Mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển là một trong những căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách dân số và chính sách phát triển.
Mất cân bằng giới tính khi sinh được ghi nhận từ năm 2006, khi tỷ số số trẻ em trai trên số trẻ em gái sinh ra trong năm lớn hơn 105. Sự mất cân bằng này đang tăng lên và đã ở mức nghiêm trọng.
Năm 2016, tỷ số này lên tới 112,8/100, năm 2018 là 115,1/100. Nếu xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra, đến giữa thế kỷ XXI, dân số Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành sẽ gặp tình trạng nam nhiều hơn nữ khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người.
Việc mất cân bằng giới tính như vậy dẫn đến hậu quả khủng hoảng về hôn nhân, phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tệ nạn mại dâm, tội phạm mua bán phụ nữ, gây bất ổn xã hội và những khó khăn trên thị trường lao động.
Mặc dù vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay mới chỉ tập trung ở một số khu vực, điển hình là vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, cần vận động xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn sinh con trai “nối dõi tông đường”, đồng thời kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi.
Một đất nước có cơ cấu dân số “vàng” khi tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm hơn 66%. Tỷ lệ này ở nước ta đã đạt 66% vào năm 2007 (bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”) và hiện nay, tỷ lệ này xấp xỉ 70%.
Cơ cấu dân số “vàng” không được khai thác sẽ mất bị trôi mất (vào khoảng năm 2040). Vì vậy, cần tích cực tận dụng cơ hội này để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban chấp hàng Trung ương khóa XII đã đặt ra những nhiệm vụ quan trọng đảm bảo cơ cấu dân số phục vụ phát triển của đất nước, trong đó vai trò của ngành y tế trải dài từ địa phương tới trung ương là hết sức quan trọng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành Y tế đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Duy trì nâng cao chất lượng dân số
Năm 2011, với dân số 60 tuổi trở lên chiếm 10%, nước ta chính thức bước vào quá trình “dân số già hoá”. Theo dự báo, nước ta sẽ bước vào thời kỳ “dân số già” vào năm 2035, khi dân số 60 tuổi trở lên đạt 20 % với khoảng 21 triệu người cao tuổi.
Công nghiệp hóa và kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Từ 2004-2009, đã có gần 7 triệu người di cư, tăng 50% so với giai đoạn 1994-1999, góp phần làm tăng tỷ lệ dân đô thị trong khoảng 15 năm trở lại đây và đẩy mạnh xu hướng tập trung dân số vào một số thành phố, vùng lãnh thổ.
Điều tiết phân bố dân số hợp lý về phương diện kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, những biến đổi dân số mạnh mẽ, nhanh chóng cũng đặt ra yêu cầu và thách thức khi xây dựng hệ thống thông tin quản lý dân cư phù hợp, linh hoạt, cập nhật và chính xác.
So với thế giới, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta vẫn còn thấp, chưa lọt được vào tốp 100 nước có chỉ số HDI cao hơn. Trong khi đó, năng suất và chất lượng lao động là thành tố quan trọng phản ánh chất lượng dân số.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thế lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước.
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Theo Liên Hợp Quốc, trong 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ cực lớn” chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Khoảng 5,3% diện tích đất có thể bị ngập lụt. Tổng cầu về lương thực ngày càng lớn, trong khi đó tổng cung bị đe dọa bởi thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh…
Căn cứ những đặc điểm chính của thực trạng dân số Nghị quyết 21-NQ/TW đặt ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.
Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.
Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.
100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.
Đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Tổng cục Dân số đã triển khai nhiều giải pháp
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, một số văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án đã được ban hành như: Bộ Luật Lao động sửa đổi; Chiến lược dân số đến năm 2030; Chiến lược truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, các đối tượng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tới năm 2030; chương trình nâng cao chất lượng dân số, tầm soát sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh…
Những chương trình, đề án được xây dựng theo Nghị quyết 137/NQ-CP chính là những nội dung quan trọng của công tác dân số trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong 3 năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.
Nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ngành dân số đã tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên.
Bên cạnh công tác truyền thông, ngành chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.
Tổng cục Dân số đã phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21 để cán bộ và nhân dân hiểu rõ những nội dung chính sách dân số mới.
Ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển đồng thời các chương trình kế hoạch hóa gia đình, chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong đó, chương trình kế hoạch hóa gia đình sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả tích cực.
Đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh; lập danh sách theo dõi, quản lý đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, động viên trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh.
Chênh lệch mức sinh giữa các vùng vẫn còn là thách thức
Để giải quyết, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề ra các mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, khắc phục chênh lệch mức sinh giữa các địa phương.
Xây dựng hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động riêng cho từng vùng mức sinh khác nhau thay cho một nội dung tuyên truyền chung cho cả nước; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh.
Đặc biệt, để giải quyết bài toán khó khăn trong việc nâng mức sinh, tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Trong đó, Tổng cục đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương
Để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác này cần phải được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.
Một trong những "điểm nhấn" quan trọng của Nghị quyết 21-NQ/TW là "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển...".
Nghị quyết 21 đặt ra yêu cầu “đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Do đó, việc tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động liên quan đến dân số và phát triển là đòi hỏi cấp bách.
Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra những quan điểm mới, mục tiêu mới đi kèm hệ thống những giải pháp.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 21, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP và giao các Bộ, ngành xây dựng chương trình, luật, cụ thể hóa một số văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án cần được khẩn trương thực hiện.
Nghị quyết đề ra Mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành 24 chỉ tiêu cần đạt vào năm 2030.