Cứu trợ thiên tai, văn bản quy phạm pháp luật nếu không còn phù hợp thì phải sửa

23/10/2020 05:59
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không nên vì một số ý kiến cá nhân, trái chiều mà ngăn cản hoạt động tự nguyện của những người hảo tâm.

Lũ lụt gây thiệt hại kinh tế, sinh mạng người dân và một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang các tỉnh Bắc Trung bộ khiến cho câu chuyện tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức cá nhân thu hút sựu quan tâm của dư luận, lãnh đạo Chính phủ và đại biểu Quốc hội.

Một số tổ chức, cá nhân viện dẫn Nghị định 64/2008/NĐ-CP, theo đó chỉ có một số tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP.

- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Với quy định này, hoạt động cứu trợ với tư cách cá nhân của các văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm, nhà sư,… là không đúng với quy định của pháp luật!!!

Rất nhiều hoạt động trong hệ thống chính trị như giáo dục, y tế, giao thông,… đang được Nhà nước khuyến khích xã hội hóa, tức là động viên các tổ chức phi chính phủ, tư nhân tham gia xây dựng, vận hành, quản lý.

Vậy vì sao lại vẫn dựa vào quy định trong Nghị định 148/2007/NĐ-CP, không cho cá nhân tham gia tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ?

Có phải chúng ta vẫn đang đi theo vết xe cũ, “cái gì không quản được thì cấm”?

Ca sĩ Thủy Tiên đến vùng lũ để cứu trợ bà con. (Ảnh: Facebook Thủy Tiên)

Ca sĩ Thủy Tiên đến vùng lũ để cứu trợ bà con. (Ảnh: Facebook Thủy Tiên)

Ngày 26/07/2019, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ý kiến:

“Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng,...”. [1]

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành từ năm 2008, nghĩa là đã qua 12 năm, trong khoảng thời gian đó, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước đã có những biến đổi rất sâu sắc.

Bên cạnh nhiểu mặt tích cực thì “Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”. [2]

Nhận định trên được nêu trong một bài báo của Tạp chí Tổ chức Nhà nước, cơ quan thuộc Bộ Nội vụ ngày 10/06/2020, nghĩa là thời điểm hiện tại.

Khi còn đương chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa Lê Khả Nguyên “ăn chặn” 129 triệu đồng tiền hỗ trợ thiên tai, bão lụt cho các gia đình thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn xã Xuân Sơn đã được báo chí đăng tải. [3]

Tại hai thành phố lớn nhất và quan trọng nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh:

“Cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn t‌ật Hà Nội thường xuyên tuồn hàng từ thiện bán ra ngoài”. [4]

“Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật chia chác tiền từ thiện của trẻ mồ côi”. [5]

Cần phải nói rằng hiện tượng ăn chặn tiền, hàng từ thiện cứu trợ thiên tai hoặc dành cho đối tượng thiệt thòi, việc bao che cho nhau nhận tiền hỗ trợ của nhà nước khi đại dịch Covid-19 bùng phát không phải là cá biệt.

Chính hiện tượng đó đã làm giảm niềm tin của không ít người mong muốn đóng góp của mình đến trực tiếp tay người cần mà không qua trung gian hay cơ quan được quy định.

Vấn đề ở chỗ hàng cứu trợ, dù chỉ là vài suất com từ thiện hay nhiều tỷ đồng được sử dụng như thế nào và cần cơ chế quản lý, sự minh bạch như thế nào?

Báo Vietnamnet.vn viết:

“Những người từng chứng kiến chuyện người đẹp làm từ thiện kể: trong các đợt công tác từ thiện, các người đẹp có nhiệm vụ là... không phải làm gì ngoài chuyện đến để có mặt, chụp hình đăng lên báo, rồi về”. [6]

“Diễn cảnh bị hành hung khi phát cơm từ thiện để PR (Public Relation - Quan hệ công chúng -NV), thêm một trò lố khiến dư luận ngán ngẩm”. [7]

Với những gì báo chí đăng tải, nếu chỉ nhìn vào hình ảnh người làm từ thiện liệu đã đủ?

Câu trả lời là chưa.

Câu hỏi này được đặt ra một cách nghiêm túc không phải vì không tin tưởng những nhà hảo tâm, những cá nhân đang lăn lộn tại vùng bị thiên tai cứu trợ người dân mà nhằm đề nghị thay đổi các quy định đã không còn phù hợp, cụ thể là Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Ban hành một Nghị định mới không phức tạp như một đạo luật và cũng không mất nhiều thời gian nếu Chính phủ dành sự quan tâm thích đáng.

Một Nghị định mới nên bao quát một số nội dung:

- Đưa khái niệm “Xã hội hóa” vào hoạt động từ thiện, không bó hẹp trong phạm vi một số cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

- Động viên sự đóng góp của cả cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái của hơn 90 triệu người Việt trong điều kiện nhân sách nhà nước còn hạn hẹp.

- Tạo hành lang pháp lý để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm việc làm thiện nguyện của mình không chỉ phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc mà còn không trái pháp luật, theo đó:

* Quy định về minh bạch tài chính trong hoạt động tiếp nhận, phân phát tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và cá nhân thực hiện.

* Quy định các cơ quan, tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng có thể (hoặc nên) tham gia giúp đỡ các cá nhân, các nhà hảo tâm hoạt động thiện nguyện;

* Quy định về kiểm tra, giám sát (có thể bao gồm cả kiểm toán).

- Quy định trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương với các tổ chức cá nhân hoạt động từ thiện trên địa bàn.

- Cơ chế động viên, khen thưởng, vinh danh và xử lý (nếu có sai phạm).

Không nên vì một số ý kiến cá nhân, trái chiều mà ngăn cản hoạt động tự nguyện của những người hảo tâm, không thể vì chưa có chế tài, vì chưa thể quản lý mà vận dụng quy định cũ, đã lạc hậu và không còn phù hợp.

Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết”, người dân hy vọng Chính phủ sẽ sớm thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, đưa hoạt động từ thiện đi vào nề nếp, xóa bỏ thói quen không quản được thì cấm./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Phong-chong-tham-nhung-khong-danh-trong-bo-dui/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-chu-tri-phien-hop-ve-phong-chong-tham-nhung/381663.vgp

[2] https://tcnn.vn/news/detail/47668/Thuc-trang-va-mot-so-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-o-Viet-Nam-hien-nay.html

[3] https://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/chu-tich-xa-an-chan-tien-ho-tro-thien-tai-cua-dan-2361971/

[4] https://vtc.vn/clip-can-bo-trung-tam-nhan-dao-an-chan-hang-tu-thien-cua-nguoi-gia-tre-tan-tat-ar500663.html

[5] https://baodautu.vn/tphcm--trung-tam-bao-tro-tre-tan-tat-chia-chac-tien-tu-thien-cua-tre-mo-coi-d121870.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nguoi-dep-lam-tu-thien-thien-nguyen-hay-chieu-pr-399.html

[7] http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/loi-song/artmid/2117/articleid/19264/dien-canh-bi-hanh-hung-khi-phat-com-tu-thien-de-pr160them-mot-tro-lo-khien-du-luan-ngan-ngam

Xuân Dương