Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội

20/12/2016 07:17
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Ở nội thành Thủ đô Hà Nội có hàng trăm đường phố mang tên các danh nhân tiêu biểu của đất nước. Tên tuổi của họ đã gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

LTS: Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016), Đại tá Đặng Việt Thủy điểm lại những con đường ở Hà Nội mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ở nội thành Thủ đô Hà Nội có hàng trăm đường phố mang tên các danh nhân tiêu biểu của đất nước. Tên tuổi của họ đã gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Trong đó có nhiều đường phố mang tên các vị tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công lao đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Sau đây là tên những đường phố đó, sắp xếp theo thứ tự thời gian được đặt tên:

Phố Nguyễn Chí Thanh: dài 1,8km, từ phố Kim Mã (ngã tư) đi giữa một bên là hồ Ngọc Khánh, một bên là Đài Truyền hình Việt Nam, cắt ngang qua đường La Thành, đến đường Láng, chỗ có cầu qua sông Tô Lịch. Đặt tên đường tháng 1/1998.

Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), tên thật là Nguyễn Vịnh, quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tham gia cách mạng 1934, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937.

Năm 1938, ông là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, từ 1938-1943 nhiều lần bị thực dân Pháp bắt cầm tù, tháng 8/1945 đến 1947 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách Xứ ủy Trung Bộ, được cử vào Tổng bộ Việt Minh, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên rồi Bí thư phân khu ủy Bình - Trị - Thiên.

Năm 1948-1950, ông là Bí thư Khu ủy Khu 4, nhập ngũ năm 1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng quân ủy (1950-1961), năm 1959 được phong Đại tướng.

Phố Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Phố Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Năm 1961-1964, ông được Ban chấp hành Trung ương cử phụ trách công tác nông nghiệp.

Năm 1965-1967 ông là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đường Hoàng Văn Thái: dài 980m, từ phố Lê Trọng Tấn đi về phía tây, qua chạc ba với phố Nguyễn Ngọc Nại, cắt ngang phố Vương Thừa Vũ, phố Tô Vĩnh Diện đến phố Khương Trung. Đặt tên đường tháng 1/1998.

Hoàng Văn Thái (1915-1986), Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1953), tên thật là Hoàng Văn Xiêm, quê xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; tham gia cách mạng năm 1936, nhập ngũ năm 1944, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938.

Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1941, ông chỉ huy tiểu đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Tháng 12 năm 1944 phụ trách công tác tham mưu trinh sát Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân...

Tháng 9 năm 1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức Bộ Tổng Tham mưu. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là tham mưu trưởng các chiến dịch: Biên Giới (1950), Điện Biên Phủ (1954)...

Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1958-1960 là Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, kiêm chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao nhà nước. Năm 1967-1973 Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1974-1986 là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1980, ông được phong Đại tướng. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III-V, đại biểu Quốc hội khóa VII.

Phố Lê Trọng Tấn: dài 900m, từ đường Trường Chinh - cạnh Bảo tàng Không quân - đi bên đường băng sân bay Bạch Mai cũ vào tới hết khu vực sân bay, gặp đường bờ tây sông Lừ. Đặt tên đường tháng 1/1998.

Lê Trọng Tấn (1914-1986), tên thật là Lê Trọng Tố, quê xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Nội; tham gia cách mạng năm 1944, nhập ngũ tháng 8/1945, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945.

Tháng 8/1945 là ủy viên quân sự trong ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Hà Đông.

Cuối năm 1045-1950 giữ các chức vụ: trung đoàn phó, trung đoàn trưởng, quyền khu trưởng Khu 14, Phó tư lệnh Liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209, phó chỉ huy trận Đông Khê và chỉ huy đánh Binh đoàn Sác-tông trong chiến dịch Biên Giới (1950).

Ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 312, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Từ tháng 12/1954 đến 1960 là Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân.

Tháng 3/1961 đến 1969, ông giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng; Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam.

Từ 1970-1979, ông là Phó tổng tham mưu trưởng kiêm: Tư lệnh Mặt trận Đường 9, đặc phái viên Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo chiến dịch Cánh Đồng Chum, Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên, Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 1, Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975).

Năm 1976-1977 ông là Phó Tổng tham mưu trưởng, kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cấp cao.

Tháng 12/1978 đến 1979 là Tư lệnh Mặt trận Tây Nam trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Từ 1980-1986 ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN, ủy viên Thường vụ Đảng ủy QS Trung ương, Ủy viên BCH Trung ương ĐCS VN khóa IV, V. Đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông được phong quân hàm Đại tướng năm 1984.

Phố Vương Thừa Vũ: dài 530m, từ đường Trường Chinh đến phố Hoàng Văn Thái, qua khu Đoàn Quân nhạc đóng. Phố có nhiều ngõ đánh số 1-7, gọi là ngõ Đoàn Quân Nhạc. Đặt tên đường tháng 1/1998.

Vương Thừa Vũ (1910-1980), tên thật là Nguyễn Văn Đồi, quê xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943, nhập ngũ tháng 8/1945.

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội ảnh 2

Tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” mãi mãi bất diệt!

Năm 1937, ông học Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Cuối năm 1941-1942 bị thực dân Pháp bắt, giam tại Bá Vân (Thái Nguyên). Ông được giác ngộ cách mạng, tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù.

Từ tháng 3 đến 7/1945 tham gia bạo động cướp chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng không thành; về Bắc Ninh xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện quân sự ở Chiến khu 2.

Năm 1946 tổ chức và chỉ huy bảo an binh Hà Nội, khu trưởng Khu 11 (Hà Nội) , chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội. Năm 1947-1948 khu phó Khu 4, Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên.

Tháng 4/1949 đến 1954 làm nhiệm vụ tổ chức và là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên Đại đoàn 308. Chỉ huy các chiến dịch: Sông Lô, Đường 4; tham gia các chiến dịch: Biên Giới, Trung Du, Đông Bắc, Hòa Bình, Tây Bắc...và Điện Biên Phủ (năm 1954).

Tháng 10 năm 1954 ông là Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Từ năm 1955 đến 1963 là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1964 đến 1980 là Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, kiêm Giám đốc Học viện quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964-1971). Năm 1974 ông được phong quân hàm Trung tướng.

Phố Nguyễn Sơn: dài 1,5km, từ đầu công viên Gia Lâm đến cổng sân bay Gia Lâm.

Nguyễn Sơn (1908-1956), tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội; tham gia cách mạng 1925, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1925, ông tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trường quân sự Hoàng phố (Trung Quốc).

Tháng 8/1927, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc; tham gia khởi nghĩa Quảng Châu. Năm 1929 tham gia Hồng quân công nông (Trung Quốc), chính trị viên đại đội, chính ủy trung đoàn, chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12.

Tháng 1/1934 ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước cộng xô viết Trung Hoa, ủy viên Chính phủ dân chủ công nông xô viết trung ương.

Năm 1934-1936 ông tham gia Vạn lý trường chinh; Tổng biên tập báo "Kháng địch" của Biên khu Tân - Sát - Ký.

Năm 1945, ông về nước, làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Năm 1946-1947 Hiệu trưởng Trường lục quân trung học Quảng Ngãi; Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu; Khu trưởng Khu 4.

Năm 1948 được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1948-1949, Tư lệnh kiêm chính ủy Liên khu 4. Năm 1950 được cử trở lại Trung Quốc.

Năm 1954 là Cục phó Cục điều lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc; Giám đốc tòa soạn tạp chí "Huấn luyện chiến đấu"; ngày 27/9/1955 ông được nhà nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Ông là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia và đều ngay trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Năm 1956 ông bị bệnh nặng, về nước và mất ở Hà Nội.

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội ảnh 3

Chính sách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày toàn quốc kháng chiến

Phố Trần Đăng Ninh: dài 700m, từ đường Cầu Giấy qua khu làng Quốc tế vòng sang đường Nguyễn Phong Sắc. Đặt tên đường tháng 7/1999.

Trần Đăng Ninh (1910-1955), Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp (Chủ nhiệm đầu tiên của ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam) giai đoạn 1950-1955; quê xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; tham gia cách mạng năm 1930, đảng viên ĐCS VN năm 1936, nhập ngũ năm 1950.

Năm 1939, ông là ủy viên thành ủy Hà Nội, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân. Năm 1940 là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, được cử về Bắc Sơn tham gia lãnh đạo củng cố phong trào cách mạng, lập ủy ban cách mạng, tổ chức du kích, xây dựng căn cứ.

Tháng 5/1941 là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941-1943 hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tù chung thân.

Tháng 3/1945 vượt ngục lần thứ hai, ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách Chiến khu Hoàng Hoa Thám.

Tháng 8/1945 được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban khởi nghĩa. Cuối năm 1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đặc trách xây dựng căn cứ địa Việt Bắc.

Năm 1947 là Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó tổng thanh tra Chính phủ.

Năm 1950-1955 ông là Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp, ủy viên Tổng quân ủy, kiêm trưởng ban cung cấp chiến dịch Biên Giới (1950), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết từ năm 1941).

Phố Nguyễn Viết Xuân: dài 250m, từ phố Lê Trọng Tấn đến phố Nguyễn Ngọc Nại. Trước khi có tên dân tự đặt là phố Khương Mai. Đặt tên đường tháng 7/1999.

Nguyễn Viết Xuân (1934-1964), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1967), quê xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; nhập ngũ năm 1952, thiếu úy (1964), đảng viên ĐCS VN (1956); khi hy sinh là chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn pháo phòng không 14 thuộc Sư đoàn 325.

Năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị chiến sĩ trinh sát phòng không.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trận đánh máy bay Mỹ ở Cha Lo (Quảng Bình) ngày 18/11/1964, Nguyễn Viết Xuân là chính trị viên đại đội pháo phòng không, cùng đại đội trưởng chỉ huy đơn vị bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu.

Bị thương 3 lần, không rời vị trí chỉ huy. Khi bị gãy đùi bên phải, Nguyễn Viết Xuân đề nghị y tá cắt bỏ cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu, động viên đồng đội "nhằm thẳng quân thù mà bắn".

Lời động viên đã trở thành khẩu hiệu cổ vũ quyết tâm chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ lực lượng phòng không ba thứ quân.

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội ảnh 4

Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" và lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch

Phố Bùi Ngọc Dương: dài 400m, từ phố Thanh Nhàn qua trường Đảng quận Hai Bà Trưng đến phố Hồng Mai. Đặt tên đường tháng 7/1999.

 Bùi Ngọc Dương (1943-1968), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1969), quê phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; nhập ngũ năm 1967, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1968); khi hy sinh là chuẩn úy, trung đội phó thuộc Trung đoàn 7, Bộ tư lệnh Công binh.

Ngày 23/1/1968, trong trận Huội San (Quảng Trị), chỉ huy trung đội hạ độ dốc, làm bến lội để vận chuyển thương binh; phá 4 bãi mình (mỗi bãi dài gần 400 m, rộng 20 m), mở đường cho bộ binh tiến công.

Khi mở thông đường, dùng súng 12,7mm trên xe tăng diệt một số hỏa điểm địch; bị thương nặng Bùi Ngọc Dương vẫn không rời vị trí chiến đấu cho đến lúc hy sinh.

Phố Vũ Xuân Thiều: dài 675m, từ quốc lộ 5 đến Công ty Công nghiệp thực phẩm Ngọc Lâm ( phường Sài Đồng, quận Long Biên). Đặt tên đường tháng 7/1999.

Vũ Xuân Thiều (1945-1972), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1994), quê gốc ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đang học năm thứ ba khoa Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa tình nguyện nhập ngũ năm 1965, được tuyển đi học lái máy bay ở Liên Xô.

Năm 1968 về nước, phiên chế vào Đoàn bay 921 rồi chuyển sang Đoàn 927 Không quân Việt Nam. Đêm 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay quân sự Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bay đến vùng trời Sơn La thì gặp máy bay B52 của Mỹ đang đánh vào Hà Nội. Vũ Xuân Thiều tấn công, máy bay B52 của địch bốc cháy, vì ở cự ly quá gần anh đã hy sinh cùng lúc lập chiến công.

Phố Nguyễn Phúc Lai: dài 370m, từ đường La Thành - xế cổng trường Đại học Văn hóa - đi chéo xuống dốc vào làng Hoàng Cầu, đến hồ cá Đống Đa. Đặt tên đường tháng 7/1999.

Nguyễn Phúc Lai (1928-1947), quê xã Chi Long, huyện Nam Xương (nay là huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông sống ở Hà Nội, nhập ngũ Vệ quốc đoàn tháng 4/1946.

Kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, Nguyễn Phúc Lai là tiểu đội trưởng thuộc trung đội 1, đại đội 2, tiểu đoàn 56, trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Liên khu III.  

Ngày 6/1/1947 quân Pháp tấn công nống ra phía tây, bao vây làng Giảng Võ, Nguyễn Phúc Lai cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm chặn địch trên đê La Thành và cạnh làng Giảng Võ, dùng bom ba càng đánh xe tăng địch và hy sinh, là liệt sĩ của Hà Nội trong 60 ngày đêm chống Pháp.

Phố Phùng Chí Kiên: dài 800m, từ đường Hoàng Quốc Việt qua Công ty Bánh kẹo Tràng An, Khu tập thể Học viện Kỹ thuật quân sự đến ngã ba kế tiếp. Trước có tên là đường 800A. Đặt tên đường tháng 7/2000.

Phùng Chí Kiên ( 1901-1941), có tên là Nguyễn Vĩ, quê xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).

Năm 1926, ông sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, rồi vào học trường quân sự Hoàng Phố.

Tháng 12 năm 1927 tham gia khởi nghĩa Quảng Châu. Năm 1933-1934 học Đại học Phương Đông (Maxcơva). Năm 1934 tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại ĐCS Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập chuẩn bị triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc ĐCS Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc, năm 1935); được đại hội bầu vào thường vụ BCH TƯ phụ trách công tác đảng ở nước ngoài.

Năm 1936 về Sài Gòn hoạt động. Năm 1938 tham gia củng cố ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài và xuất bản báo "Đồng thanh" ở Côn Minh (Trung Quốc). Cuối năm 1940 tham gia huấn luyện 40 cán bộ cốt cán Việt Nam tại Quảng Tây.

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội ảnh 5

Hà Nội mùa đông năm 1946

Tháng 5/1941 tham dự hội nghị trung ương lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào BCH TƯ; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1.

Ba lần bị thực dân Pháp bắt (1931, 1937 và 7/1941). Ngày 22/8/1941 ông đã hy sinh trong chiến đấu. Phùng Chí Kiên được truy phong là cán bộ quân đội cấp tướng.

Phố Tô Vĩnh Diện: dài 500m, từ phố Nguyễn Ngọc Nại chỗ ngã tư với phố Vương Thừa Vũ vào đến doanh trại quân đội. Đặt tên đường tháng 7/2000.

Tô Vĩnh Diện (1924-1954), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1956), quê xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nhập ngũ năm 1949, đảng viên ĐCS VN (1949); khi hy sinh là khẩu đội trưởng pháo phòng không, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), khi kéo pháo ra, đến đoạn xuống Dốc Chuối, Tô Vĩnh Diện và pháo thủ Ty xung phong cầm càng lái pháo.

Khi dây tời chính bị đứt, pháo lao nhanh và khó điều khiển, pháo thủ Ty bị càng pháo đánh bật ra, Tô Vĩnh Diện vẫn bám càng, điều khiển hướng lao của pháo, bất chấp nguy hiểm lấy thân mình đẩy càng vào vách núi cho pháo dừng lại. Tô Vĩnh Diện đã hy sinh.

Phố Phan Đình Giót: Dài 400m, từ đường Giải Phóng, gần Cầu Trắng, qua Học viện Giáo dục - Đào tạo đến cổng Công ty May X20. Đặt tên đường tháng 7-2000.

Phan Đình Giót (1922-1954), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1955), quê xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; nhập ngũ năm 1950, đảng viên ĐCS VN (1952); khi hy sinh là tiểu đội phó thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312.

Trong trận mở màn diệt cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954 (chiến dịch Điện Biên Phủ), khi Phan Đình Giót phá hàng rào cuối cùng thì bị thương, lực lượng xung kích của Tiểu đoàn 428 xung phong vào cứ điểm thì bị địch trong lô cốt bắn cản dữ dội.

Phan Đình Giót nhanh chóng trườn lên dùng tiểu liên, lựu đạn diệt hỏa điểm địch, đạn hết, hỏa điểm thứ 3 vẫn chưa bị diệt.

Phan Đình Giót liền lao cả thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam.

Phố Cù Chính Lan: dài 600m, từ đường Trường Chinh đến phố Hoàng Văn Thái. Đặt tên đường tháng 7/2000.

Cù Chính Lan (1930-1951), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (truy tặng năm 1952); quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; nhập ngũ năm 1946, đảng viên ĐCS VN (1951); khi hy sinh là tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 353, Đại đoàn 304.

Trận Giang Nại, Ninh Bình ngày 29/5/1951 đơn vị đánh địch trên đường 59, Cù Chính Lan mượn mã tấu của dân, xông vào tước súng một tên địch và cùng đơn vị chiến đấu đến thắng lợi.

Trận Giang Mỗ ngày 13/12/1951 (chiến dịch Hòa Bình) một xe tăng Pháp phản kích gây cho bộ đội nhiều thương vong, Cù Chính Lan dũng cảm nhảy lên tháp xe tăng, mở nắp và thả lựu đạn vào xe.

Địch trong xe nhặt lựu đạn tung ra và quay tháp pháo hất Cù Chính Lan xuống đường. Quyết không để xe tăng địch thoát, Cù Chính Lan chạy theo đường tắt đón đầu xe tăng địch và lần này mở chốt, đợi cho lựu đạn xì khói mới thả vào trong xe, diệt xe tăng địch.

Trận đánh đồn Cô Tô ngày 29/12/1951, Cù Chính Lan hai lần bị thương, nén đau, chỉ huy tiểu đội phá hai hàng rào mở đường cho đơn vị xung phong đánh chiếm cứ điểm và hy sinh.

Phố Ngô Xuân Quảng: dài 1,3km, từ quốc lộ 5 rẽ qua đường sắt ngã tư Trâu Quỳ, đi qua trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm vào Trường Đại học Nông nghiệp 1. Đặt tên đường tháng 7/2001.

Ngô Xuân Quảng (1945-1972), quê Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội; liệt sĩ được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhập ngũ năm 1965.

Lúc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, Ngô Xuân Quảng ở đơn vị phòng không - không quân, đánh máy bay Mỹ hàng trăm trận, ba lần bị thương nặng nhưng vẫn giữ vị trí cùng đơn vị bắn rơi nhiều máy bay địch.

Đầu năm 1971 vết thương cũ tái phát, anh vẫn hành quân cùng đồng đội, đường trơn, xe đổ, anh bị chấn thương cột sống, liệt cả hai chân.

Ngô Xuân Quảng hy sinh ngày 5/7/1972, lúc ấy là thiếu úy, đại đội phó pháo cao xạ, Tiểu đoàn 21, Sư đoàn 375.

Phố Hoàng Sâm: dài 500m, từ đường Hoàng Quốc Việt qua Khu tập thể Học viện kỹ thuật quân sự đến ngã ba Công ty Điện tử Sao Mai. Đặt tên đường tháng 2/2003. Trước đây còn gọi là ngõ 151 đường Hoàng Quốc Việt.

Hoàng Sâm (1915-1968), tên thật là Trần Văn Kỳ, đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Quê xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ông tham gia cách mạng năm 1933, đảng viên ĐCS VN (1930),  nhập ngũ năm 1944, được phong Thiếu tướng năm 1948. Năm 1934-1935 bị mật thám Thái Lan bắt giam, rồi trục xuất sang Trung Quốc.

Năm 1937-1939 là tỉnh ủy viên Cao Bằng, thường trực tỉnh ủy phụ trách cơ quan in và công tác giao thông liên lạc ở biên giới.

Năm 1940-1943 đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (1941); tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Cạn...

Tháng 12/1944 ông là đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chỉ huy đánh trận Phai Khắt và Nà Ngần (12/1944); tham gia Ủy ban giải phóng, phụ trách quân sự khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên).

Năm 1946-1950 ông là Khu trưởng Khu 2, chỉ huy Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3.

Năm 1952 là phái viên Bộ Quốc phòng, tham gia chiến dịch với các đại đoàn 312 và 304.

Tháng 7/1952 là Tư lệnh Liên khu 3. Năm 1953-1954 là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, chỉ huy tiếp quản Sơn Tây, Hà Đông; Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, chỉ huy tiếp quản Hải Phòng.

Năm 1965-1968 ông là tư lệnh các quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 3, Trị - Thiên. Đại biểu Quốc hội khóa II, III.

Phố Hoàng Đạo Thúy: dài 1,1km, từ đường Lê Văn Lương, qua khu chung cư 17 tầng của đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, đến đường Trần Duy Hưng. Đặt tên đường tháng 8/2005.

Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), Cục trưởng đầu tiên Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng; quê xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội; tham gia cách mạng năm 1944, nhập ngũ 1945, đảng viên ĐCS VN (1947), đại tá (1958).

Năm 1945 là đại biểu Quốc dân đại hội Tân Trào; trưởng phòng thông tin mật mã đầu tiên của Bộ Quốc phòng.

Năm 1946-1947 ông là Giám đốc Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1948 là Cục trưởng: Cục Giao thông công binh, Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu.

Năm 1949-1954 là Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng. Năm 1954 phụ trách Trưởng ban thông tin liên lạc chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1962 ông chuyển ngành sang Ủy ban Dân tộc Trung ương. Đại biểu Quốc hội khóa II, III.

(Mời bạn đọc đón xem tiếp kỳ 2)...

Tài liệu tham khảo chính:
- Nhiều tác giả, "Lược sử tên phố Hà Nội", Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, H.1964.
- Giang Quân, "Từ điển đường phố Hà Nội", Nxb Hà Nội, H. 2008.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, H. 2004.

Đại tá Đặng Việt Thủy