Cháu bé sơ sinh "rao bán" trong thúng lại bị ... hỏi mua

31/05/2011 22:54
(GDVN) – Việc vợ chồng anh Hùng nhận nuôi cháu bé ở trong thúng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Có người vui, có người tiếc vì đã “chậm chân”...
(GDVN) – Việc vợ chồng anh Hùng nhận nuôi cháu bé ở trong thúng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Có người vui, có người tiếc vì đã “chậm chân”, có người hỏi xin nuôi cháu và có cả người hỏi… mua cháu !
{iarelatednews articleid='3506,2976,2012,1811,1423,1290'}
Quá nhiều người muốn nhận cháu làm con nuôi !
Như được “trời ban” cho cháu bé sau 9 năm khao khát, vợ chồng anh Hùng vẫn còn đang hân hoan với niềm hạnh phúc bên cạnh cháu bé mới sinh vừa được chính gia đình anh cứu sống. Tuy nhiên, việc chưa chính thức được nhận cháu làm con nuôi khiến anh Hùng nhấp nhổm, không yên.
Đơn xin nhận con nuôi của vợ chồng anh Hùng
Đơn xin nhận con nuôi của vợ chồng anh Hùng
Theo lời kể của anh Hùng, sau khi biết được thông tin về cháu bé bị người mẹ bỏ rơi ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời, đã có rất nhiều người gọi điện đến xin nhận cháu làm con nuôi, "có người lại ngỏ ý muốn trả chúng tôi tiền đã chăm bẵm cháu mấy ngày qua rồi xin nhận lại cháu về làm con nuôi. Có người nói trả 5 triệu, có người trả 10 triệu và có người trả hơn chục triệu đồng nhưng tôi không đồng ý một ai cả”.
Anh cũng khẳng định:  “Nếu có gia đình cháu có đến nhận thì tôi cũng không nhất trí vì, cháu đã “bước” vào cửa nhà tôi, là mang họ của nhà tôi rồi. Tôi không thể dứt được cháu ra vì yêu cháu lắm rồi, cả họ mừng quá rồi! Cho dù có một “cuộc tranh giành” để nhận nuôi cháu bé này, thì tôi nhất định phải là người chiến thắng !  Đơn giản là bởi: tình phụ tử giữa tôi với cháu bé đã rất sâu nặng ! ".
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Danh Minh, Phó trưởng Công an xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, HN) cho biết: “Đúng là có rất nhiều người, nhiều gia đình đến xin nhận cháu bé làm con nuôi. Ngay cả nhà chùa ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Đức gần đây cũng xuống xin, nhưng thấy gia đình ông Sáu (bố anh Hùng) tha thiết, vả lại ông Sáu là người đầu tiên nhận cháu nên trước mắt bàn giao cháu cho gia đình anh Hùng chăm sóc là hợp lý hơn cả”.
“Hiện, Các đồng chí bên UBND xã đã đồng ý và yêu cầu lập biên bản bàn giao cháu bé, đồng thời yêu cầu gia đình có đơn xin nhận con nuôi ngày 28/5/2011. Mọi thủ tục đã xong cơ bản. Vợ chồng anh Hùng đều phải cam đoan nuôi dưỡng cháu bé. Ngày 31/5 sẽ tiến hành thông báo trên loa đài cho mọi người cùng biết trong vòng 1 tuần. Nếu không có người thân thích của cháu bé đến nhận thì gia đình anh Hùng sẽ làm giấy khai sinh cho cháu” - Ông Minh cho biết thêm.
Ai được nhận nuôi cháu bé ?
Trao đổi qua với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Anh Sơn - Văn phòng luật sư Việt Thái, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo “Điểm a Khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi đã quy định: “Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng”.
Cháu bé đang được chăm sóc tại nhà anh Hùng
Cháu bé đang được chăm sóc tại nhà anh Hùng
Khoản 3 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó". 
Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:
“Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
UBND cấp xã nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của đứa trẻ. Đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần/3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha mẹ đẻ thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho trẻ.
Khi ĐKKS cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh. Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi thì cán bộ hộ tịch căn cứ vào quyết định nhận nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha mẹ trong sổ ĐKKS và giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của sổ ĐKKS phải ghi rõ cha, mẹ nuôi, nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.
Căn cứ vào những quy định trên, thì vợ chồng anh Hùng là những người đầu tiên tiếp nhận đứa bé, anh đã thông báo cho Ủy ban nhân dân xã nơi đứa bé bị bỏ rơi.
Vì vậy, nếu anh Hùng có nguyện vọng xin đứa trẻ làm con nuôi, thì anh Hùng cần đề nghị lên Ủy ban nơi đứa trẻ bị bỏ rơi để được giải quyết. Tại đây, ủy ban sẽ hướng dẫn anh thủ tục nhận con nuôi và thủ tục khai sinh cho đứa trẻ tại ủy ban nhân dân xã, nơi anh cư trú. Khi có quyết định nhận nuôi thì anh Hùng được đứng tên về cha nuôi và được giữ bí mật về thông tin này.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Sơn: “Nếu trường hợp có nhiều người muốn nhận cháu bé làm con nuôi thì, UBND xã sẽ xem xét hoàn cảnh gia đình, khả năng kinh tế cũng như các điều kiện sinh hoạt rồi mới quyết định xem ai được nuôi để đảm bảo cháu có được sự phát triển tốt nhất”.
Tuệ Minh