Cả thế giới vẫn đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, số người tử vong vẫn chưa dừng lại, nhưng tại Việt Nam, đời sống của nhân dân đang được bảo vệ tốt trong tình hình mới, cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Việt Nam đã có sự chuẩn bị chủ động từ rất sớm trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, vì vậy đã có một kế hoạch sâu rộng được chuẩn bị từ trung ương tới địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự sát sao của Chính phủ, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt và giành được những kết quả nổi trội, được tổ chức Y tế thế giới và nhiều quốc gia đánh giá rất cao.
Thành công trong cuộc chiến chống dịch đạt được là là sự đồng lòng của toàn dân, trong đó không thể không nhắc tới những bác sĩ – được ví là những người lính áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.
Đất nước đã trải qua 2 cuộc kháng chiến oanh liệt hào hùng. Trong những năm tháng gian khổ ấy, ngành y tế, các bác sĩ đã góp công rất lớn ngày đêm bảo vệ, chăm sóc và cứu chữa cho các chiến sĩ trên mặt trận, cho đồng bào ta. Có lẽ từ truyền thống hào hùng ấy, ngành y tế luôn giữ vai trò trọng yếu, then chốt trong tiến trình phát triển đất nước.
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh nhận quà từ tập thể trường Nguyễn An Ninh trao tặng. |
Trong quá khứ, ngành y tế Việt Nam cũng đã rất thành công khi khống chế được dịch Sars. Năm 2002, dịch Sars nổ ra và lan tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ tới năm 2003 thì Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được WHO công nhận là quốc gia khống chế được đại dịch SARS. Đây là niềm tự hào của ngành y Việt Nam, được thế giới đánh giá cao, rất nhiều quốc gia đã cử các đoàn công tác tới học tập và trao đổi kinh nghiệm với các thầy thuốc của chúng ta.
Vào năm 2020, khi dịch Covid-19 lây lan rất nhanh ra khắp toàn cầu, ngành y tế Việt Nam vừa đóng vai trò chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân với vai trò xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu chống dịch; đồng thời phải thực hiện cùng một lúc đồng bộ nhiều nhiệm vụ, nhiều giải pháp, là nòng cốt tham mưu cho Đảng, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước đối phó với dịch bệnh.
Trong giai đoạn căng thẳng khoanh vùng dập dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và mới nhất là Đà Nẵng, ngành y tế luôn có sự đồng lòng cao của các bác sĩ và nhân viên y tế. Họ chấp nhận rời xa gia đình trong nhiều ngày, vừa thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phải tự đảm bảo an toàn cho bản thân, tự cách ly chính mình.
Có thể nói đó là những thời khắc họ sẵn sàng tâm thế đối diện với hiểm nguy, nhận về mình phần thiệt thòi để hàng triệu đồng bào được sống trong cảnh yên bình. Mỗi một thông tin bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui của người dân cả nước lại vỡ òa. Đó là những món quà tinh thần vô giá mà ngành y tế, các y, bác sĩ dành cho Tổ quốc và nhân dân mình. Đội ngũ lãnh đạo, y, bác sĩ, nhân viên các bệnh viện dù vô cùng vất vả, căng thẳng nhưng luôn tự tin, đoàn kết, vững vàng đối phó với dịch bệnh.
Trong những ngày tháng gian nan ấy, nhóm phóng viên chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhóm nghiên cứu bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y có đến gần 60% là nữ. Họ khoác trên mình 2 màu áo: áo blouse trắng và màu xanh áo lính. Cũng giống như nhiều chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm căng mình chống dịch, họ phải tập trung toàn lực, chạy đua với thời gian, chống dịch.
Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng – một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới” chia sẻ với chúng tôi với nụ cười trên môi khi bộ kit thử này hoạt động tốt và được đánh giá rất cao.
Thời gian làm việc luôn căng thẳng, có những ngày chị Hằng phải làm việc đến đêm hoặc thức trắng. Chị Hằng tâm sự: “Khi Việt Nam chưa có ca nhiễm nào, bằng linh cảm của người làm khoa học chúng tôi đã luôn trong tâm thế sẵn sàng để chế tạo bộ kit thử. Mọi người thắc mắc vì sao nhóm nghiên cứu lại có thể hoàn thành công việc nhanh đến như vậy?
Nguyên nhân là do chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước và cũng đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và chế tạo bộ kit thử trong đợt dịch Ebola (2013-2015). Đến dịch Covid-19 cũng thế, một tuần trước khi nghỉ Tết nhóm nghiên cứu đã họp lại với nhau xác định phải tìm hiểu chủng virus mới này và tạo kit thử. Chúng tôi đã chạy đua với thời gian. Có những áp lực không biết kể sao cho siết”.
Tiến sĩ Hằng lý giải: “Khi nghiên cứu về bộ kit thử nCoV chúng tôi rất áp lực.Thứ nhất là nó nguy hiểm, thứ hai là nó nhạy cảm. Nhạy cảm vì mình không thể nói 100% mình thành công được. Đặc biệt đơn vị tôi công tác lại là Viện thuộc Quân đội. Mà trong Quân đội thì việc sai sót rất là khó được chấp nhận. Cho nên áp lực dành cho nhóm nghiên cứu cũng rất lớn.
Chúng tôi đã làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép mình nghĩ đến thất bại. Tinh thần đó khiến tất cả anh em tìm mọi con đường. Chuẩn bị thật tốt và chu đáo cho mọi tình huống, kịch bản có thể xảy ra”.
Nhận nhiệm vụ chỉ 1 tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y phải gạt bỏ việc cá nhân, việc gia đình, lao mình vào nghiên cứu. Những ngày tháng đó, chị Hằng làm việc quên ăn, quên ngủ; là những ngày tháng xa con, vò võ nỗi nhớ con.
Vì thế sau khi nhận được thông tin bộ kit thử nghiệm lâm sàng thành công, điều đầu tiên mà Tiến sĩ Hằng nghĩ đến là về quê để thăm con và người thân. Nhiều thành viên trong tổ nghiên cứu cũng luôn căng mình làm việc vì trong tim họ là sức khoẻ của đồng bào, cũng phải gạt đi nỗi nhớ gia đình.
Chị Hằng tươi cười: “Hai đứa con tôi phải về quê với ông bà. Tôi may mắn được sự hậu thuẫn của gia đình đặc biệt hai đứa nhỏ rất biết cách động viên mẹ. Có những hôm đang làm việc căng thẳng chỉ 1, 2 câu í ới của con là bao nhiêu âu lo, mệt mỏi tan biến hết.
Hai cháu mặc dù còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, hay tranh luận với nhau và không quên dặn dò bố mẹ, người thân trong nhà cẩn thận, bảo vệ sức khỏe”.
Là một thành viên của nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử chia sẻ: “Ngay khi bắt đầu có những ca bệnh tại Thái Lan chúng tôi đã tiến hành đọc tài liệu và nghiên cứu về con virus này. Thời điểm đó chúng tôi nhận định rằng: Sớm hay muộn Việt Nam cũng sẽ có những ca nhiễm đầu tiên do điều kiện tương đồng với Thái Lan.
Thời gian đầu khó khăn lớn nhất cả nhóm phải đối mặt đó là thiếu mẫu trứng dương và các hóa chất cần thiết. Tuy nhiên bằng việc huy động nhiều nguồn chúng tôi cũng có những mẫu trứng dương phục vụ nghiên cứu”.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử được gọi với biệt danh: thủ lĩnh của biệt đội săn Covid-19. Áp lực chạy đua với thời gian nhiều khi khiến vị thủ lĩnh này quên ăn, quên ngủ. Có những ngày làm việc đến 2-3 giờ sáng và có mặt tại cơ quan 7 giờ sáng hôm sau.
Tuy nhiên, những ngày đó đều đã qua rồi, bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y đã rất thành công. Thế nhưng trong tâm thế của những người lính 2 màu áo như Tiến sĩ Sử, Tiến sĩ Hằng… những trận chiến mới luôn thôi thúc họ trong tâm thế sẵn sàng xung phong.
Xúc động vì sự hy sinh lớn lao của các bác sĩ, nhân viên y tế
Không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay cả ở các địa phương khác tinh thần chống dịch cũng luôn sẵn sàng. Ngay khi phát hiện những trường hợp mắc virus đơn lẻ, cả một ê kíp lập tức vào cuộc, khoanh vùng xử lý triệt để.
Bác sỹ Phạm Trung Mạnh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, vào thời điểm chống dịch Covid-19 có 18 bác sỹ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly đặc biệt, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chấp nhận cách ly, xa gia đình, người thân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao, với trách nhiệm và mục tiêu là điều trị khỏi cho người bệnh, tạo sự an tâm, an toàn cho cộng đồng xã hội. Công việc hàng ngày của chúng tôi, những bác sỹ, điều dưỡng là thăm khám, nắm bắt, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân, cùng với đó là chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của người bệnh; đồng thời quan tâm, động viên tinh thần, giữ vững tâm lý để người bệnh yên tâm điều trị.
Mặc dù công việc vất vả, điều kiện làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt là việc sinh hoạt trong khu cách ly thực sự chật chội, thiếu thốn (trước đây, khu chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm, thì nay là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống cho 18 người), nhưng các bác sỹ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm đều có ý thức vì cái chung, tự sắp xếp nơi làm việc, chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt tối giản nhất, cùng thông cảm, hỗ trợ cho nhau hoàn thành nhiệm vụ... Và niềm vui, sự tự hào đến với các y, bác sỹ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm nói riêng, Bệnh viện đa khoa tỉnh và ngành Y tế Ninh Bình nói chung khi sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của Ninh Bình đã có kết quả 3 lần xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện xuất viện.
Điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 đầu tiên tại Ninh Bình chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng có những nỗi lo lắng, tâm tư, dù đã được tập huấn, nắm bắt đầy đủ quy trình chuyên môn. Chúng tôi được phân làm các ca trực, mỗi ca liên tục 6h đồng hồ, mặc những bộ quần áo nặng trịch, kín mít, cơ thể lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Điều làm khó cho chị em chúng tôi là trong ca trực không thể uống nước hay đi vệ sinh, sau ca trực ai cũng hằn lên mặt các vết đeo khẩu trang, người thì mỏi mệt rã rời, nhưng tất cả đều cố gắng sức để hoàn thành nhiệm vụ”.
Trên đây chỉ là những thí dụ nhỏ trong số hàng trăm, hàng nghìn tấm gương đáng quý của ngành y trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Sự nỗ lực không màng đến hiểm nguy của họ khiến hàng triệu người dân vô cùng xúc động đã viết nên nhiều thơ, ca, nhiều bức thư… động viên, thể hiện tinh thần đoàn kết, tiếp sức cho các bác sĩ, nhân viên ngành y.
Bức tranh của em Hồng Yến, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh (Bà Rịa, Vũng Tàu) ghi những giây phút mệt mỏi, nghỉ ngơi tạm bợ của bác sĩ chống dịch Covid-19. |
Sự dũng cảm của các bác sĩ đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn sinh viên y khoa trên khắp đất nước và các em đã tình nguyện tham gia vào các chương trình chống dịch, thậm chí nhiều sinh viên đã viết đơn xin được kéo dài thời gian làm nhiệm vụ.
Nhân dân ở rất nhiều vùng miền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, làm rất nhiều đồ ăn, gửi các vật dụng cần thiết ủng hộ các bác sĩ, nhân viên y tế trong những ngày tháng khó khăn ấy. Và, những món quà nhỏ ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những chiến sĩ áo trắng kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến đấu bảo vệ người dân khỏi Covid-19.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, chống dịch COVID-19 ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn ngừa được dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào và đang thực hiện việc kiểm soát lây lan trong cộng đồng. Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ chiến sĩ áo trắng, những người luôn tiên phong, xông pha trên mọi mặt trận phòng chống dịch.
Hình ảnh cán bộ y tế cùng các cán bộ, chiến sỹ ở địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh, những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về vi rút... đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc, được nhân dân cả nước khen ngợi.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đồng chí không những đã phát huy truyền thống, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh rất đáng tự hào của ngành y tế mà còn góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin, sự an tâm, tiếp thêm động lực để cả nước đồng sức, chung lòng phòng chống dịch thành công.