Tâm lý trường nghề là "phương án B", CSGD chật vật tuyển sinh mong đạt 50% chỉ tiêu

14/07/2025 06:38
Việt Dũng
Theo dõi trên Google News

GDVN - Cho đến nay, việc tuyển sinh tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn, cho dù một số đã phải hạ chỉ tiêu.

Tháng 3/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Việc này được kỳ vọng sẽ mở ra những đổi mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cả nước.

Thực tế hiện nay, nhiều trường trung cấp, cao đẳng chuyên về nghề nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng kể nhất vẫn là việc tuyển sinh đầu vào hàng năm.

Hạ chỉ tiêu nhưng tuyển cũng chỉ đạt 50% chỉ tiêu

Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa chỉ chủ chốt đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện lực ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khi nhà nước thực hiện chính sách chính quyền địa phương hai cấp, lực lượng lao động của nhóm ngành này cũng được sắp xếp tinh gọn hơn, dẫn đến đầu ra của sinh viên cũng gặp nhiều thách thức hơn.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều yếu tố tác động khiến cho việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã khó, nay lại càng khó khăn hơn.

gdvn-hocnghe.jpg
Việc tuyển sinh tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều vất vả, dù một số trường đã hạ chỉ tiêu Ảnh minh họa: V.D

Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang nói rằng, tâm lý của các em học sinh trung học phổ thông chủ yếu vẫn là “rớt đại học thì đi học cao đẳng, các trường nghề luôn chỉ là phương án B”.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Quang nói rằng, những năm trước, trường đưa ra chỉ tiêu tuyển khoảng 800 em, mà nếu tuyển được khoảng hơn 500 sinh viên xem như là thuận lợi.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang cho hay, công tác tuyển sinh của năm nay sẽ vất vả hơn những năm trước. Trường chỉ mong đạt được khoảng 50% chỉ tiêu được giao, coi như là đạt yêu cầu.

Tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, cho đến nay đã có khoảng 450 hồ sơ đăng ký vào học chương trình trung cấp, nhưng con số này vẫn còn rất hạn chế so với chỉ tiêu chung của trường là 3.000 học viên.

Theo Tiến sĩ Châu Văn Bảo – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, những năm trước đây, thông thường vào thời điểm này thì trường đã có thể hoàn thành được hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của cả năm học.

Tiến sĩ Châu Văn Bảo thông tin, dù đã tăng cường nhiều hình thức và biện pháp tuyển sinh khác nhau, nhưng đến giờ này, lượng hồ sơ nộp vào ở hệ trung cấp và cao đẳng tại trường vẫn còn rất hạn chế, chỉ những ngành “hot” thì lượng hồ sơ đăng ký mới tạm ổn.

Còn tại Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Tiến sĩ Lê Lâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cho đến giờ, chỉ mới có khoảng hơn 300 hồ sơ nộp vào đăng ký học, mà cũng chưa có sinh viên nào đóng tiền.

Theo Tiến sĩ Lê Lâm, tổng chỉ tiêu của trường vào khoảng hơn 1.200 em, như vậy có nghĩa rằng, đến nay trường chỉ mới có khoảng 1/4 em nộp hồ sơ vào học hệ cao đẳng, trong khi đó những năm trước đây, vào thời điểm này đã có rất nhiều em đến trường đóng tiền học.

Là một trong số ít những trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh có lượng sinh viên vào học ổn định hàng năm, nhưng Thạc sĩ Trần Văn Tú – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nói rằng, công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thạc sĩ Trần Văn Tú nói: “Cho đến nay, trường chỉ có khoảng 600 hồ sơ nộp vào, trong khi đó chỉ tiêu đến khoảng 3.000 hồ sơ. Trường hy vọng trong tháng 7,8 là tháng cao điểm của việc tuyển sinh, khi các em học sinh đã có điểm tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Cần đầu tư có trọng điểm hơn cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thạc sĩ Trần Phương – Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao nhìn nhận, nguồn tuyển từ học sinh sau khi đã tốt nghiệp trung học phổ thông đang ngày càng trở nên khó khăn. Chính vì vậy, để bù đắp chỉ tiêu, các trường cao đẳng – trung cấp phải đa dạng hóa nguồn tuyển.

Theo Thạc sĩ Trần Phương, trường luôn áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, như kết hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, liên thông…Những chương trình này luôn thu hút các học viên lớn tuổi, có mong muốn được nâng cao tay nghề, nhưng vẫn đảm bảo được thời gian đi làm.

gdvn-phdentuvantsvietgiao.jpg
Phụ huynh đến tư vấn tuyển sinh tại Trường trung cấp Việt Giao Ảnh minh họa: V.D

Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao cho biết, việc “lấy ngắn nuôi dài”, tập trung vào các khóa đào tạo ngắn hạn để duy trì hoạt động của nhà trường bù đắp sự sụt giảm của việc tuyển sinh hệ chính quy đang trở thành một phương châm duy trì hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thạc sĩ Hoàng Phan Bá Phương – Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách Nghệ nêu quan điểm: “Đào tạo nghề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần phải được cập nhật để bắt kịp với xu hướng của giáo dục hiện đại”.

Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách Nghệ Hoàng Phan Bá Phương nhấn mạnh, để đứng vững được trong xu thế hiện nay, đồng thời thu hút được sinh viên theo học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được quy hoạch với quy mô lớn, đào tạo đa ngành và đa nghề.

Thạc sĩ Hoàng Phan Bá Phương đề xuất: “Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được được đầu tư có trọng điểm, chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của người học, đáp ứng được nhu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao và sự biến đổi của thị trường lao động”.

Việt Dũng