“HIV/AIDS”, căn bệnh thế kỷ mà chắc chẳng còn xa lạ gì với mọi người đã giết chết hàng triệu người mỗi năm. Có lẽ, vì sự quái ác của căn bệnh này nên mọi người đều e dè khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV. Là một người cầm bút, tôi cũng từng nghe nhiều lời khuyên từ người thân, bạn bè: “Đừng, dễ nhiễm lắm đấy! Không sợ à…???”.
Có, tôi cũng sợ chứ, nhưng nếu không tiếp xúc, tâm tình với họ thì mình sao có thể hiểu được cuộc sống của họ, nỗi khổ của họ…
“Sống nay, chết mai”
Được sự giới thiệu của các bác sĩ tại Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), sau nhiều ngày liên lạc, cuối cùng tôi cũng gặp được anh T.- một bệnh nhân đã sống chung với HIV được gần 8 năm. Điều đầu tiên cảm nhận về anh là sự tự tin, không hề có chút rụt rè nào. Không những vậy, anh còn rất vui và thoải mái khi thấy tôi: “Chào em, liên hệ viết bài hả? Có gì anh chia sẻ cho, không có gì phải ngại đâu…”.
Không biết từ khi nào tôi bị cuốn vào câu chuyện của anh, những mặc cảm, sự sợ hãi trong tôi cũng dần biến mất. Đặc biệt, lối kể chuyện pha chút hài hước của anh khiến tôi thay đổi định kiến về người nhiễm HIV.
Theo anh T. kể, anh là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo tại huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Do hoàn cảnh gia đình, anh chỉ học hết cấp 2 rồi đi làm sớm. “Ngày đó, gia đình anh nghèo lắm em à, học hết cấp 2 là anh bỏ học đi làm phụ bố mẹ. Bản tính lúc đó cũng gọi là hiền nhất xóm, chăm chỉ chịu khó. Có lẽ vì thế mà nhiều cô đổ anh lắm nhé!”- anh T. vừa kể vừa cười to.
Sau 2 năm lập gia đình, vợ chồng anh có với nhau 2 cô con gái. Do cuộc sống ngày càng khó khăn, anh T. quyết định lên Hà Nội với mong muốn kiếm thật nhiều tiền gửi về cho vợ con. Do chưa “va chạm” nhiều nơi phố thị, chỉ sau 2 tháng lên Hà Nội, anh T. đã bị bạn bè lôi kéo vào những tệ nạn như lô đề, mại dâm... Chuyện gì đến cũng đã đến, anh bàng hoàng khi phát hiện mình bị nhiễm HIV.
“Khi biết bị nhiễm HIV, mọi thứ với anh đều đen tối. Anh lang thang hết ngày này đến ngày khác, không dám liên lạc với vợ con. Đắn đo mãi, cuối cùng anh đành phải nhờ người báo tin cho gia đình rằng mình đã trốn đi nước ngoài làm ăn, có thể sẽ không quay về. Lúc đó, anh cũng chỉ nghĩ được đến đó, nhiễm căn bệnh này thì về làm gì, lang thang sống nay chết mai thôi...”- anh T. nhớ lại.
Nghe anh T. kể đến đây, tâm trí tôi bỗng chững lại, khi cảm nhận được nỗi buồn trong mắt anh. Chỉ một sai lầm, cuộc sống đã làm thay đổi hoàn toàn một con người, có khi nó cũng đẩy ta đến bước đường cùng không thể quay lại.
Mảnh đời hồi sinh
Sau khi cắt hết mọi liên lạc với gia đình, anh T. tiếp tục lang thang trên Hà Nội làm nghề thu lượm ve chai với thu nhập ít ỏi để sống qua ngày. Bệnh tình ngày càng xấu hơn, anh cũng bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh mình đang mắc phải. Qua tìm hiểu và giới thiệu của một số người, anh tìm đến Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm và được các bác sĩ tư vấn về phác đồ, chi phí điều trị.
Ngày 8/3/2019, 63 tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế” nhằm tuyên truyền việc quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả chi phí thuốc ARV cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tới đông đảo người dân.
Đây là một trong những dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị HIV nói riêng tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh- Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), nếu không tham gia Bảo hiểm y tế, hằng năm người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản chi phí rất lớn. Vì vậy, điều trị ARV thông qua Bảo hiểm y tế sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân.
Mới nghe qua, anh T. đã định bỏ ra về bởi số tiền quá lớn. Tuy nhiên, sau một hồi được bác sĩ giải thích, anh mới biết mình thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ tham gia Bảo hiểm y tế và được cấp thuốc ARV điều trị miễn phí.
“Lúc đó, bao gánh nặng, suy nghĩ trong đầu được giải tỏa, y như cuộc sống của anh sắp được hồi sinh”- anh T. nhớ lại.
Rút tấm thẻ Bảo hiểm y tế ra khoe với tôi, anh T. xúc động kể tiếp, trước đây anh nặng gần 70kg, nhưng sau biến cố sụt chỉ còn hơn 40kg. Cơ thể mẩn ngứa, loang lổ kèm theo bệnh lao quái ác hành hạ. Thế nhưng, khi được hỗ trợ điều trị miễn phí bằng thuốc ARV, sau vài tháng, sức khỏe của anh dần được cải thiện, ăn uống cảm thấy ngon miệng hơn và bắt đầu tăng cân trở lại.
“Tất cả nhờ tấm thẻ này em à. Nó đã cứu vớt cuộc đời anh, bao chi phí từ thuốc điều trị bệnh, chi phí xét nghiệm và bây giờ là thuốc ARV”- anh T. mừng rỡ nói.
Sức khỏe tốt hơn, anh T. bắt đầu đi tìm việc làm. Thế nhưng, ở đâu anh cũng chỉ làm được thời gian ngắn, do chủ biết anh nhiễm HIV nên cho thôi việc, thậm chí lắm lúc còn bị quỵt lương. Cũng may, sau này anh được một người bạn biết chuyện và đồng cảm nên chỉ cho nghề sửa chữa điều hòa, rồi cho mượn chút vốn làm ăn nên mới thoát cảnh lang thang…
Đến năm 2017, sau khi việc điều trị bệnh tiến triển, anh đã liên lạc lại với gia đình, đón vợ và con gái lên Hà Nội ở cùng. May mắn thay, anh nhận được sự yêu thương, động viên, quan tâm chăm sóc từ vợ con, nhất là luôn làm theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh lây nhiễm bệnh... Đây là cái kết đẹp cho sự cố gắng không ngừng của một con người quay đầu hoàn lương và mong muốn mình không phải là người “ngoài lề” của xã hội...
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng KCB Bảo hiểm y tế; khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế. Năm 2019, năm đầu tiên triển khai Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ở 188 cơ sở và dự kiến đến hết năm sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ Bảo hiểm y tế. Số tiền quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán ước tính khoảng 130 tỉ đồng/năm. |