Cây xanh làm giảm ung thư da

25/09/2015 13:42
BS.NGÔ VĂN TUẤN
(GDVN) - Trong những lời khuyên phòng chống ung thư da do phóng xạ, nhiều thầy thuốc trên thế giới nhiều lần đề cập đến tác dụng của cây cối và bóng râm.

Cây cối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và cuộc sống có lẽ không phải là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Purdue (Mỹ) đã phát hiện thêm rằng cây cối còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư da và bảo vệ hệ thống miễn dịch bằng cách hạn chế sự phóng xạ tia cực tím (UVB) trên cơ thể con người ở nhiều mức độ khác nhau.

Các chuyên gia cho rằng, UVB là tia gây tổn hại nhất trong sự phóng xạ từ hệ mặt trời vào bầu khí quyển. Nhà khí tượng học Richard Grant và nhóm nghiên cứu đã phát triển  phương pháp tính toán 3 chiều ước lượng được sự phóng xạ UVB như thế nào  dưới những cây có bóng râm khác nhau.

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những nơi có thể nhìn xuyên lên bầu trời từ các tán cây (không phải là trong nhiều khu rừng rậm rạp).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng tia cực tím UVB bao gồm độ cao, vĩ độ, thời gian trong ngày và sự che phủ của cây.

Áp dụng tất cả các yếu tố trên vào tính toán, họ cho biết ở những vùng có vĩ độ từ 15 đến 60, thì khi một người đứng trong ánh nắng mặt trời dưới cây cho 50% bóng râm sẽ  bị cháy nắng trong khoảng 50 phút và dưới cùng cây ấy nhưng  ở thời điểm cho 100% bóng râm sẽ hứng chịu nhiều UVB sau khoảng 100 phút.

Họ nhấn mạnh các độ che phủ của nhiều tán cây chỉ mang lại lợi ích lớn nhất ở những vùng có vĩ độ cao từ 45 đến 60.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, những người hoạch định kiến trúc đô thị và các khu dân cư nên quan tâm đến các nhân tố chống bức xạ tia cực tím, bởi vì ở nhiều khu cộng đồng đông dân hoặc các khu liên hiệp công sở, đặc biệt là ở thành thị, thiếu rất nhiều cây cối.

Ngoài ra việc bảo vệ trẻ em tránh những tia cực tím cũng rất cần thiết. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những người bị cháy nắng nhiều lúc còn bé về sau sẽ có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh u hắc tố, một dạng nặng của ung thư da.

Theo CDC (Mỹ), nếu trẻ em mặc quần áo phong phanh, không đủ kín, lại chơi nhiều giờ ngoài nắng, thì đến năm 18 tuổi, thời gian ngâm mình dưới những bức xạ mặt trời của chúng chiếm 50% tổng thời gian hứng chịu bức xạ trong cả cuộc đời, và chính các phản ứng của da đối với phóng xạ tia cực tím sau đó có thể trở thành ung thư da.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khẳng định, các tia cực tím hoạt động giống như loại sóng cực ngắn (sóng vi ba) trên da. Những vết đỏ, sưng trên da có thể tiếp tục phát triển từ 12-24 giờ sau đó. Chúng làm tổn thương không chỉ da mà còn cả những tế bào của hệ thống miễn dịch nằm trên đó.

Nói cách khác, phóng xạ tia cực tím cùng lúc đặt người ta vào nhiều rủi ro bị ung thư da và làm giảm khả năng của cơ thể chống chọi lại bệnh tật.

Giáo sư Grant cho hay, có những dấu hiệu cho thấy việc bảo vệ trẻ em chống lại tác hại của tia cực tím khác nhau giữa các hộ gia đình riêng lẻ nơi có nhiều cây cối và giữa các hộ gia đình trong khu dân cư đông đúc nhưng thiếu cây xanh.

Trong những lời khuyên phòng chống ung thư da do phóng xạ, nhiều thầy thuốc trên thế giới nhiều lần đề cập đến tác dụng của cây cối và bóng râm.

BS.NGÔ VĂN TUẤN