Báo Nhandan.com.vn ngày 13/10/2020 đưa tin “40 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền trung. Trong đó, có 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn, ba thuyền viên trên biển, ba người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ). Có 12 người mất tích (tám người do lũ cuốn, bốn thuyền viên trên biển)”.
Trước đó, ngày 12/10/2020, đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quân khu 4 nắm tình hình chuẩn bị cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 đã hy sinh 13 người do sạt lở núi tại trạm kiểm lâm 67.
Vào 1 giờ sáng ngày 18/10/2020, khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở tỉnh Quảng Trị xảy ra sạt lở núi khiến 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi. Theo báo Tuoitre.vn hiện mới tìm thấy 12 thi thể.
Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm trong biển nước. (Ảnh: Nhandan.com.vn) |
Đối với người dân:
Trưa 18/10/2020, ông Đặng Trọng Vân – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - xác nhận đã tìm thấy 6 thi thể trong ngôi nhà bị sạt lở vùi lấp ở thôn Tà Rùng xã Húc, huyện Hướng Hóa.
Vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 18/10/2020, báo Laodong.vn đưa tin: “Mưa lũ tại miền Trung: Thương vong gia tăng từng ngày, 64 người đã tử nạn”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu:
“Chưa bao giờ cùng lúc chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai như sự việc lần này. Lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân cả nước sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những cống hiến, hi sinh của các đồng chí”.
Tình hình thiên tai, bão lũ tại miền Trung thực sự là thảm họa quốc gia và vì thế để huy động nhân tài vật lực cứu hộ, trợ giúp người dân, nhà nước nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc tuyên bố thảm họa môi trường theo thông lệ trên thế giới.
Mặt khác, do số lượng người dân, cán bộ, sĩ quan, tướng lĩnh và chiến sĩ tử nạn quá nhiều và số lượng còn có nguy cơ tăng thêm, khi điều kiện thích hợp, nhà nước nên tuyên bố quốc tang như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn làm./.