về môi trường sinh hoạt
Tránh những nơi có nhiệt độ cao (nóng), đông người (ngột ngạt, ồn ào). Ưu tiên những nơi lạnh. Bản thân bé cũng rất thích tìm đến những nơi có nhiệt độ thấp như phòng lạnh, xe hơi máy lạnh, hay tự mở tủ lạnh… vì đó là nhiệt độ bé cần. Nhiệt độ lý tưởng cho bệnh nhân tự kỷ là 21oC - 23oC (có thể mặc thêm áo khoác). Trong điều kiện khí hậu nước ta, hằng ngày vẫn phải cho cho bé ra đường đi bộ, nhưng nên giới hạn thời lượng vừa đủ. Nếu là bé lớn, hãy tập cho bé đi bộ trên máy đi bộ trong phòng máy lạnh.
Tránh những nơi có độ ẩm cao: nguyên nhân khiến cho bệnh tình của bé nặng thêm.
Tránh những nơi áp suất không khí thấp: không nên đưa bé tới những vùng núi cao dù những nơi đó nhiệt độ lạnh, vì áp suất không khí thấp sẽ khiến tình trạng thiếu oxy não của bé trở nên trầm trọng hơn, bệnh sẽ tăng lên.
Về các hoạt động của bé
Không được để cho bé rảnh rỗi: luôn hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” cho bé tất cả những gì bé có thể làm, thậm chí chưa thể tự làm một mình. Hãy hướng dẫn bé những điều cơ bản để tự phục vụ bản thân: tự lấy quần áo, khăn, khi đi tắm tự xối nước, tự ăn, uống, tự mang giày, mặc áo quần, lau mặt lau miệng khi ăn… Và phục vụ những người thân trong nhà: lấy đồ đạc giúp cha mẹ ông bà, mở cửa đóng cửa khi có người ra vào, bật tắt các thiết bị trước và sau khi sử dụng. Dù bé có làm được hay không thì não bé vẫn phải vận động, điều này sẽ khiến bé tự phục hồi nhanh hơn. Khi dạy bé làm việc, hãy thật kiên nhẫn, nhẹ nhàng, chỉ dẫn cho đến khi nào bé có thể tự làm thì chuyển sang hướng dẫn việc khác.
Cho bé đi bộ: đi bao nhiêu là tốt? Sẽ tùy vào số tuổi của bé: 2 tuổi = ít nhất 2km/ngày, 3 tuổi = ít nhất 3km/ ngày… tối đa sẽ là 10 tuổi = ít nhất 10km/ngày. Nên chia ra nhiều lần trong ngày. Bé 2 tuổi nên đi 3 lần/ ngày, mỗi lần 700m - 800m. Không nên đi một lần quá nhiều, quá sức bé. Khi đi bộ nhiều, chứng táo bón thường thấy ở trẻ tự kỷ cũng sẽ tự thuyên giảm đôi chút, đồng thời xương bé cũng sẽ cứng cáp hơn.
Khuyến khích bé thực hiện những dạng vận động có lợi cho phát triển thần kinh như: leo trèo cầu thang, đu xà trẻ em, giúp bé chơi những trò chơi dốc đầu xuống thấp như lộn tùng phèo, trồng chuối, chổng mông, nằm trên giường thò đầu xuống đất. Đây là những trò chơi vận động giúp tăng oxy não, khiến bé dễ chịu, nên bản thân bé rất thích. Chỉ khuyến khích đi, hạn chế hành vi chạy. Nếu bé chạy, hãy níu bé lại bắt buộc phải bước đi.
Tập cho bé biết bơi càng sớm càng tốt và bơi ở hồ người lớn (theo phương pháp dạy bơi lội cho trẻ tự bế và chậm phát triển tâm thần). Bơi lội là một liệu pháp phụ trợ giúp phục hồi cho trẻ chậm phát triển khá hiệu quả, hiện được áp dụng khá rộng rãi trên toàn thế giới, và tất nhiên môn thể thao này rất tốt với tất cả mọi người.
Về cách đối xử với bé
Nói chuyện với bé: to, nhanh, rõ. Không được nói chậm. Luôn nói với bé bằng giọng ôn hòa trong bất kỳ tình huống nào. Tuyệt đối tránh la mắng, nói năng trịch thượng, kẻ cả theo kiểu “đi ra đằng kia chơi”, “có ăn uống cho tử tế không thì bảo”, “con ơi là con, sao tôi khổ thế này”, “sao lúc nào cũng lơ nga lơ ngơ thế này không biết”…
Không được bắt bé lặp lại điều bé vừa nói (ở những bé nói được). Không được bắt bé nói lại điều cha/mẹ vừa nói. Nếu muốn bé nhớ những lời bạn dặn dò thì cứ vài phút bạn có thể nhắc bé một lần, nhưng không được nhắc đi nhắc lại liên tục!
Khi sinh hoạt chung gia đình, đừng nói với nhau mà không nói với bé khi bé có mặt (ví dụ: bé ngồi chơi chung với cha mẹ, nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa tới bé mà chỉ nói những chuyện riêng của cha mẹ).
Đừng nói với nhau về bé mà không nói với bé khi bé có mặt (ví dụ: ba đi làm về, mẹ “méc”: “Anh ơi, hôm nay nó làm bể cái hộp thuốc của anh rồi”). Nói trước với bé tất cả những gì cha mẹ và bé sẽ làm, kể cả những điều kinh khủng nhất, ví dụ như “đi bác sĩ khám bệnh” chẳng hạn. Khi nói, phải nhắc nhiều lần vì bé không thể ghi chép.
Đừng bao giờ nói dối hay tìm cách lừa gạt bé (ví dụ: mẹ hay lừa con để cho uống thuốc dễ dàng hơn). Điều này sẽ khiến bé mất lòng tin ở phụ huynh, khiến việc huấn luyện bé trở nên khó khăn hơn nhiều.
Về chế độ dinh dưỡng cho bé
Không sử dụng bất kỳ loại sữa động vật nào (sữa bò, sữa dê, sữa ngựa…) và không sử dụng các sản phẩm từ sữa động vật (sữa chua, phô mai, bánh có nhân sữa….). Nên sử dụng nguồn đạm thực vật cho bé có trong các loại đậu, nhiều nhất là đậu nành.
Hạn chế tối đa các món ăn bằng bột mì.
Không nên cho bé sử dụng thực phẩm đóng gói đóng hộp vì chất bảo quản trong đồ hộp rất hại cho bé.
Cảnh giác cao với các loại đồ biển có vỏ cứng như nghêu, sò, ốc, hến biển, cá thu, cá ngừ, vì thịt của những loại hải sản này bị nhiễm thủy ngân ở nồng độ cao. Nếu cần bổ sung DHA và Omega, ta chỉ nên cho bé sử dụng viên dầu cá.
Không cho bé ăn chuối già (ở miền Bắc gọi là chuối tiêu). Hãy tập cho bé ăn chuối sứ (ở miền Bắc gọi là chuối tây, loại chuối dùng làm món chè chuối chưng). Loại chuối này là một vị thuốc trợ gan và trợ tiêu hóa rất tốt, ai cũng nên ăn, nhất là những người đã từng mắc chứng viêm gan siêu vi B.
Lượng nước uống hợp lý cho bé tới 8 tuổi: 800 - 1.200ml/ngày, tùy theo thời tiết. Lượng nước bé uống là yếu tố trực tiếp liên quan đến oxy não: uống quá nhiều nước sẽ gây thiếu oxy não cục bộ. Với tất cả mọi người, đặc biệt là với bé, khi uống nước, nên uống rải ra làm nhiều lần, không nên uống một lần quá nhiều nước. Nếu bé bị sốt, tiêu chảy, đang uống tân dược… thì phải cho uống nhiều hơn chút nữa để bù nước và thải độc.
Lưu ý: khi huấn luyện bé, tuyệt đối tránh những quy trình sinh hoạt không thay đổi. Hãy chịu khó thay đổi những thói quen sinh hoạt quen thuộc của bé để não bé vận động nhiều hơn, bé thích nghi với đời sống tốt hơn. Đây là một cách “trị liệu” thật giản đơn nhưng lại khá hiệu quả của tất cả các gia đình. đóng