Trầm cảm thường được gây ra bởi các yếu tố ngoài tầm kiểm soát ví như cái chết đột ngột của người thân, mất việc làm, khủng hoảng tài chính…Tuy nhiên, một số thói quen hàng ngày cũng ảnh hưởng không hề nhỏ tới tinh thần của bạn như không tập thể dục, sống quá nghiêm túc… khiến cuộc sống của bạn trở nên căng thẳng, buồn tẻ.
Dưới đây là 10 thói quen xấu đang hàng ngày phá hoại tâm trạng tốt của bạn. Điều may mắn là những thói quen này có thể thay đổi được. Cho nên, ngay từ lúc này hãy dần thay đổi những hành vi để cuộc sống vui tươi và hạnh phúc hơn.
Uể oải khi đi bộ
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Liệu pháp về hành vi và tâm thần học thực nghiệm cho biết cách bạn đi có thể gây ảnh hưởng tới tâm trạng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đi bộ trong bộ dạng uể oải, vai thõng, gập người, cánh tay ít vận động thường có tâm trạng tồi tệ hơn so với những người có bước đi hăng hái. Hơn nữa, kiểu đi này thường khiến nghĩ đến những điều tiêu cực hơn là tích cực.
Cách giải quyết: Khi đi thì hãy nâng cao cằm lên và lăn vai trở đi trở lại liên tục để nhìn thấy những điều tốt đẹp hơn.
Chụp ảnh tất cả mọi thứ
Theo một nghiên cứu công bố trên tờ Psychological Science cho biết: Chụp ảnh mọi lúc mọi nơi có thể làm cản trở bạn nhớ lại những khoảnh khắc thú vị mà bạn đã từng thấy.
Trong nghiên cứu, những người tham gia được cho tham quan bảo tàng, quan sát một số đối tượng và chụp ảnh người khác. Sau đó họ được yêu cầu nhớ lại những gì đã trải nghiệm. Kết quả họ gặp khó khăn trong việc nhớ lại các thứ mà họ chụp ảnh, trong khi những thứ quan sát thì họ nhớ rõ.
Trước tình trạng này, phó giáo sư Diedra L. Clay, trưởng khoa tư vấn tâm lý và sức khỏe tại Đại học Bastyr ở Kenmore, Washington cho biết: "Ống kính máy ảnh là một tấm màn che trước mắt nhưng chúng ta không nhận ra điều đó”.
Cách giải quyết: Tốt hơn hết bạn nên ngồi lại và tận hưởng mọi thứ. Đắm mình trong vẻ đẹp và tham gia vào các hoạt động sẽ khiến tinh thần bạn mạnh mẽ hơn.
Không tập thể dục
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry (Mỹ), chỉ cần tích cực vận động hơn 3 lần/ tuần, bạn sẽ giảm được 19% nguy cơ bị trầm cảm.
Một nghiên cứu của Đại học London cũng phát hiện những người thường xuyên vận động ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn so với những người khác. Bởi mỗi khi họ hoạt động thì nguy cơ trầm cảm giảm 6%.
Cách giải quyết: Cần nhận ra sự lười vận động của cơ thể để tiến hành tập thể dục. Không cần phải đi bộ đường dài mà bạn có thể đi cầu thang, đi bộ nhiều khi làm những việc vặt trong nhà.
Trì hoãn công việc
Đó là khi nói về công việc mà bạn đang đặt ra hoặc đang được giao. Nếu bạn đang trốn tránh nhiệm vụ đối với công việc vì bạn sợ thất bại đã khiến bạn trì hoãn kế hoạch ban đầu. Chính điều này khiến hệ thần kinh bị tàn phá nặng nề, làm cho cuộc sống trở nên u buồn, căng thẳng.
Cách giải quyết: Khi gặp khó khăn trong quá trình giải quyết vấn đề thì hãy giúp não bộ giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc, chạy bộ, tham gia vào một hoạt động giải trí nào đó.
Bạn nhìn cuộc sống một cách nghiêm trọng
Nhà nghiên cứu Leonard khuyên: “Hãy tìm cách để cười nhiều hơn”. Và “Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy cười là liều thuốc tác dụng nhanh đối với chứng lo âu và trầm cảm".
Cách giải quyết: Để cười, bạn nên tìm kiếm điều hài hước mỗi ngày như xem một chương trình truyền hình hài hước, nghe chuyện cười trên radio, hoặc dành thời gian với bạn bè - những người làm cho bạn cười. Bạn thậm chí chỉ cần chơi với trẻ em cũng đủ chết cười với các trò tinh quái của chúng.
Bạn thiếu ngủ
Theo Phó giáo sư Diedra L. Clay, PsyD- chủ tịch của bộ phận tư vấn tâm lý và sức khỏe tại Đại học Bastyr cho biết: "Giấc ngủ ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ cảm xúc, tinh thần đến các hoạt động của cơ thể".
Cách giải quyết: Hãy xác định thời gian ngủ cần thiết và cố gắng ngủ đủ. Nếu bị khó ngủ, hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao và khắc phục, tạo môi trường yên tĩnh khi ngủ.
Không có thời gian cho bản thân
Giữa bộn bề công việc, con cái, gia đình và các hoạt động khác, bạn không thể tìm thấy một chút thời gian cho riêng mình. Điều này dễ khiến bạn rơi vào trầm cảm và lo âu. “Dành thời gian cho chính mình là rất quan trọng, dù đó là 10 phút, một giờ hay một ngày”, Leonard nhấn mạnh.
Cách giải quyết: Cần lên kế hoạch thời gian cụ thể để có thời gian chăm sóc bản thân.
Bạn không thực sự chuyện trò với mọi người
Nếu bạn chủ yếu sử dụng tin nhắn hay Facebook để giữ liên lạc với bạn bè, đó là sự tiếp xúc không có ý nghĩa. Bởi theo Clay: “Facebook là để giải trí". "Trò chuyện trên Facebook không phải là cuộc đối thoại thực sự cho phép chúng ta hiểu mọi người. Thay vào đó, nó làm giảm những trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta".
Cách giải quyết: Hãy cố gắng sắp xếp một gặp gỡ với một người bạn, thành viên trong gia đình hoặc có cuộc hẹn với đối tác ít nhất 1 lần/tuần.
Kè kè điện thoại bên mình
Lúc nào cũng kè kè điện thoại bên mình không phải là một dấu hiệu tốt. "Nếu chúng ta luôn luôn dùng điện thoại, chúng ta sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi thực sự và phục hồi cơ thể lẫn trí óc. Cuối cùng, điều này có thể biến thành trầm cảm hoặc lo âu”, Clay giải thích.
Cách giải quyết: Hãy tránh xa các thiết bị 1 lần/ tuần dù chỉ là nửa ngày.
Bạn là người đa nhiệm vụ
Bạn ăn trưa tại bàn làm việc, lướt Facebook trong khi xem TV, và nhắn tin liên tục vì muốn làm được nhiều thứ hơn trong cùng một khoảng thời gian. Điều này hoàn toàn không nên, vì nghiên cứu cho thấy khi bạn thực hiện đa nhiệm vụ cùng lúc, bạn không biết đến môi trường xung quanh, không thể giao tiếp hiệu quả và càng thêm căng thẳng.
Cách giải quyết: Tốt nhất là đặt điện thoại xuống, tắt truyền hình và chú ý đến những gì bạn đang làm và những gì đang xảy ra xung quanh bạn.