“Bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội chỉ là một vài trường hợp cá biệt?

01/03/2013 08:26
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, những trường hợp báo chí đăng tải về “bún mắng, cháo chửi” chỉ là những trường hợp cá biệt ở Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu về ẩm thực thì lại cho rằng hiện tượng này khá phổ biến, không chỉ riêng ở Hà Nội.

"Bún mắng, cháo chửi" có sự ảnh hưởng từ thời bao cấp

Trao đổi về công tác phát triển du lịch Hà Nội năm 2013, các phóng viên đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để dẹp nạn “bún mắng, cháo chửi” đang làm xấu đi hình ảnh gần gũi, mến khách của Thủ đô? Thậm chí, phóng viên của AFP là Cat Barton ngoài việc hết lời khen ngợi sự tinh tế, thanh lịch của phở Hà Nội, cũng đã mô tả “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ”, và điều bi hài là nhiều người dân vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, lối cư xử thô lỗ của những người bán hàng ấy lại làm ảnh hưởng không nhỏ tới nét đẹp văn hóa Hà Nội?

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Đăng Long nói rằng, hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội là có thật, nhưng không nhiều đến mức như các báo đã nêu. “Thông tin về bún mắng, cháo chửi mà một số báo nêu quá nhiều, theo tôi thực tế cũng có nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt.

Một trong những nguyên nhân xảy ra thực trạng này có lẽ là do cả một thời kỳ bao cấp kéo dài đã ăn sâu vào đời sống và ảnh hưởng tới lối cư xử của những người bán hàng ở Hà Nội. Còn Ở phía Nam không có điều đó vì nền kinh tế thị trường đã phát triển từ nhiều năm trước rồi. Những phản ánh về thái độ thiếu thiện cảm của những người bán hàng với khách là vẫn còn, mặc dù thời gian gần đây cũng đã giảm rất nhiều”.

Văn hóa bán hàng thời bao cấp đã kéo dài tới tận ngày nay?
Văn hóa bán hàng thời bao cấp đã kéo dài tới tận ngày nay?

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy phân tích thêm: “Chúng ta cũng thấy rằng những người bán hàng ấy thường là buôn bán nhỏ, và bán cho ai? Đó là bán cho bà con làng xóm xung quanh, thế nên cách giao tiếp nhiều khi cũng bỗ bã, chứ không giống như một cơ sở buôn bán cho các khách lạ… tất nhiên đây là một vấn đề lớn và Sở Văn hóa Thể thao du lịch cũng đã từng tổ chức hội thảo về chủ đề này. Tuy nhiên, tôi thấy là không nên đề cập quá nhiều tới chuyện này, làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô, trong khi đó chỉ là những trường hợp cá biệt”.

Trước đó, hàng loạt tờ báo của trung ương và Hà Nội đã thẳng thắn đề cập đến câu chuyện “bún mắng, cháo chửi” ở Thủ đô, một lối hành xử thiếu văn hóa, làm xấu đi hình ảnh của một vùng đất nghìn năm văn hiến. Phát biểu trên Báo Giáo dục Việt Nam, hàng loạt chuyên gia có uy tín ở nhiều lĩnh vực cũng đã bày tỏ những điều chua chát về hàng quán ẩm thực tại Hà Nội.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) nhận định: “Đó là văn hóa ứng xử được nảy sinh từ cái môi trường sống xô bồ, chợ búa. Bởi lẽ trong cách gọi dân gian, Hà Nội trước kia còn có cái tên gọi không chính thức như Kẻ Chợ. Như vậy, ở đâu đó làm sao có thể tránh được lối ăn nói thiếu văn hóa ấy. Văn hóa ứng xử nảy sinh trong môi trường sống.

Một Hà Nội vốn đã xô bồ, lộn xộn về văn hóa vì ngày càng có quá nhiều thành phần dân cư định cư ở đây thì ở những nơi chợ búa khó có thể tìm được cách ứng xử nhã nhặn. Không phải đến bây giờ mới có bún mắng cháo chửi, đã ở nơi chợ búa thì đâu cũng có. Với người ở Hà Nội lâu hơn, họ quen hơn tỏ ra sành và sành đủ kiểu hơn".

Còn TS Vũ Thế Long - Thư ký CLB Ẩm thực Việt Nam thì bày tỏ: “Đây quả là một vấn đề đáng báo động trong văn hóa kinh doanh ở Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đúng là đang tồn tại một bộ phận những người kinh doanh ở Hà Nội có những biểu hiện rất vô văn hóa trong phục vụ khách hàng như ăn nói thô tục, chửi mắng nhân viên và thậm chí chửi cả khách hàng".

Gần đây nhất, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đã nói trên một tờ báo rằng, ông cảm thấy chạnh lòng, thấy buồn khi Hà Nội bị mang tiếng xấu vì “bún mắng, cháo chửi”. PGS Bình chia sẻ: “Lâu nay, nhiều người chúng ta chấp nhận nó như một thứ bán kèm, chịu đựng lẫn nhau của sự kém phát triển, văn minh. Nhưng khi thiên hạ định giá mình một cách “ngang giá” thì chúng ta khó chịu.

Nó chạm vào lòng tự ái dân tộc chứ không riêng gì Hà Nội. Tác giả nước ngoài nói vậy thì cũng chẳng oan sai gì cho chúng ta đâu. Không có gì đáng ngạc nhiên vì hàng ngày chúng ta chứng kiến những chuyện như thế một cách rất thực.

Hà Nội từng có quán phở gà rất nổi tiếng tại Nam Ngư, nơi đó đúng nghĩa là phở chửi. Ai gọi món to thì bị chủ quán đáp lời: “Nói to, nói gì mà lắm thế?”. Ai nói nhỏ thì bị quát: “Lẩm bẩm thế thì ai biết mà làm?”. Chung quy là kiểu gì “thượng đế” cũng bị chửi và đành co rúm lại chỉnh đốn lại mọi hành vi, lời nói… nhưng người ta vẫn cứ đổ xô đến ăn. Nó trở thành một thứ văn hóa rồi mà nhiều người nói vui là phải vào những chỗ đó mới thú vị, mới ngon.

Không phải tất cả các chủ hiệu phở đều thế. Nhưng nói chung, ấn tượng của nhiều thực khách nước ngoài về phở tại Việt Nam là như vậy, sự xấu bao hàm ở cả nghĩa văn hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Sẽ xử lý thích đáng những trường hợp lừa đảo, chặt chém du khách

Trong cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 26/2/2013, ông Mai Tiến Dũng – Phó GĐ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2012, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 14,4 triệu lượt khách, trong đó có trên 2,1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11,3% so với 2011).

Tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel in Asia (có uy tín nhất khu vực châu Á) khi tổ chức bình chọn trong hàng triệu độc giả và phóng viên du lịch khắp thế giới về điểm đến du lịch được yêu thích nhất thì Hà Nội liên tục nằm trong top 10 những năm gần đây.

Đây là những thông tin rất đáng mừng cho ngành du lịch Thủ đô, tuy vậy cũng có nhiều lo ngại đã được đặt ra khi Hà Nội ít nhiều bị mang tiếng xấu với khách du lịch, không chỉ có “bún mắng, cháo chửi”, mà nạn lừa khách du lịch nước ngoài vẫn còn diễn ra, tập trung nhiều nhất nhất là khu vực phố cổ.

Du khách dù là người Việt Nam hay nước ngoài khi tới Hà Nội đều rất muốn thăm phố cổ. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều hiện tượng khách du lịch nước ngoài bị một số hãng tour và khách sạn làm ăn chụp giật lừa gạt. Có những khách sạn mini đưa biển giá phòng chỉ 200 nghìn/ đêm, nhưng khi thanh toán thì “chặt chém” tới 400 nghìn và đưa ra lý do là “có phòng 200 nghìn, nhưng quý vị đã chọn phòng 400 nghìn”.

Lại có những trường hợp đặt tour từ Hà Nội xuống Hạ Long để đi chơi qua đêm trên tàu, nhưng công ty du lịch lại bán cho khách loại vé chỉ có ghế ngồi mà không có giường nằm. Và khi du khách phản ứng thì người Việt lại dở trò bất đồng ngôn ngữ ra để bắt bí du khách.

Nhiều khách nước ngoài tới Hà Nội từng bị cướp giật, hoặc chặt chém. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều khách nước ngoài tới Hà Nội từng bị cướp giật, hoặc chặt chém. Ảnh minh họa, nguồn internet.

TS Vũ Thế Long từng nói rất thẳng thắn: “Đã có không ít những nhà hàng kinh doanh ăn uống có biểu hiện lừa đảo thực khách, lợi dụng khách vào ăn không hỏi giá nên lúc tính tiền tự ý tăng giá lên hàng chục lần. Nếu khách không chịu trả hoặc thắc mắc, phản ánh thì dùng côn đồ đe dọa…

Đây là những biểu hiện rất xấu, xã hội cần mạnh mẽ lên án và tố cáo, tẩy chay. Nếu cần, phải khởi tố trước pháp luật, coi như hành vi lừa đảo, trấn lột. Khách trong nước và cả người  nước ngoài đến xem hàng, hỏi giá… nếu không mua mà đụng vào hàng hoặc chụp ảnh, ghi hình… là bị chửi mắng thậm tệ”.

Trước những thông tin có ảnh hưởng xấu cho ngành công nghiệp không khói của Thủ đô, ông Mai Tiến Dũng cho hay: “Các đơn vị chức năng như công an, thanh tra của Sở đã nhiều lần vào cuộc và chúng tôi khẳng định là nếu phát hiện ra trường hợp nào lừa khách, chèn ép du khách thì sẽ xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, trên thực tế ở chỗ này chỗ khác vẫn còn có những hiện tượng này, tôi mong rằng, bất kỳ ai phát hiện ra những hiện tượng trên xin vui lòng báo cho lực lượng công an, hoặc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, để chúng tôi xử lý kịp thời, dứt khoát không để du lịch Hà Nội phải chịu điều tiếng xấu”.

Diệu Linh