Nguyễn Thị Ngọc Lan, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, vừa hoàn thành bài luận tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tài chính tại Đại học Bristol.
Tháng 8/2019, Ngọc Lan xuất sắc là một trong năm sinh viên trên thế giới nhận học bổng Thạc sĩ toàn phần của Đại học Bristol, với giá trị khoảng 20.000 bảng Anh (tương đương 600 triệu đồng).
Nhìn lại hành trình một năm theo học tại Đại học Britstol, cô gái sinh năm 1997 có chút tiếc nuối về quãng thời gian học tập và làm việc tại Anh.
“Trải nghiệm học tập tại Anh tuy rất ngắn ngủi, nhưng đó là tuyệt vời nhất và may mắn nhất với mình. Nhờ sự hướng dẫn của giáo sư Chris Chapman – thầy giáo giảng dạy tại trường và cũng là người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đã tạo động lực giúp mình thay đổi và tiến bộ từng ngày”, Ngọc Lan tâm sự.
Chia sẻ về quá trình giành học bổng, Ngọc Lan cho hay, hồ sơ được đánh giá tốt vì có sự khác biệt so với nhiều ứng viên khác, đó là đã có nhiều nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn là sinh viên của trường Kinh tế quốc dân.
“Các nghiên cứu khoa học của mình chủ yếu về kế toán tài chính, bên cạnh đó còn có cả giáo dục, bảo tàng. Những ý tưởng nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ trong cuộc sống và là những ý tưởng rất đơn giản để cải thiện, cung cấp kiến thức, kĩ năng mới cho con người. Đây là chìa khóa giúp mình nhận được học bổng danh giá đến Anh”, Lan chia sẻ.
Ngọc Lan đạt được nhiều thành tích cao về nghiên cứu, bao gồm 11 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế và hội thảo quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bên cạnh đó là việc cải thiện điểm số học tập bởi nó sẽ ảnh hưởng đến việc mình có được nhận học bổng hay không.
Lan chia sẻ, trong những năm học Đại học đầu tiên điểm số của Lan rất thấp chỉ khoảng 7 phẩy, tuy nhiên nhận thức được việc bản thân mình cần phải thay đổi với ước mơ khát khao được đi du học mà cô đã nỗ lực cải thiện bản thân hằng ngày.
Kết thúc 4 năm đại học, mình trở thành người có điểm số cao nhất của Viện kế toán kiểm toán đại học Kinh tế quốc dân.
Bài luận là một trong những yếu tố không thể bỏ qua trong bộ hồ sơ. Bài luận gồm 600 chữ trả lời 3 câu hỏi, mỗi câu hỏi 200 chữ, xoay quanh vấn đề tại sao bạn lại lựa chọn học bổng này, tại sao bạn xứng đáng với học bổng này. Khi có học bổng này bạn sẽ làm gì, dự định trong tương lai của bạn sẽ như thế nào?
Từ kinh nghiệm của bản thân, Ngọc Lan đánh giá, so với các nước khác như Mỹ ở bài luận bạn sẽ được thả hồn, sáng tạo, có thể viết gì cũng được. Tuy nhiên ở nước Anh, bài viết sẽ đi thẳng vào vấn đề luôn, sinh viên sẽ phải trả lời 3 câu hỏi tùy theo năng lực của bản thân.
Giám khảo sẽ có thời gian từ 2 đến 5 phút để xem bài luận, để người ta có thể đọc hết bài luận của bạn trong thời gian 5 phút đó là một thành công của bạn. Vì vậy, bài viết phải thực sự hay, thực sự thú vị, nổi bật tính cách và con người của mình lên những thí sinh khác.
Trở về Việt Nam từ tháng 3/2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngọc Lan tiếp tục hoàn thành luận văn tốt nghiệp của bản thân.
“Ban đầu mình được chọn vào nhóm 3 sinh viên của trường làm dự án về kế toán quản trị trong một công ty lớn tại Anh.
Tuy nhiên do dịch bệnh, mình phải về Việt Nam và bắt buộc phải làm library-based research (nghiên cứu lý thuyết). Mình đã trao đổi với Giáo sư và xin đi làm cho một công ty lớn tại Việt Nam về Kế toán quản trị.
Dự án nghiên cứu về tính hiệu quả của Thẻ điểm cân bằng trong quản trị doanh nghiệp. Làm việc tại Việt Nam giúp mình thấy được một lỗ hổng trong kế toán quản trị, đặc biệt là việc vận dụng các công cụ quản trị trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp rất lớn”, Ngọc Lan chia sẻ về luận văn của mình.
Khi được hỏi về điều tiếc nuối nhất trong thời gian học tập tại Anh, Ngọc Lan cho hay, đó chính là quãng thời gian trải nghiệm tại Anh thật sự quá ngắn ngủi.
“Thầy cô tại trường Đại học Bristol là những con người rất tuyệt vời. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần, giải đáp những vấn đề mà mình cảm thấy thắc mắc.
Mình còn nhớ trong ngày đầu tiên khi tới Anh đã không may làm mất toàn bộ giấy tờ và sau đó mình có liên hệ với trường và cảnh sát địa phương. Khi ấy, nhà trường có nhắn là mình không cần phải làm gì và chỉ cần ngồi ở nhà chờ thôi.
Cuối cùng giấy tờ đã được tìm thấy và mình có cảm ơn họ rất nhiều. Tuy nhiên, họ có nói rằng bạn không cần cảm ơn bởi vì họ ở đó là để giúp mình”, Ngọc Lan bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đầu khi tới Anh.
Hiện tại, Ngọc Lan đang là giảng viên tại Trường Đại học Văn Lang tại Thành phố Hồ Chí Minh và còn nhận được vô số lời mời làm việc từ các trường đại học và các công ty có tiếng tại Việt Nam và quốc tế.
“Mình lựa chọn công tác tại Đại học Văn Lang bởi mình thực sự ngưỡng mộ và được truyền cảm hứng bởi cô Mỹ Diệu – Hiệu trưởng nhà trường. Những thông điệp mà cô truyền tải không chỉ giúp cho mình dũng cảm lựa chọn một công việc đầy thử thách và thay đổi hướng đi của mình để bắt đầu những trải nghiệm mới”, Ngọc Lan tâm sự.