Trung tâm của sự nghiệp đổi mới giáo dục là thày, trò hay… toa tàu? (3)

05/07/2021 06:57
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sống chung trong một ngôi nhà đòi hỏi các thành viên phải chung tay, chung sức, phải đoàn kết, tuân thủ nội quy và sự lãnh đạo của Trưởng nhà.

(Phần 1); (Phần 2)

Về câu hỏi thứ hai: Vì sao “nóc nhà giáo dục” lại bị nắng soi qua”?

Sống chung trong một ngôi nhà đòi hỏi các thành viên phải chung tay, chung sức, phải đoàn kết, tuân thủ nội quy và sự lãnh đạo của Trưởng nhà.

Ngôi nhà Giáo dục trên có Bộ trưởng, Thứ trưởng, dưới có các cục, vụ và tương đương.

Giữ gìn kỷ cương trong hoạt động giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của Thanh tra Bộ. Thế nhưng mấy năm trước, chuyên mục Tuần Việt Nam báo điện tử Vietnamnet.vn trong bài: “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo chui?” đã thẳng thắn đề cập:

“Cần phải cho thanh tra chính cơ quan thanh tra của Bộ để đảm bảo các kết luận thanh tra thực sự công tâm, đúng pháp luật, để cán bộ, giáo viên, sinh viên và người dân có thể đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ”. [9]

Bài báo cho thấy sai phạm rõ ràng của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kết luận thanh tra liên quan đến tố cáo của cán bộ, giáo viên một đại học ngoài công lập về sự gian lận bằng cấp của lãnh đạo một trường đại học.

Sự việc đã khiến một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ra văn bản bãi bỏ kết luận thanh tra. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì những cán bộ thanh tra đưa ra kết luận sai trái lại vẫn “yên tâm công tác”.

Phải chăng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó e ngại va chạm với Thanh tra hay Thanh tra Bộ “có võ” nên vụ việc chìm vào quên lãng?

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn)

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn)

Gần đây khi lãnh đạo Bộ quyết định xem xét trách nhiệm của cơ quan Thanh tra trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì lãnh đạo đơn vị này lập tức phản pháo ý kiến của lãnh đạo bộ một cách không kiêng nể.

Kết quả là cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, một số thanh tra bình yên nhận sổ hưu, một số lãnh đạo chuyển công tác và vụ việc lại cũng như “chưa từng có cuộc… so găng”.

Năm 2014, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Công văn số 659/BGDĐT-TCCB tới Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn giải quyết vướng mắc chế độ trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

Không lâu sau, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Công văn số 282/KTrVB gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hủy bỏ Công văn số 659/BGDĐT-TCCB bởi đây là văn bản có nội dung trái thẩm quyền, không đúng với quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Mới đây, báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bài:

“Cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng: Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng kỷ luật”.

Bài báo đề cập đến sự kiện lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo tự ý sửa đổi, thêm bớt nội dung, làm sai lệch Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT của lãnh đạo Bộ và Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định Bộ đã thành lập Hội đồng kỷ luật và sẽ xử lý nghiêm.

Với tên gọi “Vụ Giáo dục chính trị…” lẽ nào các vị Vụ trưởng, Vụ phó vụ này lại có thể hành xử thiếu “chính trị” đến như vậy!

Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau khi sách được đưa vào sử dụng đã xuất hiện vô số phê phán về nội dung, ngôn ngữ, thời lượng,… không chỉ một mà một số bộ sách và các tác giả đã phải đính chính.

Tại địa phương, hàng loạt Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó phòng các Sở Giáo dục và Đào tạo bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trong các vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cùng với đó là các vụ án kinh tế như tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Gia Lai… , [10], [11], [12], [13] hoặc các vụ án liên quan đến hoạt động công vụ tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. [14]

Chỉ với một phần nhỏ vụ việc nêu trên đã thấy xuất hiện tên một số đơn vị cục, vụ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo và ít nhất tại trụ sở tám Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khắp Bắc, Trung, Nam. Có thể khẳng định, nếu tìm tiếp chắc chắn sẽ còn thấy nhiều điều “thú vị” hơn nữa.

Liệu đây đã đủ bằng chứng kết luận:

Thứ nhất, với đội ngũ chuyên viên, cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ, sở như vậy, với đội ngũ tham mưu toàn tinh hoa như Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa vừa rồi, thật khó để các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao chứ chưa nói đến hoàn thành tốt hoặc xuất sắc;

Thứ hai, việc rút tên khỏi danh sách những người phải nhận số phiếu tín nhiệm thấp tại Quốc hội nhiệm kỳ này sẽ là vô cùng nan giải nếu không có sự đột phá ngay tại trụ sở trên phố Đại Cồ Việt.

Vấn đề khó nhất với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ là năng lực công chức - về điều này người viết đã đề cập trong loạt bài: Đọc “Dự thảo” đoán “Chuyên viên” mà còn ở thái độ làm việc của họ.

Bộ trưởng, các Thứ trưởng không phải người giỏi chuyên môn tất cả các lĩnh vực được phân công phụ trách vì thế dù cố gắng đến mấy mà đội ngũ trợ lý, tham mưu không biết làm, không muốn làm hoặc thậm chí còn tìm cách phá đám thì khó mà thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về siết chặt kỷ luật, kỷ cương tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)