Hội thảo đã đưa ra những cơ chế, chính sách, và quy định phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng cũng như cấp phép đăng ký và sử dụng vắc-xin trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh MOH |
Các đơn vị trong hệ thống cơ quan quản lý vắc-xin đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vắc-xin phòng Covid-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vắc-xin này tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất nhưng phải bảo đảm nguyên tắc an toàn và hiệu quả cho người sử dụng góp phần vào công tác phòng, chống đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo thông tin tại Hội thảo, toàn thế giới hiện có 163 ứng viên vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển, trong đó 23 vắc-xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin Covid-19 với bốn nhà sản xuất trong nước, mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho kết quả khả quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi thảo luận về dự thảo quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam nhằm hoàn thiện các quy định, hướng dẫn và thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng và cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam trong tình trạng y tế khẩn cấp.