Kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm triển khai các chỉ đạo về tăng cường hiệu quả quản lý thuốc tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/ 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Các cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc. |
Với việc kết nối này, các cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, tăng cường công khai minh bạch trong quản lý thuốc...
Việc kết nối các cơ sở cung ứng sẽ làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm soát thuốc đối với cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế, đòi hỏi có quyết tâm cao của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận và sự ủng hộ của các cơ sở y tế, cơ sở cung ứng thuốc và của nhân dân trong thực hiện giải pháp này.
Vào đầu tháng 7/2019, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thông báo cho các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn về việc các cơ sở bán lẻ thuốc có quyền tự do lựa chọn bất kì cơ sở cung cấp phần mềm nào theo nguyên tắc các cơ sở trên phải đáp ứng các quy định tại Quyết định 540 về ban hành “Chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc” phiên bản 1.0 và Quyết định 777 về ban hành “Chuẩn kết nối dữ liệu phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở bản lẻ thuốc” phiên bản 1.0.
Các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đề nghị khẩn trương cấp tài khoản liên thông kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” cho các cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm của các cơ sở cung cấp phần mềm khác nhau trên địa bàn đã đáp ứng các quy định tại 2 Quyết định nêu trên.
Như vậy, các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc có quyền tự do lựa chọn bất kì cơ sở cung cấp phần mềm nào theo nguyên tắc các cơ sở đó phải đáp ứng các quy định về chuẩn dữ liệu đầu ra, chuẩn kết nối dữ liệu phần mềm đã được Cục này ban hành.
Đến nay, 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.
Đến nay, các tỉnh, thành phố đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia", chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc. Đối với quầy thuốc, theo lộ trình, đến 1/1/2020 phải thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.
Người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. |
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2019, trên địa bàn thành phố có 6.904 cơ sở cung ứng thuốc, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu thuốc; 3.501 nhà thuốc và 2.274 quầy thuốc.
Hiện tại, 100% nhà thuốc và 95% quầy thuốc trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
Nhờ việc kết nối, các văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về chất lượng thuốc, việc đình chỉ lưu hành hay thu hồi thuốc được chuyển đến các nhà thuốc nhanh hơn so với gửi theo đường công văn truyền thống. Mặt khác, khi có thuốc thu hồi hoặc nghi ngờ về chất lượng có thể xem được lịch sử sử dụng thuốc, thuốc còn tồn ở các nhà thuốc để giám sát…
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại các địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cần phải bảo đảm đúng lộ trình đề ra nhưng cũng phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người bệnh.
Đối với một số trường hợp chưa thực hiện kết nối, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân và khẩn trương báo cáo về Bộ để có hướng xử lý.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, bảo đảm tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng…; Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng…; Cơ quan quản lý dược từ trung ương đến địa phương có thể xác định nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc.