Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe
Cách đây 130 năm, Thụy Điển từng có một tai nạn tàu lửa làm chết rất nhiều người. Đây cũng là vụ tai nạn đáng sợ nhất trong lịch sử ngành đường sắt thế giới cả về mức độ thương vong và nguyên nhân của nó – tàu khách và tàu hàng “đấu đầu” khi đang chạy với tốc độ cao.
Cuộc điều tra được tiến hành qua một thời gian rất dài nhưng không thể tìm ra nguyên nhân, cho tới một lần tình cờ chuyên gia tâm lý đưa cho người lái tàu may mắn sống sót vài cuộc len thì phát hiện ra anh ta không nhận ra màu đỏ.
Lúc ấy, người ta mới biết được nguyên nhân chính xác gây nên vụ tai nạn thảm khốc là do người lái tàu bị… mù màu.
Mù màu là bệnh có ảnh hưởng bởi gen di truyền. ảnh: Sức khỏe đời sống. |
Mù màu không ảnh hưởng tới trí tuệ
Những tài liệu mang tính hàn lâm khẳng định, người bình thường sẽ cảm nhận được ba dải ảnh sáng: xanh lá cây - đỏ - xanh da trời. Não bộ cảm nhận ba dải ánh sáng này, thông qua các tế bào trong võng mạc chứa những sắc tố quang – gọi là tế bào nón.
Vậy nhưng với người bị mù màu, tế bào nón mất khả năng phân biệt màu sắc, cho nên khả năng xử lý các dải ánh sáng của mắt trái với lẽ thường.
Khoa học phân chia bệnh mù màu thành hai dạng: Một là dạng tam sắc (phổ biến nhất), nghĩa là bệnh nhân có đủ các tế bào nón cảm nhận ba dải ánh sáng, nhưng một trong số chúng luôn có phản ứng bất thường.
Dạng thứ hai ít phổ biến hơn là dạng nhị sắc – bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng cảm nhận một trong ba dải ánh sáng.
Theo ngôn ngữ mà các bác sĩ thường dùng thì mù màu còn gọi là rối loạn sắc giác và may mắn là nó không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể cũng như sinh sản và tuổi thọ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh, Bệnh viện mắt Trung ương, chia sẻ: “Mù màu tức là bị mất khả năng cảm nhận một trong ba dải ánh sáng, nói nôm na có nghĩa là họ sẽ không nhìn được những màu cơ bản là đỏ hoặc xanh, cũng có thể cả hai màu đó, nhưng vẫn nhìn được một số màu khác.
Mỗi một người bệnh lại có những biểu hiện khác nhau và thường chỉ phát hiện ra khi trẻ đã nhận thức rất rõ ràng về thế giới xung quanh”.
Quả vậy, cuộc sống với rất nhiều gam màu khác nhau tạo nên những câu chuyện diệu kỳ, đôi khi chỉ trong sự tưởng tượng chúng ta cũng đã nghĩ tới sự kết hợp giữa nhiều màu sắc với nhau.
Những đôi mắt không thể phân biệt được màu sắc sẽ là những đôi mắt buồn, có thể vẫn là đôi mắt rất đẹp, nhưng “vô hồn” trong thế giới của xanh-đỏ-tím-vàng…
Tuy nó không có tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến não bộ của người bệnh, nhưng rõ ràng việc không phân biệt được màu sắc sẽ gây ra nhiều trở ngại trong học tập, làm giảm chất lương cuộc sống và công việc.
Người bệnh không thể theo được các ngành như hội họa, kiến trúc và sẽ rất nguy hiểm nếu xử dụng các phương tiện giao thông có tốc độ cao.
Cảnh giác với khả năng di truyền
Theo y văn, mù màu là một tật bẩm sinh, xuất hiện từ mấy thế kỷ trước, nhưng lúc ấy chưa ai tìm ra nguyên nhân do tình trạng bệnh ít phổ biến và khoa học cũng chưa đủ điều kiện nghiên cứu.
Những tài liệu cũ có nhắc tới nhà vật lý học John Dalton (người đặt nền móng cho lý thuyết nguyên tử, mất năm 1844) được coi là người đầu tiên phát hiện ra bệnh mù màu.
Chuyện kể rằng, vào ngày Noel, John Dalton mua một đôi tất màu gụ biếu mẹ. Khi bà mẹ bóc hộp quà ra thì bảo rằng tuổi tác lớn rồi đi tất đỏ không phù hợp nữa. Dalton thấy lạ, mang đôi tất hỏi nhiều người khác thì vẫn chỉ có một kết quả: màu đỏ!
Lúc bấy giờ, ông mới biết mình không nhận ra màu đỏ và xanh và đặt tên cho hiện tượng này là: bệnh mù màu.
Đó là lý do vì sao vẫn có người gọi bệnh mù màu vẫn được gọi là bệnh Dalton.
Có những thống kê khá thú vị liên quan tới căn bệnh này, ví như người phương Tây bị nhiều (8-9%) thì người phương Đông chỉ bị 4-5%, tỷ lệ bệnh nhân nam cũng nhiều vượt trội so với nữ. Vì sao vậy?
Ngày nay, khoa học cũng đã chứng minh được rằng, mù màu là căn bệnh bị di truyền rất nhiều, nó liên quan tới cặp nhiễm sắc thể giới tính (ở nam là XY và nữ là XX).
Các gen quy định bệnh mù màu nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X và là gen lặn. Con gái phải nhận cả gen mù màu của cha và mẹ thì mới bị, nhưng con trai chỉ cần nhận nhiễm sắc thể X từ mẹ đã bị mù màu, đó cũng là lý do vì sao nam bị mù màu nhiều hơn nữ.
Do vậy, khi kết hôn thì phụ nữ cần tìm hiểu xem bạn trai có gen này không, bởi việc cả bố và mẹ có gen này sẽ có tỷ lệ di truyền cho con gái rất cao.
Với trường hợp một nhà có hai con trai cùng bị mù màu thì nhiều khả năng do di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể và cũng có trường hợp đột biến, tức là trong nhà không có người bị nhưng một trong số các con hoặc cháu vẫn mù màu.
Khoa học hiện đại đã có rất nhiều nghiên cứu về căn bệnh này, nhưng cho tới nay chưa có tín hiệu nào khả quan cho thấy căn bệnh này sẽ được chữa khỏi.
Sự phức tạp của nó nằm ở chỗ có liên quan tới gen nhiễm sắc thể, để can thiệp được vào cấu trúc này có lẽ các nhà khoa học sẽ cần thêm khá nhiều thời gian nữa.
Tuy nhiên, những bà mẹ tương lai vẫn có thể kiểm soát được khả năng bệnh mù màu có xảy đến với bé yêu hay không nhờ vào các thông tin di truyền hoặc sự phát triển khác thường của thai nhi do bác sĩ kết luận trong giai đoạn trước sinh.