Những ngày đầu năm 2019, người dân ở quận Cẩm Lệ và quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tá hỏa vì nước sinh hoạt có vị lợ, xuất hiện cặn đen, bẩn.
Ông Nguyễn Hữu Kiên (Quận Cẩm Lệ) bức xúc cho biết, nước sinh hoạt nhà ông mấy ngày nay liên tục bị đổi màu ố vàng, nước có vị lạ gây cảm giác bất an, khó chịu.
Ông Lưu Công Lĩnh (số nhà 105/14 Bình Thái 1, Quận Cẩm Lệ) cho phóng viên xem chiếc khăn bịt vòi rửa chén của gia đình ông đã đổi màu đen, ông Lĩnh cho biết gia đình ông dùng khăn ướt gấp làm 2 lớp bịt đầu vòi sử dụng trong một tuần thì chuyển sang màu đen làm cả gia đình ông rất hoang mang. Nước đổ ra xô chậu cũng thấy vẩn đục, không trong như bình thường.
Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm |
Chị Vũ Mai Anh (quận Thanh Khê) cho hay, chị đã dùng khăn bịt đầu ống nước của gia đình trong 4 ngày, sau đó bỏ ra thì thấy khăn bị ố vàng rất đáng sợ.
“Mấy ngày trước thấy nước có vị lợ gia đình đã nghi rồi, giờ kiểm tra lại ra kết quả như thế này thì thật sự quá lo lắng cho chất lượng nước sạch của Đà Nẵng.
Có khi nào họ chỉ bơm lên chứ chưa kịp xử lý vì nhu cầu sử dụng nước của người dân cao quá?”, chị Mai Anh băn khoăn.
Không chỉ khu vực quận Cẩm Lệ và Thanh Khê, tại khu vực quận Sơn Trà cũng gặp tình trạng tương tự, chị Phan Tiên (Quận Sơn Trà) cho biết, nước sinh hoạt của gia đình chị có mùi lạ, vị lạ chứ không phải vị lọc như mọi khi, tình trạng này xuất hiện từ ngày 10.2. 2019.
Nhiều người dân khác cũng bày tỏ những âu lo và chia sẻ một số thông tin nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo của gia đình mình. (1)
Vào tháng 4/2019, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đánh giá chương trình giám sát chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt và giám sát môi trường cho thấy, qua thu thập 3.155 mẫu, chỉ có 57,91% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý; 95,63% mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh. (2)
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, đòi hỏi các cơ quan liên quan đến môi trường cần phải có biện pháp căn cơ, giải pháp đồng bộ để đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nước.
Nước quá bẩn, người dân phải dùng vải bịt ở đầu vòi, hy vọng có thể giữ lại phần nào các chất bẩn. Nước bẩn như vậy sẽ khiến người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh tật. |
Tại Thủ đô Hà Nội, cư dân ở các khu vực đang sử dụng nước sinh hoạt từ nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhưng có một đặc điểm chung là người dân không có quyền lựa chọn nguồn nước và cũng không kiểm soát được nước nhà máy bơm ra bán cho dân có đảm bảo sạch không?
Chỉ đến khi nhận thấy các thiết bị đồ dùng tiếp xúc với nước bị ố bẩn, quần áo giặt qua nước này bị chuyển màu thì mới mang đi xét nghiệm, nhưng rồi họ vẫn phải đang dùng nước bẩn, vì không có sự lựa chọn nào khác và thành phố cũng chưa có biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.
Trong khi đó, ở nhiều khu vực khác thì người dân bắt buộc phải sử dụng hệ thống lọc riêng tại gia đình nước mới dám nấu ăn, thậm chí cá biệt có những khu vực dù đã lọc nhưng vẫn không thể uống được vì nước chuyển màu, có mùi hôi và rất nhiều cặn bẩn.
Có thời điểm, cư dân ở một số khu vực còn phải bỏ tiền mua nước đóng chai về ăn uống, còn "nước sạch" từ nhà máy chỉ dám dùng để tắm giặt.
Những hình ảnh khủng khiếp về nước sinh hoạt ở Hà Nội |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, cho biết: “Vấn đề nước sinh hoạt của người dân phải được coi là chủ đề quan trọng và đặt nó ở tầm tư duy chiến lược của quốc gia.
Thực tế cho thấy người dân ở nhiều khu vực tại Hà Nội và nhiều thành phố khác đang phải đối diện hàng ngày với những nguy cơ về sức khỏe do nước sinh hoạt không đảm bảo sạch đúng nghĩa.
Tại sao nỗi bức xúc này tồn tại nhiều năm qua mà chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để? Mấu chốt của vấn đề là những người lãnh đạo của thành phố, lãnh đạo của các sở ngành trực tiếp quản lý về nước sinh hoạt có thực sự quyết liệt?
Nhìn rộng hơn, tôi cho rằng nếu những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân không được đảm bảo, nhất là khi nó xảy ra ngay tại Thủ đô của đất nước thì thật khó để nói với nhân dân rằng chúng ta đang làm vì ai?
Quy định thì đã có rồi nhưng tại sao người dân lại vẫn phải trả tiền để nhận về nước bẩn? Đó là câu hỏi mà tôi cho rằng các đồng chí lãnh đạo các địa phương phải thực sự suy ngẫm, trăn trở”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội. ảnh: quochoi.vn |
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, từ rất nhiều phản ánh của người dân cho thấy để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự vào cuộc từ cả Quốc hội, Chính phủ.
“Hiện nay ở các địa phương đang có nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt khác nhau, có những nhà máy đã xây dựng từ lâu và công nghệ thì đã lạc hậu do đó khó mà đảm bảo nguồn nước sinh hoạt thật sự sạch cho người dân.
Điều vô lý là người dân bỏ tiền mua nước sạch thì vẫn phải nhận về nước bẩn, nhiễm nhiều kim loại nặng vượt quá mức độ cho phép, đó là chuyện không thể chấp nhận được. Mỗi năm có biết bao trường hợp mắc bệnh vì nước bẩn, và có biết bao nhiêu đứa trẻ lớn lên đã phải mang trong mình mầm bệnh vì nước bẩn?
Tôi cho rằng, cần có chỉ đạo ở tầm Chính phủ đưa ra yêu cầu tổng rà soát nước sinh hoạt trên toàn quốc, đồng thời Quốc hội vào cuộc giám sát để chấm dứt ngay tình trạng nước bẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân”, Đại biểu Hồng bày tỏ.
Các vết bẩn khủng khiếp do nguồn nước sinh hoạt gây ra. Nguồn nước này được cấp từ Công ty cổ phần nước sạch số 2. Hàng ngày người dân phải trả tiền mua "nước sạch" nhưng thực tế thì nước không hề sạch. Với chất lượng nước như thế này, liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là với các cụ già và các cháu học sinh. |
Tài liệu tham khảo:
(1). http://baovanhoa.vn/muc-cu/tin-tuc-thoi-su/artmid/429/articleid/15936/lai-hoang-mang-vi-chat-luong-nuoc-sach
(2). https://thanhnien.vn/suc-khoe/nguy-co-nuoc-uong-nuoc-sinh-hoat-nhiem-vi-sinh-tai-nhieu-khu-vuc-o-tphcm-1070292.html