Đủ thứ lí do để… ở lại? Thời điểm Tết và nghỉ Đông năm nay gần nhau hơn so với những năm trước. Chẳng thế mà nhiều bạn du học sinh rất háo hức, muốn ở lại tận hưởng cái không khí Tết rộn rã ở quê nhà. Số khác còn sẵn sàng hi sinh một vài môn học, để có thể ở lại Việt Nam đón Tết. Nếu xếp nguyên nhân thì mỗi người mỗi khác, nhưng hầu hết là đều vì… không về thì thôi, đã về phải “tranh thủ”? Tuấn Phạm (du học sinh Canada) chia sẻ: “Đi du học đã 2 năm tớ mới được về thăm nhà. Thế nên trước khi về, tớ cũng đã quyết định tạm dừng học vài môn trong học kỳ tới và học online những môn có thể để ăn Tết. Thứ nhất để tranh thủ đỡ về nhiều lần tốn tiền vé. Thứ hai là xa nhà, nhớ nhất là Tết. Những năm không về được, tớ và lũ bạn ngồi nhà tủi thân muốn khóc luôn. Thế nên lần này, không thể về sát ngày rồi đi được”. Vấn đề chi phí đi lại quả thật là một khoản không nhỏ. Thế nên nhiều bạn khá đắn đo “tranh thủ được thì tranh thủ”. Không chỉ thế, sau kì nghỉ Đông, không ít bạn lại vướng vào những chuyện tình cảm tại quê nhà. Thế nên, việc lưu luyến muốn ở lại hay ở lại để được ăn Tết cùng “đằng ấy” bỗng trở thành động lực và lí do to đùng cho việc…. nấn ná đến Tết. Thêm vào đó, trong một năm các du học sinh chỉ thường về vào hai thời điểm. Một là nghỉ Đông, hai là nghỉ hè. Do đó, tâm lí du học sinh xa nhà là rất nhớ Tết, không ít bạn thời gian đầu mới đi, đến Tết không được về tủi thân quá chỉ biết ôm mặt khóc. Thử tưởng tượng chuyện bạn bè, gia đình, mọi người sum họp đông vui, một mình nơi đất khách quê người ai không tủi thân và buồn chán?
Du học sinh nào cũng rất muốn về nước đón Tết. (Ảnh minh họa)
Xin phụ huynh không được thì “dạt” nhà… Muốn ở lại ăn Tết thì phải xin phép phụ huynh. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con nghỉ học để ở lại “cố” ăn Tết. Nguyên nhân bởi hầu hết phụ huynh là người hiểu rõ nhất sự nông nổi, và muốn con cái có thể rút ngắn thời gian học tập. Từ đó nảy sinh thêm chuyện, một số teen khi không được bố mẹ cho phép ở lại ăn Tết thì tìm cách… dạt nhà. Nghĩa là đăng kí ăn nhờ ở đậu nhà bạn bè. Số khác còn tự lấy tiền đi học để thuê nhà, hay thuê khách sạn để ở lại chơi! Nghe tưởng chừng xa xôi, nhưng đó là việc M (sn1990) đã từng làm và đã phải ân hận vì chuyện ham vui của mình. Chuyện là gần Tết năm trước, M say nắng say mưa với một cô bạn, nên quyết định ở lại Việt Nam. Bố mẹ M không cho phép, thế nên M quyết định lấy tiền học phí xài trước, để thuê nhà ở lại Việt Nam vui cùng bạn bè và người ấy. M dự định sẽ nói với bố mẹ là học thi rớt, nên xin tiền đóng học lại luôn. Ăn Tết xong thì sẽ khăn gói lên đường ngay. Mọi chuyện sẽ chẳng ai biết được, đến ngày M quay trở lại Mỹ sau Tết. Xui rủi sao, trên đường ra sân bay, M ghé vào phòng vé lấy vé thì… taxi chạy mất ôm theo tất cả tài sản, giấy tờ của anh chàng. Vừa hoảng hốt vừa bị động, M chỉ còn cách về nhà, tìm đến sự giúp đỡ của gia đình. Anh chàng phải làm làm lại giấy tờ và… xin tiền mua lại đồ đạc, sách vở. Quá thất vọng về hành động của con, gia đình M quyết định cho anh chàng về Việt Nam đi làm sớm để biết thế nào là sướng khổ. Chơi liều, nhiều cô cậu bạn tung tiền học ra để ở lại ăn Tết, sau đó tìm cách xin bố mẹ “lấp liếm” những khoản ăn chơi của mình. Thế nhưng những chuyện trọng đại lớn lao vậy chẳng dễ giấu, nhiều bạn được vài ba bữa thì bị gia đình phát hiện. Hậu quả là không chỉ gặp rắc rối mà còn khiến bố mẹ buồn rầu, thất vọng. Nói cho cùng, thì chuyện gia đình phát hiện cũng chỉ lá lo lắng 1 phần. Quan trọng nhất, là bản thân bạn sẽ mất nhiều thời gian để học lại và thi lại. Vì thế, thay vì cứ phải trốn chui trốn lủi, tìm cách này cách khác, sao bạn không cố gắng học thật nhanh, thật tốt, để về cùng gia đình đón những cái Tết sau này nhỉ?
Theo Duhoctoancau