Đã thấy loáng thoáng bóng dáng “nhóm lợi ích” ở tên đường, tên phố

02/12/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Vấn đề lấy tên các nhân vật lịch sử đặt cho đường phố, quảng trường, di tích tuy đã có một vài quy định song thực hiện lại không đơn giản.

Con đường dài nhất Việt Nam xuất hiện trong cuộc chống Mỹ cứu nước là đường Trường Sơn, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.

Con đường này được đoàn công binh 559 khởi công xây dựng từ năm 1959 chạy từ Miền Bắc vòng sang Lào, Campuchia vào Miền Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh”, theo đó đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 3.183 km đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố điểm đầu ở Cao Bằng, điểm cuối là Cà Mau.

Một số nước trên thế giới có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh như tại Angola, Algeria, Ấn Độ, Nga,…

Người viết luôn băn khoăn tự hỏi, ngoài thành phố Hải Dương có Đại lộ Hồ Chí Minh, còn nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là năm thành phố trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) có nơi nào có Đại lộ Hồ Chí Minh?

Vấn đề lấy tên các nhân vật lịch sử đặt cho đường phố, quảng trường, di tích tuy đã có một vài quy định song thực hiện lại không đơn giản.

Tại Hà Nội xưa (từ năm 1949) có phố Huyền Trân Công Chúa, đến năm 1964 phố này bị đổi tên thành phố Bùi Thị Xuân. [1] 

Chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai khi có tên đường Ngô Minh Dương trái phép
Chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai khi có tên đường Ngô Minh Dương trái phép

Trang thông tin điện tử Khamphahue.com.vn viết: 

“Thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông là kết tình hoà hiếu với lân bang, Huyền Trân công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. 

Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, châu Lý - vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam - đã sáp nhập vào nước Đại Việt”. [2]

Sau khi bà mất, nhiều triều vua đã sắc phong công chúa Huyền Trân là thần hộ quốc. 

Thành phố Hồ Chí Minh có đường Huyền Trân Công Chúa tại quận 1. Huế có khu Trung tâm văn hóa Huyền Trân rộng 28 ha dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây).

Nguyên nhân nào khiến nơi đặt tên, nơi xóa bỏ dù cả nước chung một thể chế?

Không thiếu chuyện cười ra nước mắt về tên phố như tại Hà Nội tự nhiên xuất hiện tên phố Ngô Minh Dương, Huyndai hay "Đường nước Phần Lan". Tại một con hẻm thuộc Thành phố Hồ Chí Minh vừa xuất hiện tấm biển ghi “Đường Park Hang Seo”,…

Gần đây thành phố Đà Nẵng có đề án đặt tên 137 tuyến đường trên địa bàn. Trong đó dự định sẽ lấy tên 2 giáo sĩ (linh mục) Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina đặt cho hai tuyến đường thuộc quận Hải Châu.

Nhiều người ủng hộ, nhiều người phản đối khiến Đà Nẵng tạm dừng.

Đà Nẵng tạm dừng việc đặt tên đường theo tên 2 giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina (Ảnh: Baovanhoa.vn)
Đà Nẵng tạm dừng việc đặt tên đường theo tên 2 giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina (Ảnh: Baovanhoa.vn)

Một trong những ý kiến ủng hộ là của Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông Hùng nêu quan điểm:

“Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là những người có công lớn tạo ra tiếng Việt hôm nay, đó là một thành tựu về khoa học và văn hóa…”.  [3]

Không biết có bao nhiêu người Việt tán đồng quan điểm của ông Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, rằng hai giáo sĩ nêu trên đã “có công lớn tạo ra tiếng Việt hôm nay”?

Người viết muốn biết ông Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam suy nghĩ thế nào về ý kiến của ông Phó Chủ tịch hội này?

Một số chuyên gia nói rằng công lao của hai vị giáo sĩ trên là dùng chữ cái Latinh “ghi âm” cách nói tiếng Việt thay vì dùng chữ Nôm hay chữ Nho, không biết các vị uyên thâm về ngôn ngữ có đồng quan điểm, rằng đây là “thành tựu về khoa học và văn hóa”?

Thời phong kiến, có tới 97% người Việt không biết chữ nhưng không ai không biết tiếng Việt, vậy “tiếng Việt hôm nay” mà ông Hùng cho là do hai vị linh mục “tạo ra” có khác với “tiếng Việt” trước khi các giáo sĩ theo các đoàn thuyền buôn xâm nhập vào nước Việt?

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội
Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội

Người Hoa dùng chữ tượng hình, nhìn chữ nếu không thuộc không thể đọc, khác với chữ tượng thanh nhìn vào là có thể phát âm.

Chính vì thế phiên âm Pinyin (còn được gọi là Bính âm hay Phanh âm) ra đời.

Đây là cách sử dụng chữ cái Latinh để phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông. Pinyin được đề xuất từ năm 1958 đến năm 1979 chính thức được áp dụng tại Trung Quốc.

Xét về lịch sử, Pinyin không phải do người Trung Quốc sáng tạo ra, nó bắt đầu từ các tu sĩ dòng Tên truyền giáo tại khu vực Ma Cao vào thế kỷ 16. 

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, “Tại Liên Xô một thứ Hán ngữ Latin hóa được chế tác cho người Trung Quốc sống ở Liên Xô.

Nó được gọi là Latin thoại (拉丁話) và rồi được phổ biến nhanh chóng tại Trung Quốc, đặc biệt là những khu vực do Đảng Cộng Sản kiểm soát”. [4]

Vậy có phải những người sáng tạo Pinyin để đọc tiếng Quan Thoại cũng là những người “Tạo ra tiếng Trung Quốc hôm nay”?

Về phía phản đối, một kiến nghị được lan truyền trên mạng xã hội có 11 người ký tên đã khiến xuất hiện nhiều tranh luận.

Một trong những luận điểm phía phản đối lấy tên 2 giáo sĩ đặt tên đường đưa ra là: 

“Chữ quốc ngữ có thể nói làm mất cả hồn dân tộc, việc dịch truyện Kiều ra chữ quốc ngữ đã làm mất đi một phần, nếu không nói mất đi rất nhiều giá trị của tác tác phẩm này.

Mặt khác, chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta”.

Thế có phải các bậc “uyên bác” ấy muốn người Việt trở lại dùng chữ Nôm, chữ Nho?

Trong bài báo “Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai?” đăng năm 2014, [5] người viết từng có ý kiến với Bộ Văn hóa về chuyện ngôi chùa mới xây trên đảo Bạch Long Vĩ viết toàn chữ Trung Quốc, thế là trên mạng xã hội có tác giả giận dữ la lối, rằng người viết “Giận Tàu chém chữ nho”,… 

Nơi người viết đang sống là một làng cách Hồ Gươm chừng chục cây số, mấy năm trước, các chức sắc trong làng quyên tiền xây cổng tam quan trước lối vào khu di tích lịch sử văn hóa (đã được xếp hạng). 

Bỏ công đi hỏi những người già trong làng, cả Bí thư chi bộ - một cán bộ về hưu và Trưởng thôn - một đại tá quân đội nghỉ hưu, không ai đọc được những chữ Trung Quốc viết trên đó và cũng chẳng ai biết nghĩa của dòng chữ đó là gì!

Đó không phải là xâm lăng văn hóa từ bên ngoài. Chính một bộ phận không nhỏ người Việt, ít nhất đã không tự bảo vệ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không thiếu sự nhầm lẫn giữa bảo vệ các giá trị văn hóa lịch sử và sự mơ hồ về tình hữu nghị.

Trong bài viết “Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia” [6] người viết từng đề nghị cần có sự chuẩn hóa “Quốc ngữ” bên cạnh Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Cụ thể là “Hiến pháp chưa có quy định cụ thể về Quốc ngữ”, nghĩa là chưa Hiến định “chữ viết và tiếng nói” (chính tả và phát âm) của người Việt. 

Chính điều này đã khiến hàng loạt công trình văn hóa tâm linh xây dựng gần đây thay vì buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ lại là chữ Trung Quốc.

Liệu có phải đó là một trong những nguyên nhân khiến người Việt không chỉ “lùn” về tầm vóc theo nghĩa đen mà còn tụt hậu cả về trí tuệ?

Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia
Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia

Cãi vã và ném đá đã trở thành trào lưu xấu khó bỏ của một bộ phận người Việt, trong đó có không ít người tự xem mình là tinh hoa, là hiểu biết hơn số đông còn lại?

Trở lại chuyện đặt tên đường phố ở Đà Nẵng, việc lấy tên những nhân vật có công với đất nước, dân tộc đặt tên đường là chuyện bình thường. Vấn đề là đánh giá công trạng của những nhân vật đó thế nào để mọi người đều nhất trí.

Sự nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên thế giới là không phải bàn luận, tuy nhiên người viết chưa tìm được thông tin một tên phố hoặc đại lộ mang tên ông tại các quốc gia khác ngoài Việt Nam.

Vậy nên Đà Nẵng tạm dừng việc lấy tên hai vị giáo sĩ đặt tên cho đường phố là việc làm kịp thời, cần được ghi nhận.

Về phía Chính phủ, đã đến lúc cần có một văn bản chi tiết, quy định việc lấy tên các nhân vật lịch sử đặt cho đường phố.

Trong đó cần chuẩn hóa những luận cứ khoa học, được các Hội đồng khoa học có uy tín xác nhận về nhân vật lịch sử dự định đặt tên đường, đặc biệt là người nước ngoài.

Dựa vào đề xuất của một nhóm người liệu có bóng dáng của “nhóm lợi ích”, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo?

Tài liệu tham khảo:

[1] “Từ điển đường phố Hà Nội”, NXB Hà Nội - 2010 

[2] http://khamphahue.com.vn/kham-pha/di-tich-di-san/tid/Kham-pha-ve-dep-di-tich-Huyen-Tran-cong-chua/newsid/B08C4ACC-1D60-41EB-B4CF-4FAEDE137038/cid/4EE56146-D26C-4783-898F-0EC4FA9BC944

[3] https://nld.com.vn/thoi-su/ve-kien-nghi-khong-dat-ten-duong-alexandre-de-rhodes-tu-choi-tham-gia-van-bi-ghi-ten-20191128221408459.htm

[4] https://chinese.edu.vn/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-phien-am-pinyin.html

[5] https://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Thua-ong-Bo-truong-Van-hoa-dau-la-phan-chim-cua-van-hoa-ngoai-lai-post149359.gd

[6] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/vai-suy-nghi-ve-giong-noi-va-bieu-tuong-quoc-gia-post148998.gd

Xuân Dương