Đa Chiều ngày 5/4 bình luận, phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi "không bình luận" về vụ "hồ sơ Panama" là thiếu khôn ngoan, sai lầm. Ngày 7/4 Đa Chiều bình luận tiếp, trong khi "hồ sơ Panama" tiếp tục phanh phui các bê bối tài chính, trốn thuế của giới nhà giàu thì Trung Quốc vẫn "bịt tai giả điếc".
Hệ thống truyền thông Trung Quốc đều không được đưa một tin nào về vụ này, chỉ mỗi Thời báo Hoàn Cầu độc quyền về sự kiện. Cơ quan ngôn luận này của đảng Cộng sản Trung Quốc gán sự kiện "hồ sơ Panama" với âm mưu của "thế lực thù địch phương Tây" nhưng lại giấu nhẹm các thông tin liên quan đến hoạt động được cho là rửa tiền, che giấu tài sản của thân nhân các quan chức hàng đầu Trung Quốc.
3 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiệm có thân nhân được "hồ sơ Panama" đề cập là ông Tập Cận Bình, ông Trương Cao Lệ và ông Lưu Vân Sơn. Ảnh: The Straits Times. |
Trong khi đó ông Tập Cận Bình vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi, không chỉ trong nước mà còn ra phạm vi ngoài nước. Còn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ năm 2011 đã cảnh báo, rất nhiều quan chức cao cấp nước này chuyển tiền ra nước ngoài qua các kênh khác nhau với tổng số tiền lên đến 120 tỉ USD.
Bắc Kinh cũng đã thành lập các lực lượng "săn cáo" và biệt phái ra nước ngoài để tróc nã tham quan đang lẩn trốn. Việc này cho thấy, hoạt động rửa tiền của quan chức và thân nhân quan chức Trung Quốc ở nước ngoài là hoàn toàn có thật, không có gì phải giấu giếm, Đa Chiều bình luận.
Hiện tại những gì "hồ sơ Panama" tiết lộ cho thấy có ít nhất 3 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm và 2 cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 12 thời ông Hồ Cẩm Đào đã nghỉ hưu có dính đến nghi án rửa tiền ở nước ngoài.
Vì cho rằng chuyện này "nhạy cảm" nên các nhà chức trách Trung Quốc cấm rặt truyền thông không được đưa tin bình luận, đồng thời ngăn chặn mọi công cụ tìm kiếm trực tuyến trong phạm vi lãnh thổ quốc gia này.
Thời báo Hoàn Cầu: Vụ tài liệu Panama do "thế lực thù địch" phương Tây chống phá |
Đa Chiều cho rằng xử lý như vậy chắc chắn không thể làm người dân Trung Quốc tâm phục khẩu phục. Việc cần làm là các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên chấp nhận sự thật, đối diện vấn đề và điều tra ngành ngọn, không phải tìm mọi cách bịt tai giả điếc.
Cụ thể là các trường hợp ông Đặng Gia Quý - anh rể ông Tập Cận Bình có 3 công ty ở các "thiên đường trốn thuế" trước khi ông Bình lên nắm quyền và mở chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên khi ông Bình lên nắm quyền, 3 công ty này đã dừng hoạt động.
Con rể ông Trương Cao Lệ - Phó Thủ tướng và là thành viên quyền lực thứ 7 trong thường vụ Bộ chính trị, Lee Shing Put (Lý Thánh Bát) là cổ đông của Zennon Capital Management đăng ký tại quần đảo Virgin của Anh và 2 công ty khác, Sino Reliance Networks và Glory Top Investments.
Giả Lệ Thanh, con dâu ông Lưu Vân Sơn - ủy viên thường vụ Bộ chính trị phụ trách tuyên truyền, là cổ đông và thành viên hội đồng quản trị công ty Ultra Time Investment đăng ký tại Virgin, vương quốc Anh.
Bà Thanh là con gái cựu Bộ trưởng Công an Giả Xuân Vượng. Ông Vượng Nghỉ hưu năm 2003 với vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao.
Thân nhân của 2 ủy viên thường vụ Bộ chính trị khóa cũ đã nghỉ được "hồ sơ Panama" nhắc đến có: Tăng Khánh Hoài, em ruột ông Tăng Khánh Hồng - cựu Phó Chủ tịch nước. Lý Tử Đan, cháu ngoại ông Giả Khánh Lâm, cựu Chủ tịch Chính hiệp trung ương.
Ngoài ra các gương mặt "hạt giống đỏ" khác gồm Hồ Đức Hoa - con trai thứ 3 của Hồ Diệu Bang mở công ty Fortalent International Holdings Ltd ở Virgin năm 2003; Trần Đông Thăng - cháu rể ngoại của Mao Trạch Đông năm 2011 mở công ty Keen Best International Limited ở Virgin.
Trần Đông Thăng lấy Khổng Đông Mai - cháu ngoại Mao Trạch Đông. Năm 2013 cặp vợ chồng này được Forbes xếp hạng thứ 242 trong 500 người giàu nhất hành tinh. Trước đó truyền thông cũng đã nhắc đến Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng.