Ngành y tế quyết không đánh trống bỏ dùi, phát động xong rồi để đấy

29/08/2019 13:16
Tùng Dương
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp.

Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra lời kêu gọi trên tại hội nghị trực tuyến triển khai chỉ thị của Bộ Y tế về hạn chế rác thải nhựa trong Y tế.

Theo Bộ trưởng: “Cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và trên 300 triệu lượt người khám ngoại trú. Mỗi bệnh nhân thường đi kèm 1-2 người nhà nên lượng rác thải ra rất lớn.

Trừ những sản phẩm không thể thay thế được thì bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, còn lại những cái có khả năng thay thế, chúng tôi sẽ quyết tâm.

Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, phối hợp với các đơn vị khác - nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp - để nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp. 

Cũng tại hội nghị, theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tương đương 22 tấn 1 ngày.

Trong khi đó, ở một số bệnh viện tuyến trung ương, tỉ lệ nhựa trong chất thải y tế dao động trong khoảng 10%-45% và tỉ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt là 12%-17%.

Đa số chất thải nhựa là túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thuốc, hóa chất… và bao, túi, chai nhựa sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày thu gom gần 15 tấn rác sinh hoạt, trong đó 5% (tương đương 750 kg) là túi ni-lông, ống hút nhựa, hộp xốp...

Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ở hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc, chất thải nhựa chiếm một số lượng cực lớn mà chỉ cần nhìn vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà là có thể hình dung được.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết: “ Do đặc thù trong ngành y tế, việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%).

Về những tồn tại, bất cập trong quản lý chất thải nhựa trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm..

Những sản phẩm đó đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học.

Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.

Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình, tuy nhiên cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện, tại bệnh viện, cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng.

Về sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Ban lãnh đạo Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc bệnh viện giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế. Ảnh: Vtv.vn.
Ban lãnh đạo Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc bệnh viện giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế. Ảnh: Vtv.vn.

"Chống rác thải nhựa" tại cơ sở y tế Năm 2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 1505/MT-YT gửi các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế và Công văn số 1506/MT-YT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phong trào.

Trong đó, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sửa dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tại một số địa phương, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" của cơ sở y tế trên cả nước.

Bệnh viện K đã vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, người nhà bệnh nhân, các đơn vị trong Bệnh viện K đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa.

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K, cho biết: “Mỗi tháng bệnh viện sử dụng gần một tấn túi nilon để phân loại và đựng rác thải y tế.

Bệnh viện K đổi 4 loại túi nilon màu trắng, đen, vàng, xanh trong các khoa phòng, thành túi hữu cơ làm bằng bột sắn. Bệnh viện K sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy.

Khu vực uống nước tại các phòng kể cả phòng bệnh nhân, đều sử dụng chai thủy tinh, cốc sứ hoặc inox. Những hộp đựng chất thải dùng một lần trên xe tiêm thay bằng xô tái chế.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “ Bệnh viện K sẽ nỗ lực trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Chỉ những gì đặc thù không thể thay thế, như bơm kim tiêm sử dụng 1 lần, túi đựng dịch truyền, túi máu... còn những gì có thể thay thế được bệnh viện sẽ nỗ lực.

Ngành y tế quyết không đánh trống bỏ dùi, phát động xong rồi để đấy ảnh 3
Bộ trưởng Y tế yêu cầu giảm chất thải nhựa

Các đơn vị đưa ra lộ trình tăng sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế.

Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong Bệnh viện.

Chúng tôi đã đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của Bệnh viện, sẽ thực hiện đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ”.

Không đánh trống bỏ dùi, để tránh tình trạng phát động xong rồi... để đấy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu tới đây, các bệnh viện phải đưa việc giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp, đồng thời bố trí nguồn lực hợp lý bảo đảm để việc kiểm tra, giám sát diễn ra thường xuyên.

Những sản phẩm nhựa dùng một lần cần thay thế bằng vật dụng làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc, túi đựng chất thải làm bằng ni-lông khó phân hủy.

Các bệnh viện triệt để phân loại chất thải nhựa để tái chế; đưa tiêu chí giảm chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị; truyền thông, hướng dẫn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.

Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn ngành y tế Năm 2019, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư ngỏ kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vào ngày 25/4/2019.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

Theo đó Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế. Đồng thời, để phát động thực hiện Chỉ thị sâu rộng trong toàn ngành Y tế.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.

Song song với việc tổ chức Hội nghị trực tuyến, trong tháng 8/2019, Bộ Y tế đã phát động, triển khai sâu rộng hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ sở y tế trong toàn ngành.

Tùng Dương