Cô giáo gác lại hạnh phúc riêng, đồng ý cho chồng ra ở trọ để chống dịch

04/08/2021 09:35
Hữu Đức
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều thầy cô nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình, cùng nhau chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch, bất chấp mọi nghịch cảnh.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiên nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo Sở Y tế Bình Dương, tính đến 6h00 ngày 03/8/2021, tỉnh ghi nhận thêm 519 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 18.326 ca. Tính đến 2/8, toàn tỉnh hiện có 1.598 khu vực phong tỏa với 151.969 người; 130 điểm cách ly tập trung với 20.238 người đang cách ly và 2.653 trường hợp F1 cách ly tại nhà.

Trước tình hình đó, hàng trăm giáo viên tại Bình Dương đã tình nguyện tham gia hỗ trợ cùng với đội ngũ y tế phòng chống dịch. Trong số đó, không ít thầy cô nỗ lực vượt qua những hoàn cảnh khó khăn riêng của gia đình, sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch.

Càng trân trọng hơn khi mà nhiều thầy cô đã được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình, cùng nhau chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch, bất chấp mọi nghịch cảnh.

Quyết tâm chống dịch, chấp nhận để chồng ra ở trọ

Phụ trách nhóm trưởng nhóm giáo viên tình nguyện chống dịch COVID-19 ở thành phố Thuận An, cô Đặng Thị Minh Hoàng, giáo viên trường mầm non Hoa Mai 3 (xã An Sơn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) phải thường xuyên đi vào tâm dịch để hỗ trợ đội ngũ y tế phòng, chống dịch.

Để đảm bảo an toàn cho người thân, cô Hoàng phải chọn giải pháp tạm để chồng dọn ra nhà trọ ở.

Cô Đặng Thị Minh Hoàng, giáo viên trường mầm non Hoa Mai 3 (trái) tham gia hỗ trợ test nhanh COVID-19 tại khu phong tỏa. Ảnh: CTV

Cô Đặng Thị Minh Hoàng, giáo viên trường mầm non Hoa Mai 3 (trái) tham gia hỗ trợ test nhanh COVID-19 tại khu phong tỏa. Ảnh: CTV

Cô Minh Hoàng cho biết, hai vợ chồng bàn bạc và cân nhắc kỹ rồi mới đi đến thống nhất. Làm như thế, vừa tiện lợi công việc làm hiện tại của chồng, vừa ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người bạn đời nếu không may bản thân bị mắc COVID-19.

“Hơn 1 tháng nay, kể từ ngày anh ấy ra nhà trọ ở, tôi phải ở một mình, cảm giác buồn tẻ là khó tránh khỏi. Hằng ngày, sau khi thu xếp xong công việc, thường khoảng 20 giờ là vợ chồng gọi điện thoại chia sẻ công việc và động viên nhau cùng cố gắng”, cô Hoàng kể và cho biết hai vợ chồng có kế hoạch sinh con vào hè năm nay, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đành tạm hoãn.

Cô Hoàng nói: "Mình không thể đứng ngoài cuộc, đành tạm gác lại hạnh phúc riêng và những dự định cá nhân để chung tay vì cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh".

Cũng liên quan tới nơi ở an toàn đối với giáo viên tham gia chống dịch, cô Vương Trần Huyền Trân, giáo viên trường trung học cơ sở Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã chủ động cho mượn nhà để đội tình nguyện chống dịch của trường làm nơi ở tạm.

Lý giải về điều này, cô Trân cho biết, là người đang trực tiếp vào tuyến đầu chống dịch nên rất thấu hiểu nỗi lo sợ lây nhiễm cho người nhà nếu không may bản thân bị nhiễm bệnh. Việc có chỗ ở riêng sẽ đảm bảo an toàn cũng nhưtạo điều kiện để anh em an tâm làm tốt nhiệm vụ. Hơn nữa, cô Trân ở một mình, nhà lại có hai tầng với đầy đủ phòng chức năng và lối đi riêng biệt nên rất tiện lợi cho tình nguyện viên chống dịch của trường sử dụng làm nơi ở tạm thời.

Tập thể giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 (Bình Dương) phân chia nhu yếu phẩm để phân phát cho bà con trong khu phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Tập thể giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 (Bình Dương) phân chia nhu yếu phẩm để phân phát cho bà con trong khu phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Là một trong số 4 giáo viên trong đội tình nguyện của trường đang ở tạm nhà cô Trân, thầy giáo Nguyễn Hoàng Phúc cho biết đã hơn 3 tuần chưa về nhà, đôi lúc hơi buồn nhưng khi nghĩ đến số ca nhiễm trong cộng đồng ngày một tăng, nguy cơ thiệt hại tính mạng người dân đang chực chờ từng ngày, từng giờ thì tinh thần quyết tâm càng cao hơn.

“Việc phải ở tạm bên ngoài như thế này là điều không mong nuốn, nhưng bù lại 4 anh em lại có dịp cùng ăn, cùng ở, cùng làm, giống như những tháng ngày sinh viên trước đây, từ đó tình cảm đồng nghiệp càng trở nên khăng khít hơn”, thầy Phúc cho hay.

Vợ chồng chung tay chống dịch

Tuy có con nhỏ, cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vẫn tình nguyện đăng ký tham gia phòng chống dịch tại phường, hàng ngày làm các món ăn, nước mát gửi cho các chốt chặn đang làm nhiệm vụ.

Cô Hương cho biết, chồng cô là anh Phạm Xuân Lý là một “trợ thủ đắc lực” vừa đảm bảo công việc gia đình vừa tham gia hỗ trợ chống dịch.

“Những buổi không đi làm như chủ nhật, anh ấy phụ vợ phân phát rau củ quả cho những người có hoàn cảnh khó khăn, ở trọ, người già trong khu phố”, cô Hương chia sẻ.

Vợ chồng cô Lê Thị Thu Hương (trái) trao nhu yếu phẩm cho lực lượng trực chốt kiểm soát COVID-19. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng cô Lê Thị Thu Hương (trái) trao nhu yếu phẩm cho lực lượng trực chốt kiểm soát COVID-19. Ảnh: NVCC.

Cùng là giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3, cô Đàm Thị Thảo có chồng là anh Nguyễn Văn Thuyết, công tác tại đơn vị Tiểu đoàn Quân y 24, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 7. Chồng tham gia phòng chống dịch tuyến đầu nên mấy tháng nay chưa được về nhà, gia đình lại có 2 con còn rất nhỏ nhưng cô Thảo vẫn thu xếp chuyện gia đình để tham gia công tác phòng chống dịch cho địa phương.

“Mỗi ngày, cố gắng vừa trông con vừa tranh thủ làm thức uống, thức ăn gửi cho các anh em làm nhiệm vụ ở chốttrực phòng, chống dịch COVID-19. Những lúc địa phương có yêu cầu hỗ trợ công tác phòng chống dịch như nhập liệu, mình gửi con cho người thân để cùng tham gia”, cô Thảo cho biết.

Nói về hoạt động chống dịch của trường, cô Lê Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Hòa 3 cho hay, hiện nay ngành y tế thì quá tải, thấu hiểu điều đó nên tập thể giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 đều tích cực đăng ký tham gia tình nguyện là để “chia lửa” cùng lực lượng y tế, hỗ trợ họ với mong muốn góp một chút sức lực nhỏ vào công việc chống dịch COVID-19.

Theo cô Thúy, hơn 2 tháng nay, nhà trường đã phân công các thầy cô thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tình nguyện làm những công việc khác nhau bao gồm nhóm thầy cô ở tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm ở khu cách ly; nhóm thầy cô hỗ trợ tại địa phương :tặng những bữa ăn nhanh, tự tay hỗ trợ những ly nước mát, nhu yếu phẩm,… tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ.

Nhiều giáo viên tự bỏ tiền túi để tặng quà cho gia đình khó khăn do ảnh hưởng đại dịch này. Mọi người cùng nhau góp sức, mỗi người đóng góp một chút nhằm giúp đỡ những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bảo vệ canh chốt trong những ngày tỉnh Bình Dương giãn cách toàn xã hội.

Cô Đàm Thị Thảo, giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 (phải) tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung. Ảnh: CTV

Cô Đàm Thị Thảo, giáo viên trường tiểu học Phú Hòa 3 (phải) tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung. Ảnh: CTV

Riêng cô Đàm Thị Thảo là trường hợp khá đặc biệt, có chồng là bác sĩ trực 24/24 ở bệnh viện để chống dịch, 2 đứa con đều rất nhỏ mà nhiều hôm vẫn tham gia phân chia nhu yếu phẩm ở phường đến tận chiều tối. Đồng nghiệp biết hoàn cảnh đã khuyên về sớm, nhưng cô Thảo nói: “Tranh thủ để kịp trao cho bà con, còn các bé ở nhà thì em đã thu xếp ổn thỏa rồi”!

Những đóng góp, hy sinh ấy của các thầy cô giáo thật đáng quý, đang góp phần quan trọng tạo thành sức mạnh cùng với nhiều lực lượng khác đưa Bình Dương vượt qua đại dịch.

Hữu Đức