Không phải đất nước nào cũng được thiên nhiên ưu đãi những cảnh quan tuyệt đỉnh như Vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng…
Không phải nhiều dân tộc có những di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận như dân ca quan họ Bắc Ninh, nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ…
Những yếu tố đó tạo nên nguồn lực quý báu cho nền công nghiệp không khói là Du lịch. Ngành Du lịch đã bỏ nhiều công sức để đưa ra câu khẩu hiệu: “Việt Nam, vẻ đẹp bất tận” nhằm thu hút khách năm châu.
Logo và slogan xúc tiến du lịch Việt Nam trong nước giai đoạn 2011 – 2015 |
Nhưng có một sự thật đáng buồn là không phải nước nào cũng làm du lịch kém như Việt Nam. Nguyên nhân chắc chắn không phải bởi thiên nhiên mà do con người.
Lâu nay chúng ta bị mơ hồ bởi một nhận định, rằng người Việt thông minh, chịu khó, người Việt thân thiện, mến khách mà quên đi mặt trái của người Việt.
Có lẽ để răn dạy con cháu, người xưa nói “dân gian - quan tham”. Vậy cái “gian” của dân hay cái “tham” của quan là nguyên nhân chính đánh mất thiện cảm của du khách, là rào cản sự phát triển của đất nước?
Có phải do dân “gian” nên không ít “quan” mới cho rằng nước ta “dân trí thấp”? Có phải do dân “gian” nên mới sinh ra chuyện giữa Thủ đô, bán hai bát phở cho “đồng bào” mình mà “chém” người ta tới 800.000 đồng? [1]
Chuyện "chặt chém" của người Việt (Ảnh: Chụp màn hình) |
Có người chép miệng bảo dẫu sao cặp vợ chồng Việt kiều ấy còn ăn được hai bát phở, còn bình yên ra về, bởi khi nêu ý kiến thắc mắc, chủ quán đã vung dao chém xuống thớt đe dọa, thế là “trong cái rủi có cái may”!
Người viết mua một chùm dừa non ở Thanh Hóa về làm quà, bổ thử tại quán một quả, rót được gần hai cốc nước, thế là yên chí trả tiền lên xe, để lái xe mở cốp cho chủ quán đặt buồng quả vào. Về nhà bổ ra chẳng quả nào có nước, thế vẫn còn may vì chưa đem biếu họ hàng!
Một bận khác, mua con cá lăng dài 80 phân ở quán cá bờ sông Việt Trì, nhà hàng cắt khúc nấu nướng, khi bày trên bàn, con cá chỉ còn dài hơn 50 phân, chắc là vì rán nên cá co lại.
Dẫu sao khúc đầu khúc đuôi vẫn còn nguyên, tức là vẫn còn con cá, không phải kiểu “luộc trứng bị ngót” như cô con dâu nọ trong chuyện dân gian Việt Nam!
Đi đâu cũng gặp cảnh như vậy, đành tự an ủi, đã là dân tránh sao khỏi “gian”!
Muốn dân hết “gian” thì phải “dạy dỗ”, phải có luật, có luật rồi thì phải có người thực thi, mà người thực thi chính là “quan”.
Người xưa nói quan là “phụ mẫu” của dân, phụ mẫu đúng nghĩa, của ngon dành cho con cái, chỉ có “phụ mẫu rởm” mới tranh phần của dân.
Vì dân chưa được “dạy dỗ’ đến nơi đến chốn, vì dân cứ nhìn gương của “phụ mẫu” nên mới “gian”, thế nên cái “gian” của dân chẳng qua là từ cái “tham” của quan mà ra, nhà dột từ nóc chứ chẳng lẽ lại dột từ nền?
Chuyện phở Hà Nội là nói về dân, song lại gắn liền với “quan”.
Người Việt có câu: “nó lú nhưng chú nó khôn”, dân “trí thấp” thì đã có “chú nó” là các “quan” trí cao “dạy dỗ”.
Chẳng thế mà ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “sẽ cho kiểm tra để tìm ra cửa hàng đã “chặt chém” các vị khách này”.
Ông còn cho biết: “Hà Nội hiện nay có đường dây nóng để xử lý những vụ “chặt chém”, chèo kéo khách du lịch và hoạt động rất hiệu quả, giúp phanh phui nhiều vụ việc tương tự”.[1]
Chỉ tiếc rằng khi cấp trên yêu cầu công bố số đường dây nóng thì ông không nhớ, nhưng mà đây là lỗi của “văn thư” không nhắc ông trước cuộc họp chứ ông bận trăm công nghìn việc, làm sao nhớ được cái việc cỏn con ấy!
Cũng tại Hà Nội, nếu không có cơn dông chiều tối 13/6/2015 làm bật gốc cây mới trồng thì người ta không biết gốc cây, dẫu nằm dưới đất vẫn còn bị trói buộc rất cẩn thận.
Chẳng biết vô tình hay cố ý, có người tung tin rằng đó là nilon tự hủy, nếu quả là nilon tự hủy thì sau mấy chục năm sẽ hủy hết? Còn nếu không tự hủy thì đến cuối thế kỷ này có hủy được không?
Nói gì thì nói, phải cảm ơn cơn dông đã góp phần cho người ta thấy “cái gốc cây” của người trồng là như thế nào. Nói thế là dựa vào một phóng sự điều tra của Tuoitre.vn ngày 25/3/2015, rằng trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là do dân mà do hai cơ quan chủ trì. [2]
Ai đã trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh? (Ảnh: Chụp màn hình) |
Có lẽ chuyện “buộc gốc” để trồng là lỗi của dân, mà cụ thể là của các anh chị công nhân thuộc bộ phận “hậu trồng”, tức là bộ phận chăm sóc.
“Cán bộ cơ quan” vốn có ít thời gian nên chỉ trồng tượng trưng cho cánh báo chí tác nghiệp, sau đó bộ phận “hậu trồng” phải moi đất lên, phải “phóng sinh” gốc cây nhưng họ “thiếu trách nhiệm” không làm nên mới để xảy ra hậu quả, gây điều tiếng cho người khác.
Ba tháng sau khi trồng ngày 7/7/2015 Vietnamnet.vn viết: “Hàng cây "không còn sức sống" trên phố Nguyễn Chí Thanh”. [3]
Hàng cây mỡ trơ trụi sau 3 tháng trồng đối diện hồ Ngọc Khánh. (Ảnh Vietnamnet.vn) |
Chuyện “đường dây nóng” hay “trói gốc cây” là chuyện của cư dân, dẫu sang hèn, giàu nghèo, quan dân đều có chung chức vụ là “cư dân”, thế nên đây là lỗi của cư dân phải không bà con? Thế còn những đối tượng không phải là cư dân thì sao?
Những ngày hè nóng 40 độ ở Hà Nội vừa qua, người dân và truyền thông mới cảm nhận câu chuyện tiền điện lũy tiến 6 bậc của ngành Điện là như thế nào. Theo giải thích, ngành điện không hề “chặt chém” người dùng mà chẳng qua là thực hiện đúng theo quy định của Bộ Công Thương.
Khắp thế giới, người bán hàng, bán nhiều hàng bao giờ cũng giảm giá cho khách mua, còn dân ta, mua càng nhiều điện càng bị “lũy tiến”. Theo giải thích, đây là biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng tiết kiệm điện, nghĩa là bắt người dân mua ít điện thôi.
Nếu ai đó nói ngành Điện “chặt chém” thì cần phải xin lỗi “Quý ngành” này, bởi văn bản mà Bộ Công Thương ban hành thuộc vào hàng văn bản quy phạm, “quan” cũng phải tuân cứ gì dân.
Mà ngành Điện bán điện có ép buộc ai đâu, thích thì mua, không thích thì thôi, có ai bắt phải mua điện “lũy tiến” đâu mà kêu?
Thế thì “ông Điện” học “ông Phở” hay là “ông Phở” học “ông Điện” đây?
Nhưng mà người viết có chuyện này, kể ra bà con nghe xem cán bộ ngành Điện nước nhà có “thông minh” không nhé.
Vài thế hệ trong một gia đình sống chung một ngôi nhà, hiện có hai sổ hộ khẩu riêng biệt. Họ làm đơn xin mắc mỗi hộ một đồng hồ đo điện thì chi nhánh điện Gia Lâm trả lời là không lắp vì hộ gia đình thứ hai chuyển từ nơi khác về, không phải “từ một hộ tách ra”.
Thế là phải dùng chung, phải chịu “lũy tiến”, liệu trường hợp này có thể kết luận Điện lực huyện Gia Lâm “chặt chém” dân được không, xin bà con chỉ bảo.
Có một đối tượng, không biết nói, không biết nghe, không có hình hài cụ thể, nói đối tượng này bị “chặt chém” thì không đúng nhưng nói bị “xà xẻo” từng ngày, từng giờ thì chắc là không sai.
Chuyện rằng tỉnh Vĩnh Phúc bỏ hơn 300 tỷ xây Văn Miếu, xây xong không biết để thờ ai, còn chờ hội thảo bàn bạc rồi mới quyết.
Cái này là lỗi của dân, tại vì dân không biết gì để các vị lãnh đạo hỏi ý kiến. Còn lãnh đạo tỉnh thì rất sốt ruột chuyện xây dựng nên cứ xây cái đã, chưa biết thờ ai hay sau này sử dụng làm gì thì tạm khóa cửa để đấy, khi nào tìm được danh nhân xứng đáng đưa vào thờ thì mở cửa, còn hơn để mấy trăm tỷ ngân sách không biết làm gì?
Còn ở Nam Định, Báo Thanhnien.com.vn viết: “dự án "Đầu tư xây dựng Trung tâm CNTT tỉnh Nam Định” với quy mô 9 tầng, 5.300 m2 sàn, trị giá xây dựng 27,5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Từ cuối năm 2008, TT CNTT bắt đầu sử dụng tòa nhà với nhiệm vụ “thành lập trung tâm đào tạo CNTT cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh… Theo các nhân viên thì từ lúc thành lập đến nay, khi nhiều nhất trung tâm cũng chỉ có khoảng 15 người, nay là 10 người”. [4]
Cả tòa nhà này chỉ có 10 người làm việc - Ảnh: Văn Đông |
Đầu tư 27,5 tỷ đồng cho 10 người làm việc, vị chi chỗ ngồi của mỗi người là 2,75 tỷ đồng, đấy là ngân sách tỉnh bỏ ra chứ không hề huy động đóng góp của người tỉnh Nam Định.
Vậy nên nếu ai đó có bỏ ra ít tiền để được ngồi làm việc ở tòa nhà 9 tầng ấy cần biết rằng số tiền họ bỏ ra chỉ là “muỗi” so với giá một chỗ ngồi mà tỉnh nhà đầu tư cho họ là 2,75 tỷ!
Giữa “xà xẻo” và “chặt chém” chẳng biết chuyện nào nghiêm trọng hơn, dẫu khác nhau về ngôn ngữ nhưng lại có điểm chung, ấy là đều góp phần “quảng bá” cách sống của một bộ phận người Việt hiện đại!
Chống nạn “chặt chém” việc cần làm ngay là chính quyền các xã, phường phải “nghiêm túc kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm” với các chủng loại “hàng phở” trên địa bàn, không để tình trạng “chặt chém” tái diễn.
Việc này cần động viên sức mạnh tổ dân phố, dân phòng, cần làm cho các loại “phở” hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cũng không loại trừ hành động cảnh cáo nếu có ông “phở” nào có ý định sắm thêm “dao thớt”.
Còn chuyện “xà xẻo”, nếu mà chẳng còn gì để “xà xẻo” thì nạn “xà xẻo” tự nhiên biến mất, vậy nên cứ “từ từ”, không nóng vội được đâu?
Tài liệu tham khảo:
[3] http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/248935/hang-cay--khong-con-suc-song--tren-pho-nguyen-chi-thanh.html