Làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm?

12/07/2020 10:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển, làm 12 người mắc, 11 người nhập viện điều trị và 1 người tử vong.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2010-2019, toàn quốc ghi nhận 33 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong so biển, khiến 69 người mắc, 58 người nhập viện điều trị và 18 người tử vong.

Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển, làm 12 người mắc, 11 người nhập viện điều trị và 1 người tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: Cách tốt nhất là chế biến thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến.

Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...) để tránh ruồi, nhặng, gián… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đồ ăn.

Nếu để thức ăn sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.

Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...) để tránh ruồi, nhặng, gián… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đồ ăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương

Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...) để tránh ruồi, nhặng, gián… làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đồ ăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương

Ngoài ra, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ, thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lưu ý: Nhiều người có thói quen tích trữ đủ thứ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh.

Đây cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình.

Tuy nhiên, các bà nội trợ đừng coi tủ lạnh là "bảo bối". Bởi, tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi bị ngộ độc thực phẩm, để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài.

Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước.

Chính vì vậy, cần tiến hành bù nước bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.

Tùng Dương