Một mình Bộ trưởng Thăng đâu có thể làm giảm được ùn tắc giao thông

24/04/2012 13:46
Độc giả Vũ Tuấn Việt (Ba Đình, Hà Nội)
(GDVN) - "Dù Bộ trưởng Thăng có đưa ra giải pháp nào đi chăng nữa nhưng những ngôi nhà cao tầng vẫn mọc lên như nấm, tình trạng dân nhập cư vào các thành phố HCM và Hà Nội ngày càng gia tăng... thì ùn tắc giao thông làm sao mà giải quyết được?..."
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Vũ Tuấn Việt (Ba Đình, Hà Nội). Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Những giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trong thời gian qua của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cá nhân tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên có những ý kiến, phản biện, đánh giá mang tính chỉ trích; việc dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm vì lợi ích chung của tất cả mọi người dân là điều cần phải được ghi nhận và đánh giá cao. Câu chuyện ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay không còn là một câu chuyện mới mẻ nhưng thực sự nó đã làm tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành giao thông vận tải, nhân dân và tốn cũng không biết bao nhiêu giấy mực của các cơ quan thông tin truyền thông.
Độc giả cho rằng một mình bộ trưởng Thăng đâu có thể làm giảm được ùn tắc giao thông. (Ảnh minh họa/ Internet).
Độc giả cho rằng một mình bộ trưởng Thăng đâu có thể làm giảm được ùn tắc giao thông. (Ảnh minh họa/ Internet).

Rất nhiều các giải pháp đã được thực hiện từ "rào" đường, phân làn, đổi giờ học... tốn kém nhiều tỉ đồng đã được đưa vào thực hiện ở các thành phố lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Nhưng dường như, tất cả đó mới là những giải pháp mang tính cấp bách, ngắn hạn, hiệu quả đem lại không cao nên cảnh người dân "nhích từng cm" trên đường vào mỗi giờ cao điểm vẫn thường xuyên diễn ra. Từ đó có thể thấy, đâu phải chỉ một mình Bộ trưởng Đinh La Thăng vào cuộc thì có thể làm giảm được ùn tắc giao thông hay nói cách khác nếu chúng ta cứ đưa ra những ý kiến mang tính chỉ trích với một mình Bộ trưởng thì đã thực sự công bằng, khách quan hay chưa (?). Trước hết, chúng ta phải thấy rõ một điều rằng, vấn nạn ùn tắc giao thông trở nên ngày càng trầm trọng như hiện nay chính là do sự yếu kém, hạn chế trong công tác qui hoạch chung, quản lý và thiếu tầm nhìn xa của các thế hệ lãnh đạo đi trước với việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng tốc độ phát triển... Bộ trưởng Thăng từ một lãnh đạo Tập đoàn nay chuyển sang làm công tác quản lý ở một Bộ được coi là rất "nóng bỏng" hiện nay. Các giải pháp mà ông đưa ra thực chất là để giải quyết, khắc phục những hạn chế, bất cập, khuyết điểm còn tồn tại của ngành giao thông. Và hơn thế là để thực hiện một tầm nhìn xa hơn đối với việc phát triển ngành giao thông, đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội đất nước. Thêm vào đó, sẽ chẳng có một kết quả nào khả quan, khi mà vấn nạn ùn tắc giao thông đang nóng bỏng từng ngày, từng giờ ở các thành phố lớn chỉ do một mình Bộ trưởng Thăng, một mình Bộ Giao thông vận tải đứng ra giải quyết. Bởi vì sao ư (?), Bởi một lẽ, trong khi Bộ GTVT cố gắng đưa ra giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, thì UBND các thành phố lại ồ ạt cấp phép xây dựng cho các tòa nhà cao tầng mọc lên như "nấm sau mưa" trong khu vực nội đô.  Rõ ràng đây là nghịch lý, một bên đang muốn giảm lượng phương tiện cá nhân từ ngay từ bên ngoài còn một bên lại "hậu thuẫn" gây ra áp lực từ bên trong. Hàng trăm tòa nhà cao tầng, chung cư hiện đại, văn phòng... mọc lên sẽ kéo theo hàng trăm, ngàn cư dân mới tới sinh sống, hàng trăm, ngàn phương tiện cá nhân sẽ được bổ sung vào. Đường phố sẽ vấn ách tắc là chuyện dễ hiểu. Lúc này, thì đâu phải chỉ là trách nhiệm của Bộ trưởng Thăng, của ngành giao thông mà phải là trách nhiệm chính phải là của các ngành Xây dựng, tài nguyên môi trường trong công tác qui hoạch và UBND các thành phố trong việc cấp phép ồ ạt xây dựng. Cũng cần nói thêm, vấn nạn ùn tắc giao thông trở nên trầm trọng hơn trong thời gian qua cũng chính xuất phát từ một nguyên nhân khác mà chắc nhiều người cũng đã thấy, đó là tình trạng dân nhập cư ồ ạt về các thành phố lớn. Dân đông, hạ tầng chưa đồng bộ chắc chắn ùn tắc sẽ là một điều hiển nhiên xảy ra.  Dân nhập cư đông có phải do Bộ trưởng Thăng quản (?). Chắc chắn là không rồi mà ở đây phải nhìn thấy rõ trách nhiệm là của rất nhiều ngành từ Y tế, Kế hoạch đầu tư, các UBND thành phố... trong đó. Nhìn trên khía cạnh khách quan thì việc dân nhập cư đông vào các thành phố lớn cũng thể hiện rõ sự phát triển nhanh nhưng chưa đồng đều của nền kinh tế - xã hội nước ta và không ít nước khác trên thế giới. Các thành phố lớn thường được tập trung đầu tư nhiều hơn nên chuyện có được việc làm với thu nhập cao thường dễ dàng hơn so với các khu vực tỉnh lẻ, nông thôn.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cùng với đó, việc chậm trễ trong di chuyển các cơ sở y tế, nhà máy, các trường đại học, cao đẳng ra khỏi địa bàn nội đô cũng khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông chưa được cải thiện. Trách nhiệm ở đây, không phải là của Bộ trưởng Thăng mà là của các Bộ Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch đầu tư, UBND các thành phố và kể cả là các cơ quan chủ quản trong việc bố trí vốn, bố trí quĩ đất để phục vụ công tác di chuyển nhanh chóng hơn. Nhiều người cũng đưa ra giải pháp cho rằng "quét" sạch lòng đường vỉa hè sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông nhưng việc này đâu phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Thăng mà ở đây trách nhiệm thực hiện chính là của các UBND thành phố là những nơi quản lý chính, của lực lượng công an trong phơi hợp. Dù Bộ GTVT có vào cuộc quyết liệt nhưng thiếu sự đồng bộ của các ngành công an, UBND thành phố thì liệu rằng có triệt để (?). Việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nhưng việc này đâu chỉ có một mình Bộ trưởng Thăng giải quyết được mà đó phải là sự đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ đơn giản trong việc mở rộng các tuyến đường ở các thành phố. Bộ GTVT đề xuất thực hiện rất mạnh mẽ, sắp xếp nguồn vốn để thi công. UBND các thành phố cũng mong muốn thực hiện nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng thì lại gặp ách tắc đó là các hộ dân đòi giá đền bù quá cao, không chịu giao mặt bằng, thi công bị đình trệ, cảnh bụi, tắc đường xảy ra... Như vậy ở đây, nên trách ai trước đây?. Bộ GTVT chỉ là một Bộ chuyên ngành về giao thông, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ trưởng cũng xoay quanh đó, đâu có thể làm được những việc khác ngoài quyền hạn. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta có những ý kiến đóng góp, những ý kiến phản biện là rất tốt, điều đó thể hiện sự dân chủ trong xã hội được nâng cao, người dân đã phát huy quyền làm chủ của mình.  Tuy nhiên, khi đưa ra những ý kiến chỉ trích Bộ trưởng Thăng trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông thì nên nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, không nên hùa theo số đông. Thay vì một mình Bộ trưởng Thăng vào cuộc thì cả xã hội, toàn dân hãy cùng đồng tâm, đồng lòng góp sức, góp trí vào công cuộc chống lại vấn nạn ùn tắc giao thông. Khi có được điều đó tôi tin chắc chắn rằng sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
Độc giả Vũ Tuấn Việt (Ba Đình, Hà Nội)