Nhân Thành là sinh viên năm thứ nhất ngành Kỹ thuật điện (Electrical Engineering) tại Đại học Cincinnati bang Ohio (Mỹ).
Thế nhưng chỉ mới được học kỳ đầu năm thứ nhất, Nhân Thành như bao sinh viên khác trên đất Mỹ đều phải học trực tuyến hoàn toàn.
Khi tôi bắt đầu cuộc trò chuyện này vào ngày 5/8/2020, trên đất nước em đang ở, số người mắc Covid-19 đã hơn 14,5 triệu người. Riêng bang Ohio, nơi em cư trú đã có hơn 8.000 người nhiễm.
Cùng ngày hôm ấy, Việt Nam công bố có thêm 41 ca nhiễm mới.
Tôi biết Thành trước khi có Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Giành được học bổng du học, đúng chuyên ngành mình yêu thích, đến nơi mình hằng mơ ước, giấc mơ của em gần như trọn vẹn nếu Covid-19 không ập đến.
Nói chuyện với nhau, hỏi thăm dăm ba câu chuyện, chợt lòng em chùng xuống “chiều nay lại có thêm ca mắc mới chị ạ”. Cả hai đầu kết nối lặng đi!
Nguyễn Trọng Nhân Thành cùng các bạn sinh viên quốc tế tại Đại học Cincinnati bang Ohio nước Mỹ. (Ảnh: NVCC) |
Thành chia sẻ: “Covid-19 làm mọi thứ đình trệ hoàn toàn trên tất cả các bang của nước Mỹ. Mọi người hầu như không ra đường. Nhu yếu phẩm cần thiết vẫn được cung cấp do một số siêu thị vẫn mở cửa, tuy nhiên giới hạn người mua.
Hầu hết tất cả sinh viên, du học sinh như em đều làm việc online. Học trực tuyến, mua hàng trực tuyến và cắt đứt hoàn toàn hoạt động ngoại khóa”.
Du học sinh trên toàn thế giới lao đao vì Covid-19. Chỉ nghĩ đến câu chuyện trở về nước hay ở lại cũng đã rất đau đầu.
Tôi hỏi Thành: “Em có hối hận vì quyết định không trở về nước? Nếu có bây giờ đăng ký vẫn còn kịp những chuyến bay lần tới”.
Câu trả lời của chàng trai trẻ khiến tôi bất ngờ: “Nếu ai cũng về thì sẽ thêm gánh nặng cho đất nước, nhất là lúc này. Covid-19 đáng sợ, nhưng không có nghĩa là mình không thắng nổi nó.
Em vẫn đang cố gắng từng ngày giữ gìn sức khỏe bảo vệ mình. Bớt một công dân vùng dịch về nước, Việt Nam mình bớt được nguy cơ lây lan thêm. Chính phủ, bác sĩ với nhân dân mình đang vất vả chống dịch”.
Báo chí đưa tin rất nhiều về phòng chống dịch, nhưng vẫn có những người thiếu ý thức gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Ấy thế mà nơi đỉnh dịch của thế giới, chàng trai đôi mươi ấy lại có suy nghĩ khiến những người khác thấy ấm áp lạ thường.
Nhân Thành bên những cây đàn với đam mê của mình khi dịch chưa bùng phát trên đất Mỹ. (Ảnh: NVCC) |
Nhân Thành chia sẻ: “Nước Mỹ đối xử nhân văn với du học sinh. Họ biết rằng du học sinh các nước đến Mỹ, muốn cải thiện chi phí học tập, ăn ở bắt buộc phải làm thêm, bởi ở đây mọi thứ đều đắt đỏ.
Bây giờ tất cả đều trong trạng thái giãn cách xã hội, thế nên những du học sinh như em được giảm học phí, có thể một phần, có thể toàn phần.
Chúng em là du học sinh nên cũng rất được ưu tiên với các nghề làm thêm trực tiếp trong mùa dịch như công việc giao hàng.
Tuy nhiên, mọi người ở đây ai cũng hạn chế tham gia công việc nếu phải đi lại nhiều trong lúc này.
Trong mùa dịch căng thẳng, không có trợ cấp của gia đình thì những du học sinh như em cũng rất được quan tâm bởi trường học và chính quyền nơi đây”.
Học trực tuyến, mua hàng trực tuyến và thậm chí là nghiên cứu trực tuyến được em và các bạn chủ động trong thời gian cách li xã hội.
Thay vì việc đến thư viện hàng ngày, trao đổi kiến thức, làm việc nhóm với nhau trực tiếp, thì em và mọi người xây dựng nhóm qua các phần mềm.
Việc học trực tuyến khá thuận lợi, nhưng đôi lúc “tương tác khó hơn do mạng xã hội không ổn định và nhiều khi em phải làm một mình”.
Tôi cập nhật và chia sẻ với em về những tâm sự của mình khi đất nước cũng đang nỗ lực chống dịch. Em cập nhật thông tin hàng ngày về đất nước, nhưng vẫn rất chăm chú lắng nghe tôi chia sẻ, vì “đó là tiếng mẹ đẻ, tiếng nói quê hương mình”.
Từ việc Hà Nội có thêm ca mắc mới Covid-19, đến việc học sinh Đà Nẵng phải lùi kỳ thi Trung học phổ thông để chống dịch, cả đất nước mình lại bước vào cuộc chiến một lần nữa.
Thành nhắn nhủ: “Điều cần làm bây giờ là thật bình tĩnh và sáng suốt phòng chống dịch. Người Việt mình hãy thật sự đồng lòng, nghiêm túc chống dịch. Em tin rằng dịch sẽ hết nếu mỗi người tự biết cách phòng tránh và ý thức phòng chống”.
Em kết thúc câu chuyện với tin vui: “Trường em thông báo trở lại trường vào ngày 24/8 tới, sẽ dạy theo hình thức nửa trực tiếp, nửa online”.
Hy vọng rằng, câu chuyện Covid-19 giữa hai đất nước của tôi và em sẽ không kéo dài lâu nữa. Sẽ là những câu chuyện vui, mọi thứ trở lại bình thường như trước đó.
Hành trình còn dài để chống dịch, nhưng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của toàn thế giới, Covid-19 sẽ chấm dứt trong thời gian không lâu.