Hiện nay, điện thoại thông minh (smartphone) là một phương tiện gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Nó đã trở thành một nguồn giải trí cơ bản (đặc biệt là với giới trẻ), khiến nhiều người hạn chế các hoạt động thể chất.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố tại Hội nghị Mỹ Latinh ACC 2019, sinh viên đại học sử dụng điện thoại thông minh của họ trên 5 giờ/ ngày tăng 43% nguy cơ mắc bệnh béo phì và có nhiều thói quen lối sống khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Tác giả của nghiên cứu là bà Mirary Mantilla-Morrón - một chuyên gia phục hồi chức năng tim và mạch máu tim tại Khoa Khoa học Sức khỏe tại Đại học Simón Bolívar ở Barranquilla, Colombia.
Sử dụng điện thoại trên 5 tiếng mỗi ngày tăng nguy cơ béo phì. (Ảnh minh họa: depositphotos.com) |
Bà cho biết: "Điều quan trọng là mọi người phải biết và nhận thức được rằng, mặc dù công nghệ di động vô cùng hấp dẫn nhờ tính đa mục đích, tính di động, sự thoải mái, truy cập vào vô số dịch vụ, nguồn thông tin và giải trí, nó cũng nên được sử dụng để cải thiện thói quen và hành vi lành mạnh.
Dành quá nhiều thời gian trước điện thoại thông minh tạo điều kiện cho các hành vi ít vận động, giảm thời gian hoạt động thể chất, làm tăng nguy cơ tử vong sớm, bệnh tiểu đường, bệnh tim, các loại ung thư khác nhau, gây khó chịu xương khớp và các triệu chứng cơ xương khớp".
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 1060 sinh viên của Khoa Khoa học Sức khỏe tại Đại học Simón Bolívar trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2018). Nhóm tham gia nghiên cứu bao gồm 700 phụ nữ và 360 nam giới. Với độ tuổi trung bình là 19-20 tuổi.
Trong nhóm nam giới tham gia, có 36,1% khả năng thừa cân và 42,6% có khả năng bị béo phì. Nhóm phụ nữ tham gia có khả năng thừa cân là 63,9% và 57,4% có khả năng béo phì.
5 dấu hiệu cảnh báo bệnh béo phì |
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nguy cơ béo phì tăng 43% nếu họ sử dụng điện thoại thông minh từ 5 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày.
Bởi vì các sinh viên này có khả năng sử dụng nhiều thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn vặt, đồ uống có đường hơn và giảm hoạt động thể chất.
26% đối tượng thừa cân và 4,6% những người béo phì đã dành hơn 5 giờ sử dụng thiết bị di động của họ.
Bà Mantilla-Morrón cho biết: "Kết quả của nghiên cứu này cho phép chúng tôi nêu bật một trong những nguyên nhân chính gây ra béo phì về thể chất, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Chúng tôi cũng đã xác định rằng lượng thời gian mà một người tiếp xúc với việc sử dụng các công nghệ, cụ thể là sử dụng điện thoại di động kéo dài, có liên quan đến sự phát triển của béo phì".