Tình trạng kháng sinh đang là nỗi lo lắng hàng đầu của các chuyên gia y tế. Ngỡ chuyện xa xôi nhưng đến khi chính con mình là nạn nhân, không ít bà mẹ đã kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức.
Chị Nguyễn Thị Phượng – Ba Đình (Hà Nội) mới đây chia sẻ hình ảnh con gái đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Trung ương cùng kết quả kháng sinh đồ.
Tình trạng kháng kháng sinh đang là mối lo cho tất cả các bác sĩ. |
“Cảm ơn trời Phật. Con gái của mẹ đã bình an trở về nhà. Mong các mẹ đừng hở ra là mua kháng sinh dùng khi không có đơn của bác sĩ. Mong những người chăn nuôi đừng tùy tiện sử dụng các sản phẩm có chứa chất kháng sinh.
Bởi bất cứ lúc nào, bạn và người thân cũng có thể là nạn nhân của tình trạng kháng kháng sinh”, chị Phượng chia sẻ.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị và con gái 3 tuổi vừa trở về từ bệnh viện sau cả tháng điều trị.
Bé lúc đầu nhập viện tuyến dưới với triệu chứng ho, sổ mũi. Bác sỹ chẩn đoán con bị viêm phế quản Sau khi nằm viện được ít ngày, bé được thăm khám và kết luận viêm phế quản, viêm phổi. Con không đáp ứng thuốc điều trị.
Hơn một tuần, tình trạng bắt đầu chuyển biến xấu, con phải thở oxy. Bé nhập viện và với tiên lượng của bác sĩ tuyến trên là gia đình chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.
Khi bác sĩ cầm kết quả cấy đàm làm kháng sinh đồ của con và giải thích cho gia đình, vi khuẩn trong cơ thể con kháng hầu hết các loại kháng sinh điều trị kể cả các thế hệ kháng sinh mới nhất.
“Kết quả chụp X-quang những ngày tình trạng con xấu nhất phổi trắng xoá do loại vi khuẩn mà kháng sinh thế hệ thứ 2, thứ 3 đều bó tay. Để cứu được, không chỉ kết hợp nhiều loại kháng sinh mà bác sĩ phải thay đổi nhiều phác đồ và chi phí điều trị cực kỳ tốn kém.
Con dùng những loại kháng sinh lên đến 7, 8 triệu đồng một lọ và phải sử dụng nhiều lần, kết hợp nhiều loại. Cũng may, gia đình tôi vay mượn nên dù với bất cứ giá nào, gia đình cũng mong bác sĩ cố gắng”, chị Phương kể lại.
Chị Phượng tâm sự, chị cùng từng đọc bài chia sẻ của một bác sĩ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai về trường hợp khoa mới tiếp nhận một bệnh nhân viêm phổi vì siêu vi khuẩn từ tuyến dưới chuyển lên, kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường. Nhưng chị không nghĩ, có lúc, gia đình chị có người rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, kháng sinh có thể chữa khỏi mọi bệnh tật. Trong y học, kháng sinh là thuốc được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra. Nếu chúng ta lạm dụng, sử dụng sai sẽ làm yếu đi loại vũ khí diệt khuẩn này.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc kháng sinh. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh.
Ảnh minh họa |
Việt Nam hiện nay được xếp vào trong nhóm các nước kháng thuốc kháng sinh cao nhất, do việc sử dụng thuốc kháng sinh rộng rãi và kéo dài không đúng chỉ định. Hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Nguyên nhân chính làm gia tăng là việc sử dụng kháng sinh tùy tiện không có đơn của bác sĩ, người dân tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định.
Theo các bác sĩ, kháng sinh là chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật, có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác. Để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, cần nắm vững những kiến thức liên quan đến kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh và người bệnh.
Cần lưu ý những bất lợi khi sử dụng kháng sinh như tiền sử dụng thuốc, cơ địa dị ứng của bệnh nhân, luôn sẵn sàng cấp cứu sốc phản vệ khi sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó cần theo dõi lâm sàng, đặc biệt đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận. Đặc biệt lưu ý với nhóm bệnh nhân trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người già, người đang sử dụng nhiều thuốc.
Các loại kháng sinh có thể diệt được vi khuẩn nhờ những tác dụng chính như ức chế tổng hợp màng tế bào của vi khuẩn, kích hoạt các men phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, tăng tính thấm màng tế bào vi khuẩn, cản trở tổng hợp protein và chuyển hóa acid nucleic của vi khuẩn.
Sự kháng kháng sinh của vi khuẩn một phần là do tự nhiên vì quá trình đấu tranh để sinh tồn của vi khuẩn, một phần là do sử dụng kháng sinh không đúng cách.
Để góp phần chung tay ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua Bộ Y tế, trong đó Cục Quản lý Dược đã rất nỗ lực và tập trung vào việc quản lý hệ thống các nhà thuốc, siết chặt quy định, bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.
Hy vọng, với sự triển khai quyết liệt của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, tình trạng trên sẽ sớm được kiềm chế.