Mới đây, Nguyễn Quỳnh Mây (sinh năm 1999, Nghệ An) đã xuất sắc trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024.
Được biết, Quỳnh Mây nhận được học bổng Oxford Weidenfeld - Hoffmann đến từ quỹ Weidenfeld-Hoffmann (quỹ liên kết và hỗ trợ thường xuyên cho Đại học Oxford). Đây là học bổng dành cho các cá nhân với phẩm chất, khả năng lãnh đạo đến từ các nước phát triển với nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngành học của Quỳnh Mây tại Oxford là MSc Education (Digital and Social Change) là Thạc sĩ Khoa học giáo dục (Công nghệ và Thay đổi xã hội).
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Quỳnh Mây không giấu được sự vui mừng và tự hào. Quỳnh Mây nhớ lại khoảnh khắc nhận được thông báo đạt học bổng toàn phần Đại học Oxford: “Mình đã rất run, điện thoại trong tay như muốn rơi vì không tin bản thân nhận được học bổng. Mình đã gọi cho mẹ và viết tin nhắn rồi “copy paste” gửi cho gia đình, bạn thân và học sinh của mình vì không thể nghĩ một phiên bản khác cho mỗi người”.
“Gap year” 2 năm để tìm hiểu bản thân mình
Quỳnh Mây là cựu học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh - Trường Đại học Vinh. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Mây đã đỗ và theo học ngành Báo chí và Truyền thông tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm đó, nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót và chưa thực sự phù hợp với ngành học, Quỳnh Mây đã quyết định gác lại việc học để đi làm, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân ngoài trường học.
Khi quyết định quay lại giảng đường, Mây mong muốn được đến một đất nước mới, trải nghiệm những nền văn hoá, cơ hội mới. Nữ sinh đã nộp đơn và đỗ vào một số trường đại học khác ở nước ngoài.
Quỳnh Mây đã từng có thời gian theo ngành Kinh doanh của một trường có trụ sở tại Tây Ban Nha theo mô hình mỗi kỳ đi một nước. Mây đã dành một kỳ ở Trung Quốc nhưng cũng không tìm thấy sự phù hợp và đam mê.
Không bỏ cuộc trên con đường tìm hiểu khám phá bản thân, Quỳnh Mây đã quyết định chuyển trường, tiếp tục nộp đơn vào các trường đại học khác. Cuối cùng, Quỳnh Mây nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học phụ nữ Châu Á (Asian University for Women) tại Chittagong, Bangladesh.
Trường Đại học phụ nữ Châu Á là một trường giáo dục khai phóng theo mô hình của Mỹ. Tại đây, thay vì phải lựa chọn ngành học luôn, sinh viên sẽ được học rất nhiều môn từ khoa học học tự nhiên, khoa học xã hội đến khoa học máy tính,... sau đó mới quyết định chọn ngành.
Trong quá trình học tập, vào năm 2022, Quỳnh Mây đã dành 1 kỳ đi học tập trao đổi tại Khoa Xã hội học và Nghiên cứu Xã hội (Sociology and Social Research), trường Đại học Trento (Ý).
Hành trình chinh phục học bổng toàn phần Đại học Oxford
Đạt học bổng toàn phần của Đại học Oxford không có trong dự tính, kế hoạch ban đầu của Mây đề ra. “Mình không hề nghĩ bản thân sẽ được các trường như Đại học Oxford và Cambridge nhận. Được nhận học bổng toàn phần của Đại học Oxford gần như là trong mơ đối với mình”, nữ sinh nói.
Quỳnh Mây cho biết, tại Anh rất ít học bổng toàn phần, học bổng toàn phần phổ biến ở Anh mà mọi người hay nhận được là Chevening. Nhưng Mây còn chưa đủ điều kiện “apply” Chevening năm nay vì Chevening yêu cầu đã tốt nghiệp đại học khi nộp đơn, Mây lại tốt nghiệp sau hạn nộp hồ sơ. Nhận thấy khả năng trúng tuyển không cao, Quỳnh Mây đã sẵn sàng từ bỏ chương trình này và tìm kiếm cơ hội khác.
Không ngờ đến, cô bạn được nhận vào Đại học Oxford. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế không cho phép khiến cô bạn phải từ bỏ cơ hội này. Thời gian đưa ra quyết định, Quỳnh Mây đã buồn và khóc rất nhiều.
Trước Đại học Oxford, Quỳnh Mây còn được nhận vào học 2 chương trình Thạc sĩ của Đại học Cambridge (Anh) cùng một số chương trình Thạc sĩ tại Châu Âu. Các trường và ngành nữ sinh này trúng tuyển chủ yếu ở hai lĩnh vực là Giáo dục hoặc Công Nghệ (Social Data Science, Digital Humanities).
Về việc lựa chọn ngành học, Quỳnh Mây cho biết: “Sau một thời gian dài học tập trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, mình nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót về mặt kỹ năng và điểm nhìn. Vì vậy, mình muốn được học thêm về công nghệ và những ứng dụng của công nghệ vào các ngành xã hội, nhân văn để bù đắp những thiếu sót đó”.
Cô bạn đã có ý định chọn Đại học Cambridge và đang bắt đầu xin hỗ trợ tài chính để theo học nhưng vẫn chưa đủ. Nữ sinh cho biết, bản thân đã lên kế hoạch làm việc, kiếm tiền và xin thêm các nguồn tài trợ khác để được đi học nếu không được học bổng.
Không lâu sau, Quỳnh Mây được Khoa Giáo dục (Department of Education) tại Đại học Oxford thông báo, họ đã đề cử Mây cho học bổng toàn phần từ quỹ Weidenfeld-Hoffmann.
Nữ sinh chia sẻ: “Mình đã rất bất ngờ khi nhận thông báo đề cử, không nghĩ Đại học Oxford đánh giá cao mình như vậy. Đặc biệt, ngành được đề cử học bổng là điểm giao của hai mảng Giáo dục và Công nghệ, hai mảng mình đang theo đuổi”.
Nhận được đề cử chỉ là bước khởi đầu may mắn cho việc chinh phục học bổng toàn phần của Đại học Oxford, tiếp theo đó là cả một quá trình dài cố gắng vượt qua các kỳ phỏng vấn đầy tính cạnh tranh.
Sau khi nhận được danh sách đề cử từ các khoa, phía Ủy ban tuyển chọn của học bổng sẽ lọc những người được đề cử để bước vào vòng phỏng vấn. Qua vòng phỏng vấn, Ủy ban tuyển chọn lại lọc một lần nữa. Trải qua 4-5 vòng phỏng vấn và đề cử, phía nhà trường sẽ chọn ra khoảng 30 sinh viên xuất sắc để trao học bổng.
Quỳnh Mây cho biết, cứ qua 4-5 vòng từ phỏng vấn và đề cử như vậy tạo cho bản thân mình cảm giác hồi hộp, lo lắng và luôn sợ bản thân sẽ rớt ở một vòng nào đó. Để ổn định tâm lý khi mọi thứ còn chưa chắc chắn rất quan trọng.
Săn học bổng: phù hợp quan trọng hơn giỏi
Quỳnh Mây cho rằng, trong việc săn học bổng, đôi khi "phù hợp" quan trọng hơn "giỏi". Vì "giỏi" có rất nhiều thang đo để đánh giá, nhưng "phù hợp", nghĩa là bản thân mình có các yếu tố mà học bổng, trường nhắm tới. Cần cố gắng hết sức thể hiện những điểm “phù hợp” qua bài luận, hồ sơ, phỏng vấn,...
Tìm hiểu tiêu chí của từng học bổng rất quan trọng, có nhiều học bổng sẽ quan trọng khả năng học tập, một số thì kinh nghiệm làm việc hoặc cả hai, bên cạnh đó còn rất nhiều tiêu chí khác. Tự đánh giá bản thân đang ở đâu so với những tiêu chí là việc quan trọng nếu muốn có học bổng.
“Mình đã cố hết sức để nói ra những suy nghĩ và mong muốn của bản thân trong sự tương quan với các tiêu chí của học bổng và trường đề ra. Phải hiểu được tại sao bản thân muốn theo đuổi ngành học này. Điều này sẽ giúp những người tuyển chọn hiểu được động lực và sự cần thiết của bạn. Nếu nhà tuyển sinh cũng thấy phù hợp thì khả năng đỗ sẽ cao hơn”, nữ sinh chia sẻ.
Trong quá trình apply học bổng, Quỳnh Mây cũng chăm chỉ tìm hiểu và đọc các blog chia sẻ của các sinh viên được học bổng từ các năm trước, nói chuyện với một số anh chị có kinh nghiệm khác.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng tự tư duy những câu hỏi dễ gặp khi phỏng vấn và thử tập nói trước nhưng trên thực tế, không có câu nào trùng với sự chuẩn bị cả. Theo Quỳnh Mây, nhà tuyển sinh cho quỹ học bổng hỏi khá nhiều câu hỏi không phổ biến, những câu hỏi này không thể tìm thấy trên mạng xã hội, điều này nhằm giúp đánh giá sinh viên một cách tự nhiên hơn.
Nữ sinh cho rằng, khi phỏng vấn với nhà tuyển sinh, bản thân cần có một câu chuyện để truyền tải, “thật thà” với những gì mình suy nghĩ và phải hiểu bản thân mình, lý do bản thân cần ngành, học bổng. Khi đó, những truyền tải của bản thân sẽ có hồn, dù câu hỏi có như thế nào, hãy vẫn là chính mình với những “điểm chính” đó.
“Cố gắng giữ tâm lý ổn định rất quan trọng, hãy coi phỏng vấn như một cuộc trò chuyện với một người lạ để giúp họ hiểu hơn về mình thì sẽ nói được tốt hơn thay vì run sợ hay nghĩ rằng mình đang bị đánh giá”, nữ sinh chia sẻ.
Sự đồng hành của người thầy, gia đình và bạn thân là động lực và niềm an ủi giúp cô gái vượt qua những khó khăn về tâm lý mỗi vòng phỏng vấn.
Để có được thành công này, theo Quỳnh Mây không thể thiếu sự động viên, cổ vũ đến từ người thầy hướng dẫn người Mỹ. Thầy là người đã nhìn ra tiềm năng và luôn tin tưởng vào Mây. Thầy đã viết thư giới thiệu và luôn khích lệ tinh thần Mây trong những lúc khó khăn.
“Mình còn có một người bạn thân luôn lắng nghe và ủng hộ mình. Quá trình apply thực sự rất mệt mỏi và dễ khiến một người gục ngã, nhưng mình nghĩ có sự động viên về tâm lý đã giúp đỡ mình rất nhiều”, Quỳnh Mây xúc động nói.
Đây là lần đầu tiên nữ sinh “apply” thạc sĩ, trong quá trình này, việc phải tự cân bằng giữa trách nhiệm học và làm là một thách thức lớn. Nhưng Quỳnh Mây đã kiên trì và không bỏ cuộc, cũng như vực dậy tinh thần sau những giọt nước mắt.
Đối với Quỳnh Mây, những khó khăn hiện tại đang dẫn lối đưa Mây đến với những cơ hội lớn hơn trong tương lai. Nữ sinh cho biết, trong tương lai gần, sau khi học xong chương trình thạc sĩ tại Đại học Oxford, cô muốn trải nghiệm nhiều hơn ở lĩnh vực công nghệ, học cách phát triển các phần mềm công nghệ giáo dục, giải quyết các bài toán trong giáo dục trước đây đi theo hướng truyền thống chưa giải quyết được.