Tại sao căn bệnh khiến nhiều người sợ?
Chị Thiên Lý (Đội Cấn, Hà Nội) là dân văn phòng nên phải ngồi nhiều. Chị ngồi máy tính hơn 8 tiếng/ngày. Lại bận con nhỏ, nên chị Lý quay như chong chóng. Sáng dậy sớm, ngồi tranh thủ làm việc ở nhà, chuẩn bị cho con ăn uống đưa con đến trường. Đến cơ quan, chị ngồi lì bên máy tính.
Dân văn phòng hay bị đau lưng vì thoái hóa cột sống. |
Nếu phải ngồi nhiều, 2 giờ đồng hồ nên đứng lên đi lại, vận động. Nên tham gia tập thể dục, bơi là môn thể thao tốt để cơ lưng khỏe khi đó sẽ gánh đỡ sức nặng cơ thể cho cột sống.
PGS - TS Hà Kim Trung
PGS - TS Hà Kim Trung
Thời gian gần đây, chị Lý thấy đau vùng thắt lưng ghê gớm. Ngồi chỉ nửa tiếng là đau lưng, đứng nấu cơm đau, thậm chí đi bộ chỉ một đoạn là đau chân không đi nổi.
Đi khám, bác sĩ cho chụp X quang và chẩn đoán chị bị thoái hóa đốt sống lưng chèn vào dây thần kinh nên ngoài việc lưng bị đau, chị còn bị đau chân. Chị đã dùng thuốc Tây nhưng không thấy đỡ, chị tìm đến thầy thuốc Đông y để vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt.
Giáo sư – Tiến sĩ Dương Trọng Hiếu, nguyên trưởng khoa Tổng hợp, Viện Y học Cổ Truyền Trung ương đã điều trị cho chị Lý bằng châm cứu, kéo giãn đốt sống lưng, uống thuốc Đông y. Chị còn được đeo đai lưng hàng ngày khi ngồi.
Sau lần điều trị này, chị Lý còn uống cao xương dê, cao xương ngựa kết hợp tập thể dục. Dần dần, chị Lý khỏe lên trông thấy. Chị có thể ngồi lâu hơn, đi bộ dài hơn nhưng bệnh vẫn chưa triệt để khỏi. Nếu đứng lâu, ngồi lâu, chị vẫn bị đau lưng.
Còn chị Khánh Hòa, công tác tại một tờ báo điện tử bị thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống dày với biểu hiện đau lưng, càng đau hơn sau khi sinh con thứ 2. Lý do chị bị bệnh này có thể do di truyền hoặc do một lần chơi thể thao và bị chấn thương.
Mỗi khi ngồi xổm hoặc cúi xuống rất đau, thậm chí có lúc chị Hòa đứng còn không nổi. Bác sĩ cho đi làm vật lý trị liệu bấm huyệt nhưng không đỡ. Sau đó, bác sĩ tư vấn chị Hòa đạp xe, chị thực hiện thấy bệnh có tiến triển hơn nhưng không khỏi hẳn.
Cột sống là khung đỡ của toàn bộ cơ thể. Theo năm tháng, do ảnh hưởng từ môi trường, chế độ ăn uống, tư thế vận động, sinh hoạt, luyện tập và chịu sức nặng cơ thể mà bị yếu đi, lão hoá và sức nâng đỡ kém.
Theo PGS – TS Hà Kim Trung, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thần kinh, bệnh viện Việt Đức thì, căn bệnh này hay xảy ra ở những đối tượng làm ở văn phòng, lái xe hay phải ngồi nhiều, tư thế ngồi không đúng, ở những người béo, ít vận động. Cơ bị nhão nên đổ sức nặng lên cột sống.
Có người bị thoái hóa do tập luyện thể dục, hoặc luôn luôn làm việc ở một tư thế ít thay đổi.
Ngoài ra, những người có điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đầy đủ. Ở nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ.
Còn thoái hóa xảy ra ở nam giới thường do làm việc, lao động nặng quá sớm và quá sức. Ví dụ như mang vác, gồng gánh nặng từ lúc 12, 13 tuổi, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện.
Phương pháp điều trị mới ở người trẻ
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khoa Ngoại phối hợp với chuyên gia phẫu thuật thần kinh cột sống người Ý - Giáo sư Giancarlo Guizzardi đang tiến hành mổ ứng dụng kỹ thuật cố định mềm cột sống liên gai sau điều trị những bệnh nhân đau cột sống thắt lưng mạn tính có hoặc không có chèn ép thần kinh do các nguyên nhân khác nhau.
Đau cột sống thắt lưng là biểu hiện đầu tiên và xuyên suốt quá trình bệnh của người bệnh, theo thời gian thoái hóa cột sống kết hợp với các nguyên nhân khác mà này sinh thêm những bệnh gây chèn ép thần kinh gây khó khăn trong quá trình học tập và làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người mắc bệnh.
GS Giancarlo Guizzardi cho biết: Sau khi khám lâm sàng, chụp X quang, có thể dùng thuốc giảm đau, tiêm vào đốt sống đau đó. Nếu thấy giảm đau thì đốt sống chỗ đó có vấn đề.
Trước kia, để điều trị triệt để đau cột sống, ngoài việc giải ép thần kinh thì phải đóng đinh nẹp vít vào cột sống gây tâm lý có dị vật kim loại trong cơ thể kiến người bệnh lo lắng, hạn chế vận động của vùng thắt lưng có đóng đinh nẹp vít cột sống.
Kỹ thuật mới sử dụng vật liệu bằng silicon cố định mềm cột sống liên gai sau giúp đường mổ nhỏ hơn, không gây hạn chế vận động cột sống thắt lưng sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn và ít ảnh hưởng tới các thành phần xương vùng cột sống.
PGS – TS Hà Kim Trung, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thần kinh, bệnh viện Việt Đức cho rằng: Với người bị thoái hóa cột sống cần được khám lâm sàng, chụp X quang từ đó có biện pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu.
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng ảnh hưởng tới đĩa đệm gây ra thoái hóa, thoát vị đãi đệm; gây ra gai, viêm đĩa cùng, làm các dây chằng trục sau bị phì đại yếu. Hậu quả là cột sống mất vững, hẹp ống sống.
PGS Trung nói: “Nếu chỉ định phẫu thuật ngoại khoa với trường hợp thoái hóa đốt sống lưng không đúng sẽ gây lãng phí hoặc lạm dụng cũng không tốt. Chỉ tiến hành điều trị ngoại khoa khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa”.
Khi bệnh nhân được chỉ định ngoại khoa can thiệp, đưa vật liệu cố định động để hạn chế ưỡn, giảm gánh nặng cho khớp, giảm áp lực lên trục sau cột sống.
PGS Trung cho rằng, chỉ định kỹ thuật ngoại khoa cố định liên gai sau khi bệnh nhân bị đau thắt lưng mạn tính, có bệnh lý đĩa đệm lớn chèn ép nặng ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Bệnh nhân có dây chằng liên gai và trên gai suy yếu…
Kỹ thuật này cũng chỉ định cho bệnh nhân có bệnh lý đĩa đệm; hẹp lỗ ghép do cấu trúc mềm; thoát vị đĩa đệm lớn; bệnh nhân bị bệnh lý đĩa đệm kèm thoái hóa hệ thống dây chằng; trượt đốt sống độ 1 do thoái hóa và để chống thoái hóa đốt sống liền kề.
Với những bệnh nhân có triệu chứng trên được đeo áo nẹp một thời gian, cởi ra thấy đau, chụp X quang động thấy cột sống có biểu hiện mất vững, được chụp cộng hưởng từ và làm kỹ thuật ngoại khoa.
Để tránh bị thoái hóa, bác sĩ Trung tư vấn: Nếu phải ngồi nhiều, 2 giờ đồng hồ nên đứng lên đi lại, vận động. Nên tham gia tập thể dục, bơi là môn thể thao tốt để cơ lưng khỏe khi đó sẽ gánh đỡ sức nặng cơ thể cho cột sống.
Theo VTC News