Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ... Theo PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương bệnh sốt xuất huyết không thể xem thường vì nó có thể biến chứng gây tử vong.
Bệnh diễn biến phức tạp
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 1/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 8 sẽ tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm.
Theo Cục Y tế dự phòng, trong mấy tuần gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và tập trung tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung như: An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên là do đang vào mùa mưa.
Nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên là do đang vào mùa mưa. Ảnh: Phương Linh. |
Bộ Y tế đã có dự báo trước sự gia tăng sốt xuất huyết nếu không triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp.
Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt để hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2016 của quốc gia, giám sát chặt chẽ tình hình, chỉ đạo công tác chống dịch kịp thời.
Trong tháng 3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika, bệnh sốt xuất huyết” tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó chiến dịch đã được nhân ra diện rộng tới 55 tỉnh, thành phố;
Tháng 6/2016, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch trong tháng cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại 16 tỉnh trọng điểm.
Trong thời gian tới, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng mùa mưa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.
Bộ Y tế tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 7 và 8/2016 trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn;
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết”, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Cách điều trị sốt xuất huyết
Theoo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng đặc thù của nó như sốt cao liên tục trong vòng ừ hai đến 7 ngày, nhức đầu, đau mỏi toàn thân.
Từ ngày thứ ba có thể xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như chay rmasu cam, chảy máu chân răng, chảy máu củng mạc mắt, xuất huyết trên da, xuất huyết tại chỗ tiêm truyền, nặng hơn có thể xuất huyết trong nội tạng, xuất hiện tình trạng sốc, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ.
Bệnh thường khó phân biệt trong ba ngày đầu với sốt do các căn nguyên khác, nên cần phải căn cứ thêm vào yếu tố dịch tễ học, hoặc xét nghiệm NS1 dương tính.
Phần lớn các bệnh nhân ở thể nhẹ đều có thể theo dõi điều trị tại nhà, trừ khi có các dấu hiệu cảnh báo thì phải đến bệnh viện để điều trị.
Sốt xuất huyết Dengue có các biểu hiện lâm sàng từ nhẹ tới nặng. Phần lớn các trường hợp ở thể nhẹ như bạn đã nêu.
Khoảng 20% các trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc, hoặc có các dấu hiệu cảnh báo nặng, cần phải nhập viện điều trị như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, l bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn, hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan…
PGS Kính cho biết, trong quá trình điều trị người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để thực hiện quy trình điều trị của Bộ Y tế để bệnh mau khỏi. Nếu bệnh nhân nằm điều trị tại nhà, thì cần phải thực hiện bồi phụ nước điện giải đầy đủ như uống nước Oresol, các nước hoa quả như nước cam, nước chanh, nước mía, nước bưởi ép.
Nếu sốt cao có thể hạ nhiệt bằng cách chườm mát (lấy khăn ướt phủ vào hố nách hoặc hố bẹn. Có thể uống thuốc hạ nhiệt paracetamol, không được uống giảm đau hạ sốt nhóm Salisilate như Analgin, Aspirin…
Vì những thuốc này có thể chảy máu dữ dội, xuất huyết nội tác dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi và đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải đến bệnh viện ngay để điều trị.