Cô gái Sài thành chia sẻ bí quyết giành học bổng thạc sĩ của Chính phủ Đan Mạch

27/10/2021 06:44
Nguyễn Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022, Copenhagen Business School giữ vị trí thứ 15 trong khối ngành kinh tế trên thế giới.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Tài chính và Quản trị tại Trường kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch (Copenhagen Business School).

Theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022, Copenhagen Business School giữ vị trí thứ 15 trong khối ngành kinh tế trên thế giới.

Từ trải nghiệm thực tiễn đến ước mơ du học Bắc Âu

Tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Trường Đại học Ngoại thương (Thành phố Hồ Chí Minh), Hồng Hạnh may mắn có cơ hội được làm việc tại bộ phận tài chính của công ty Unilever và FrieslandCampina Việt Nam.

Tại đây, trong quá trình làm việc, nữ sinh 9x đảm nhận những vai trò khác nhau ở bộ phận tài chính. Trong đó có hỗ trợ quản lý tài chính cho những phòng ban như phòng hành chính, nhân sự hay hỗ trợ về ngân sách cho các nhãn hàng.

“Tôi nhận thấy tài chính có sự liên hệ mật thiết với những quyết định của công ty, dù là to hay nhỏ cũng khó thực hiện thành công nếu như không có một kế hoạch tài chính rõ ràng dựa trên tình hình và đường lối chiến lược của doanh nghiệp”, Hồng Hạnh chia sẻ.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Tài chính và Quản trị tại Trường kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch (Copenhagen Business School).

Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Tài chính và Quản trị tại Trường kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch (Copenhagen Business School).

Từ những trải nghiệm thực tế đó trong thời gian làm việc, Hồng Hạnh thấy rằng bản thân cần có nền tảng lý thuyết sâu hơn ở lĩnh vực tài chính, trau dồi thêm tư duy chiến lược để áp dụng tốt hơn cho công việc sau này.

Sau hơn 4 năm tích lũy kinh nghiệm, đồng thời mong muốn có cơ hội được khám phá thêm về thế giới xung quanh, cô gái 9x quyết định tạm gác lại công việc, dành thời gian để học lên cao học.

Trong quá trình tìm hiểu, Hạnh cảm thấy yêu thích với môi trường làm việc và học tập ở các nước Bắc Âu. Do vậy, nữ sinh Sài thành quyết định nộp hồ sơ học bổng vào 3 quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Tháng 1/2020, Hồng Hạnh nhận tin vui khi trúng tuyển học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của Chính phủ Đan Mạch, trị giá khoảng 1,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hạnh còn nhận thư mời nhập học và học bổng từ các trường: Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển), Đại học Gothenburg (Thụy Điển) và Trường kinh doanh BI Norwegian (Na Uy).

“Một điểm đặc biệt trong học bổng mình nộp đó là, Trường kinh doanh Copenhagen không yêu cầu về CV, thư giới thiệu hay bài thi GMAT (bài kiểm tra đo lường khả năng ngôn ngữ, toán học và viết của sinh viên muốn theo học ngành quản trị kinh doanh sau đại học). Hồ sơ chỉ yêu cầu về điểm trung bình (GPA), chứng chỉ tiếng Anh và bài luận”, Hạnh nói.

Theo Hạnh, nếu GPA không thật xuất sắc, ứng viên có thể chia sẻ rõ hơn qua bài luận, thể hiện những mục tiêu và kinh nghiệm có được để chứng minh năng lực bản thân.

Trong bài luận, ngoài việc đề cập đến lý do tại sao chọn Đan Mạch để du học, về lý do chọn trường, chọn ngành, Hạnh còn chia sẻ về những kỹ năng, kinh nghiệm có được từ quá trình học tập và làm việc.

“Mình chia sẻ về hoạt động ngoại khóa đã tham gia. Điều mình học được về cách vận hành, lên kế hoạch, quản lý thời gian và làm việc nhóm. Mình cũng nói rõ hơn về những việc đã làm, lý do tại sao, cách mình làm và thực hiện cùng ai, kết quả ra sao và việc vận dụng những kinh nghiệm đó trong quá trình học thạc sĩ cũng như trong công việc sau này thế nào”, Hạnh kể.

Ngoài ra, trong hồ sơ, trường còn yêu cầu nộp bản mô tả các môn học ở đại học. Ứng viên phải mô tả những môn đã học với số tín chỉ cụ thể để trường có thể biết rõ ứng viên đáp ứng nhu cầu theo học tại trường.

Ngoài việc học, Hồng Hạnh tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Ngoài việc học, Hồng Hạnh tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Những trải nghiệm tuyệt vời tại xứ sở Đan Mạch

Mặc dù, gặp không ít khó khăn về sự thay đổi môi trường sống, thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ,… nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, nữ sinh Sài thành đã có những trải nghiệm tuyệt vời tại Đan Mạch.

“Điều mình thích nhất ở đây có lẽ là lối sống, đó là việc mọi người vừa tập trung làm việc hết sức lại vừa biết cách cân bằng với việc hưởng thụ cuộc sống. Bên cạnh đó là sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa mọi người ở Đan Mạch nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung.

Ví dụ, ở trường học sinh viên và giảng viên sẽ xưng hô với nhau bằng tên thay vì họ đi kèm chức danh như nhiều nước khác. Việc này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên cảm thấy tự tin, thoải mái khi chia sẻ những thắc mắc, bày tỏ quan điểm với giảng viên”, Hạnh chia sẻ.

Hiện tại, Hồng Hạnh vừa bắt đầu kì học đầu tiên năm hai tại trường. Thời gian đầu, Hạnh vừa kết hợp học trực tuyến đan xen với một số buổi học trực tiếp trên lớp.

Ngoài việc học, Hạnh còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này. Sau một thời gian hòa nhập với cuộc sống nơi đây, nữ sinh 9x làm công việc bán thời gian trong mảng phân tích dữ liệu tại một công ty tư vấn chuyên về mạng lưới tổ chức doanh nghiệp.

“Đan Mạch với thị trường việc làm nhỏ, dân số chỉ hơn 5 triệu dân nên việc tìm kiếm công việc đối với sinh viên cũng khá là gay gắt và cạnh tranh. Tuy nhiên, đây còn được coi là “đất nước ưu ái cho tinh thần đổi mới và sáng tạo”, do vậy sẽ là nơi tập hợp của nhiều công ty nổi tiếng, những công ty dù lớn hay nhỏ cũng đều cần sự hỗ trợ của các bạn sinh viên.

Để có được công việc ở đây mặc dù là bán thời gian nhưng các bạn cũng cần thể hiện được bản thân đem lại được những giá trị nhất định cho công ty”, Hạnh cho biết.

Nói về dự định trong thời gian tới, cô gái Sài thành cho hay, mục tiêu ngắn hạn sau khi học xong sẽ dành từ 1-2 năm làm việc tại môi trường các nước châu Âu để tích lũy thêm những hướng tiếp cận tiên tiến, học hỏi những điều mới trong cách giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài chính và quản trị.

Sau đó, Hạnh sẽ quay trở về Việt Nam để đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm mà mình học được trong thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Nguyễn Kim Anh